Những con số biết nói

Phạm Thiên Ân, cái tên ấy có thể đến giờ này vẫn còn tương đối lạ lẫm với một số người. Tuy nhiên, chính cái tên ấy, cách đây 2 tuần, đã được xướng lên ở Liên hoan phim (LHP) Cannes với giải thưởng 'Camera d'Or' (Ống kính Vàng). Với số đông, Phạm Thiên Ân chưa phải là một người nổi tiếng có độ phủ sóng mạnh mẽ. Nhưng với giới điện ảnh Việt Nam, Ân chính là niềm tự hào.

30 năm sau "Mùi đu đủ xanh", một người Việt mới được vinh danh ở Cannes ở một hạng mục tranh giải chính thức. Và đây cũng là lần đầu tiên một đạo diễn người Việt, quốc tịch Việt Nam, sinh ra, lớn lên, học tập ở Việt Nam giành được một vinh dự lớn lao đến thế ở một trong những LHP đẳng cấp hàng đầu thế giới.

Và với phim "Bên trong vỏ kén vàng" mới đoạt giải của mình, Ân nhận định rằng "đây mới chỉ là khởi đầu". Những người yêu điện ảnh Việt rất tin tưởng vào phát biểu đó của Ân. Họ hiểu rằng, với tài năng của mình, Ân sẽ còn những dự án điện ảnh đi xa hơn nữa trong tương lai. Đồng thời, cảm hứng từ giải thưởng mà Ân giành được cũng sẽ khích lệ nhiều nhà làm phim trẻ của Việt Nam lao vào con đường nghệ thuật vất vả và tốn kém bậc nhất này.

Nhưng nói gì thì nói, mong muốn của giới làm phim phải trông đợi vào chính nguồn lực của xã hội. Và nguồn lực ở đây không chỉ nằm ở khâu đầu tư tài chính, thứ sống còn đối với việc làm phim. Nó nằm chủ yếu ở sự đón nhận của khán giả vì chỉ có sự đón nhận ấy mới mang lại doanh thu bù đắp cho những ai đầu tư vào điện ảnh. Có được doanh thu hứa hẹn bù đắp, nhà đầu tư mới dám mạnh dạn bỏ tiền cho những dự án điện ảnh tốn kém ngõ hầu phục vụ các ý tưởng sáng tạo nhiều khi là "điên rồ" của giới đạo diễn.

Nguồn lực khán giả ấy hiện nay đang như thế nào? Đây chính là câu hỏi tiên quyết, và khi trả lời được nó rồi, chúng ta sẽ cảm thấy có nhiều "dằn vặt" thực sự đối với nền điện ảnh nước nhà.

Nếu lên Google gõ "Phạm Thiên Ân" và chọn bộ lọc ở phần tin tức (news), chúng ta sẽ nhận được vẻn vẹn khoảng 4 ngàn kết quả. 4 ngàn ấy là những tin bài (có nhiều trong số đó là được sao chép lại) liên quan đến cái tên Phạm Thiên Ân được đăng tải đây đó trên các báo chí chính thống hoặc các trang thông tin điện tử, các blog… Và tính kể từ khi Ân giành giải Cannes, tin tức về anh thưa thớt hẳn sau vài ngày đầu sự kiện đang còn "nóng". Trong khi đó, mỗi ngày, trên các trang báo điện tử, trên các trang thông tin, nhan nhản là tin tức về các nhân vật giải trí. Đáng mỉa mai là tin tức ấy toàn thuộc dạng "tin không đáng làm tin" giống như kiểu "hở bạo khi đi cùng ông xã" hay "khóc khi nhắc đến người yêu cũ".

Điển hình, nếu gõ cái tên Trấn Thành với cách lọc bộ tìm kiếm tương tự trên Google, chúng ta sẽ nhận được hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn (khi anh này gặp một bê bối nào đó) kết quả. Sự so sánh giữa các con số của Thiên Ân và Trấn Thành cho thấy điều gì? Dễ hiểu thôi, khi báo chí với khả năng dẫn dắt dư luận của mình chỉ chăm chăm phát tán các tin bài dễ đọc, dễ mang lại tương tác bất chấp nội dung giải trí đầy vô bổ và quên bẵng đi những con người đang lao động nghệ thuật chân chính, độc giả của họ sẽ hình thành một lớp khán giả ưa sự dễ dãi và lạnh nhạt với nghệ thuật.

Muốn có nhiều thành tựu như Phạm Thiên Ân, những con người như Phạm Thiên Ân, có lẽ báo chí nên nhận lấy một phần trách nhiệm. Nghệ thuật cần được nuôi dưỡng và một trong các cách để nuôi dưỡng nó chính là quảng bá cho nó, tạo nó thành tâm điểm của dư luận thay vì những thứ tạp nham đầy sạn và sẹo trên hình hài.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nhung-con-so-biet-noi-i697723/