Những chiến sĩ trả lại bình yên cho đất

Tỉnh Trà Vinh là một trong 3 địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ ô nhiễm bom, mìn cao, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và cản trở phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Trước tình hình đó, hàng chục năm qua, lực lượng công binh thuộc Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị nỗ lực thu gom, xử lý bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh để người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Tháng 4-2023, trong quá trình san lấp mặt bằng để xây nhà, ông Trần Văn Senl, ngụ tại ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh (Duyên Hải, Trà Vinh) phát hiện một quả bom nằm sâu gần 2m dưới lòng đất nên trình báo chính quyền địa phương. Nhận tin báo, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh cử lực lượng công binh nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp với Ban CHQS xã Long Vĩnh khoanh vùng, che chắn và cắm biển báo, triển khai biện pháp thu gom, xử lý an toàn.

Qua kiểm tra, Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh xác định, đây là bom MK-82 nặng hơn 200kg, dài 1,5m do Mỹ sản xuất. Trung bình mỗi quả chứa khoảng 90kg thuốc nổ sát thương người, vật trên mặt đất hoặc khoan sâu xuống đất phá hủy công trình ngầm, tuy gỉ sét nhưng khả năng phát nổ vẫn còn, sẽ nguy hiểm nếu có tác động mạnh. Quá trình thu gom, đơn vị tiến hành cẩn thận từng bước đúng quy trình, vận chuyển về vị trí tập kết bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ông Trần Văn Senl cho biết: “Lúc phát hiện vườn nhà có bom, gia đình tôi rất lo. Nhờ các chú bộ đội nhiệt tình giúp đỡ thu gom, xử lý nên gia đình tôi và bà con trong xóm yên tâm hơn”.

Lực lượng công binh (Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh) và dân quân tỉnh Trà Vinh thu gom bom, mìn tại ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, ngày 11-4-2023. Ảnh: HỮU HIỆP

Lực lượng công binh (Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh) và dân quân tỉnh Trà Vinh thu gom bom, mìn tại ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, ngày 11-4-2023. Ảnh: HỮU HIỆP

Việc người dân báo ngay khi phát hiện bom, mìn như ông Trần Văn Senl sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ công tác xử lý hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có một số người chưa nhận thức đầy đủ hậu quả đã tự ý tác động vào bom, mìn do hiếu kỳ hoặc để khai thác phế liệu. Vào năm 2012, một hộ dân ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) thuê người cưa quả bom dài 1,3m, đường kính 45cm, nặng hơn 300kg để lấy thuốc nổ. Qua tin báo của người dân, lực lượng công binh đã có mặt kịp thời khi chỉ còn khoảng 10cm là tiếp xúc phần lõi. Đơn vị nhanh chóng khoanh vùng khu vực nguy hiểm, kiểm tra, xử lý ngòi nổ, sau đó thuê xuồng chở qua sông rồi đưa lên xe vận chuyển về nơi tập kết. Những trường hợp như vậy, lại ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, đơn vị phải mất hơn một ngày để hoàn thành nhiệm vụ.

Trung tá Trần Văn Thuận, Trưởng ban Công binh kể: “Công việc thu gom, xử lý bom, mìn càng khó khăn hơn khi tác nghiệp trong môi trường nước. Như tháng 10-2022, tổ công tác xử lý an toàn quả bom dài 1,2m, nặng 350kg ở khu vực cửa biển thuộc xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh). Theo thông tin người dân cung cấp, anh em trực tiếp lặn xuống xác định vị trí, loại bom, trong đó, nguy hiểm nhất là các loại bom từ trường, thủy lôi... Đặc biệt, phải đánh giá chính xác mức độ an toàn rồi buộc dây chắc chắn kéo lên xuồng, tránh trường hợp bị nước cuốn”.

Hiện nay, Đội thu gom, xử lý bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh gồm 15 đồng chí (kiêm nhiệm). Thành viên của đội là những người có trình độ chuyên môn cao, đã qua đào tạo cơ bản kỹ thuật công binh và được huy động từ các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh. Là thành viên của đội, Thiếu tá Triệu Quốc Phục, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 926 (Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh) chia sẻ: “Trước mỗi chuyến công tác, anh em luôn động viên, nhắc nhở nhau thực hiện đúng quy tắc bảo đảm an toàn. Ví dụ như khi đưa bom lên thùng xe phải tận dụng cây chuối hoặc cát để lót, tránh va chạm mạnh, giữ vận tốc xe dưới 40km/giờ”. Thiếu tá QNCN Hà Văn Tròn, nhân viên quân khí, Đại đội Kho, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh tiếp lời: “Các loại bom thường gặp là bom phá, bom sát thương hoặc các đầu đạn pháo, mìn đè nổ... Mỗi loại có đặc điểm nhận dạng riêng, do đó tôi phải nghiên cứu kỹ các tài liệu, hình ảnh nhằm xác định đúng chủng loại, hiểu rõ nguyên tắc kích ngòi nổ để thao tác đúng kỹ thuật, không để xảy ra sơ suất”.

Trên cơ sở chỉ thị của Tư lệnh Quân khu 9 và kế hoạch của UBND tỉnh, hằng năm, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch thu gom, xử lý bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, nhất là các khu vực diễn ra những trận đánh lớn. Theo Đại tá Lê Văn Căn, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh, các phương án thu gom, xử lý bom, mìn, vật nổ dựa trên kết quả khảo sát thực tế, địa hình và xác định rõ đường đi, phương tiện, lực lượng, phương pháp vận chuyển bom, mìn, vật nổ bảo đảm chặt chẽ, an toàn, đúng quy định. Từ năm 2002 đến nay, lực lượng công binh đã thu gom, xử lý an toàn và bàn giao cho đơn vị phụ trách hủy nổ hơn 40 tấn bom, mìn, vật nổ các loại, góp phần mang lại cuộc sống yên bình cho bà con, tạo điều kiện để địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, đơn vị còn tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả từ bom, mìn, vật nổ.

CÔNG KHANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-chien-si-tra-lai-binh-yen-cho-dat-747704