Những chính sách có hiệu lực từ tháng 7/2025
Từ ngày 1/7, nhiều chính sách mới có hiệu lực, tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như 5 nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; tài chính công đoàn được phép dùng xây nhà ở xã hội; chủ tịch xã được cấp sổ đỏ; 8 tội danh bị bãi bỏ hình phạt tử hình…
5 nhóm đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội
Theo Nghị định số 158/2025/NĐ-CP ngày 25/6/2025 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, có 5 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:
Thứ nhất, người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c, g, h, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, i, k, l khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

(Ảnh minh họa)
Thứ hai, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh quy định tại điểm m khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thứ ba, đối tượng quy định tại khoản 2 nêu trên và điểm n khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội đồng thời thuộc nhiều đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Thứ tư, đối tượng hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại điểm a khoản 7 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Thứ năm, đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng tính theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất; người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Tài chính công đoàn được dùng xây nhà ở xã hội
Luật Công đoàn sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định tài chính công đoàn gồm đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng góp; ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; viện trợ tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Tài chính công đoàn sẽ được sử dụng để giúp đỡ thành viên công đoàn, như bảo vệ quyền lợi và dạy họ những kỹ năng mới, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao... Ngoài ra, luật mới bổ sung quy định tiền công đoàn còn được dùng để xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên và người lao động thuê; làm công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan phục vụ đoàn viên, người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp.
Chủ tịch xã được cấp sổ đỏ, quyết giá đất tái định cư
Theo Nghị định 151/2025 về phân cấp, phân quyền lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7, chủ tịch UBND cấp xã sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) lần đầu cho người dân. Đồng thời, cấp xã được cấp sổ đỏ theo phương án góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh đất đai được phê duyệt. Nhiệm vụ này trước do cấp tỉnh và huyện đảm nhiệm.

(Ảnh minh họa)
Các trường hợp cấp sổ đỏ thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh sẽ giao về xã, phường, đặc khu gồm: Cấp sổ đỏ cho tổ chức trong nước như cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, đơn vị vũ trang, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức tôn giáo; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Chính phủ giao UBND cấp xã được xác định lại diện tích đất ở và cấp sổ đỏ trong trường hợp thửa đất có vườn, ao, đất thổ cư được cấp sổ đỏ trước ngày 1/7/2004.
Ngoài ra, hàng loạt thẩm quyền khác được chuyển giao từ cấp huyện về chủ tịch UBND cấp xã, như: Chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế; phê duyệt phương án sử dụng đất lúa của cá nhân; thu hồi đất; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt phương án cưỡng chế và kinh phí cho hoạt động cưỡng chế; quyết định giá đất cụ thể; quyết định giá bán nhà ở tái định cư trong địa bàn.
Chủ tịch UBND cấp xã được thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cũng như quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với cá nhân, trước đây thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.
Bỏ tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ, gián điệp...
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh gồm: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Những người bị kết án tử hình về 8 tội này trước ngày 1-7-2025 sẽ không phải thi hành mà sẽ được chuyển xuống tù chung thân.
Đáng chú ý, đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ, sau khi bỏ hình phạt tử hình, nhằm bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đồng thời khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án, Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng: “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

(Ảnh minh họa)
Luật cũng đã bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy theo hướng chỉ xử lý những người đang trong quá trình cai nghiện hoặc vừa kết thúc quá trình cai nghiện ma túy mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, nhằm giảm tình trạng sử dụng ma túy và tăng hiệu quả quản lý.
Luật mới bảo vệ cả người thân và người hỗ trợ nạn nhân mua bán người
Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 có nhiều điểm mới nổi bật so với quy định hiện hành như:
Mở rộng đối tượng được bảo vệ gồm: nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người dưới 18 tuổi đi cùng, người thân thích của nạn nhân và cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người hoặc hỗ trợ nạn nhân.
Bổ sung nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, bảo đảm bình đẳng giới, đồng thời cho phép trong một số trường hợp nạn nhân vi phạm pháp luật do hậu quả của mua bán người có thể không bị xử lý hình sự hoặc hành chính.
Mở rộng chính sách hỗ trợ cho nạn nhân và người liên quan như hỗ trợ y tế, phiên dịch, pháp luật, học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn, vay vốn và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu nếu chưa có bảo hiểm.
Quy định nghiêm cấm các hành vi mua bán người, trong đó có cả hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai”, nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi liên quan.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Hoàn thiện các quy định về tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong công tác phòng, chống mua bán người.
Tuấn Kiệt (t/h)