Những công trình 'ý Đảng lòng dân'

Tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai được đầu tư khang trang - Ảnh: HỒ NHƯ

Những con đường bê tông rộng dài bao quanh các xóm làng, những cây cầu bê tông vững chắc bắc qua sông, suối là hình ảnh có thể bắt gặp ở bất cứ vùng quê nào trên địa bàn tỉnh hiện nay. Niềm vui, phấn khởi xen lẫn tự hào ánh lên trong từng ánh mắt, nụ cười của người dân khi hệ thống giao thông nông thôn giờ được khoác lên mình chiếc áo mới.

KHƠI DẬY SỨC DÂN

Tết năm nay, người dân xã An Dân, huyện Tuy An được đi lại trên cây cầu bê tông sau nhiều năm phải đi trên cây cầu gỗ mục nát, khi cầu Cửa Tả bắc qua hai thôn Bình Chính và An Thổ dài khoảng 60m, mặt cầu rộng 3,5m bằng bê tông cốt thép, có đường dẫn hai bên cùng hệ thống an toàn giao thông, hệ thống điện chiếu sáng đã hoàn thành.

Nói về việc xây cây cầu bê tông vững chắc để thay thế cầu cũ đã mục nát, bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch UBND xã An Dân, cho biết: “Cầu cũ được làm từ những tấm ván gỗ, mỗi khi trời mưa lớn, ngập lụt, khu vực này bị chia cắt nhiều ngày liền. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi người dân đi qua cây cầu cũ. Từ ngày có cầu mới, học sinh đi học được an toàn; xe tải chở nông sản của bà con qua lại thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế”.

Ðây là một trong hàng chục cây cầu dân sinh được triển khai xây dựng để thay thế các cầu tạm bợ trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Khoa Khanh, Phó Giám đốc Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công dự án LRAMP (xây cầu dân sinh) của Bộ GT-VT được triển khai trên địa bàn tỉnh là nhờ sự ủng hộ của người dân.

Trong số 32 cầu, cống đã hoàn thành thì có tới 31 công trình được người dân tình nguyện hiến đất để triển khai. Có trường hợp hiến tới 1.000m2 đất để xây cầu. Nhờ đó, mọi khó khăn về mặt bằng đều được khắc phục; kinh phí thực hiện cũng giảm đi đáng kể, số lượng cầu được xây dựng nhiều hơn…

Không chỉ từng bước thay thế cầu dân sinh không đảm bảo, hệ thống đường giao thông nông thôn cũng dần hoàn thiện. Ðến với huyện nông thôn mới Tây Hòa, toàn cảnh nông thôn hôm nay đổi mới ngỡ ngàng. Ðiển hình như xã Hòa Ðồng, toàn cảnh vùng đất kiên trung, hào hùng, từng làm cho kẻ thù phải khiếp sợ trong kháng chiến như bừng sáng bởi điện, đường, trường trạm được xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Ðây cũng là xã điểm trong phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn. Những con đường bê tông uốn lượn, có đoạn đi ngang qua xóm nhà, có đoạn xuyên qua cánh đồng như dải lụa mềm ai nhìn thấy cũng trầm trồ. Ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Hòa Ðồng, cho biết: Ðường sá giờ sạch đẹp, rộng rãi. Không chỉ các tuyến đường qua khu dân cư mà nhiều tuyến giao thông nội đồng cũng được bê tông thẳng tắp. Bà con ai cũng vui mừng.

Thời gian qua, nhiều công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đã có sự đóng góp đáng kể của người dân trong quá trình triển khai. Với những con đường rộng từ 2,5m, thậm chí rộng 5,5m, người dân cũng đồng lòng hiến đất, góp tiền để làm. Ngoài ngân sách tỉnh (hỗ trợ 100% xi măng, ống cống, chi phí vận chuyển xi măng…), ngân sách địa phương, còn lại là huy động nguồn vốn từ nhân dân, nhiều đường bê tông đã được hoàn thành. Không dừng lại ở việc làm đường, người dân còn đồng lòng góp tiền “thắp sáng đường quê”, tạo điều kiện đi lại an toàn. Phong trào “con đường hoa” cũng từ đó được hình thành.

CON ÐƯỜNG MANG ÐẬM NGHĨA TÌNH

Thồ Lồ (nay là xã Phú Mỡ), một địa danh đã đi vào tâm trí của nhiều người. Ðây là căn cứ địa cách mạng của tỉnh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Phú Mỡ còn nổi tiếng bởi sự xa xôi, hiểm trở, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Nhưng những khó khăn đó giờ đã lùi xa khi dự án Nâng cấp đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai (đoạn qua Phú Yên) được thi công và hoàn thành. Giờ thì các loại xe đã có thể bon bon đến xã Phú Mỡ mà không sợ tắc đường như trước đây. Mùa mưa vừa qua, người dân không còn phải chịu cảnh nguy hiểm lội suối qua đường mà được đi lại trên những cây cầu bê tông vững chắc bắc qua 8 suối lớn.

Một con đường bê tông “ý Đảng, lòng dân” được đưa vào sử dụng ở huyện Tây Hòa - Ảnh: HỒ NHƯ

Một con đường bê tông “ý Đảng, lòng dân” được đưa vào sử dụng ở huyện Tây Hòa - Ảnh: HỒ NHƯ

Từ khi công trình được đưa vào sử dụng, bộ mặt của địa phương đổi thay từng ngày. Những tuyến đường dẫn về các buôn nằm sâu trong núi tiếp tục được mở, kéo buôn làng về với trung tâm xã và Phú Mỡ đã “gần” với trung tâm huyện Ðồng Xuân hơn. Ðường đến Phú Mỡ nay không còn cách trở.

Ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, cho biết: Khi cầu Bà Ðài (bắc qua sông Bà Ðài) trên tuyến đường bộ Phú Yên - Gia Lai được hoàn thành, người dân Phú Mỡ vui mừng khôn xiết. Mọi người đã cùng nhau tổ chức ăn mừng ngay tại đầu cầu. Công trình nâng cấp tuyến đường đã góp phần rút ngắn thời gian di chuyển, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân. Bây giờ, người dân không chỉ có thể xuống trung tâm huyện nhanh hơn mà đi qua Gia Lai cũng thuận lợi khi tuyến xe khách liên tỉnh đã chạy ngang qua trung tâm xã.

Dự án Nâng cấp đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai (đoạn qua Phú Yên) là tuyến giao thông huyết mạch, góp phần tránh trú bão, cứu hộ cứu nạn, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh toàn tuyến chạy qua vùng chiến khu cách mạng. Ðây không chỉ là tuyến giao thông phục vụ đi lại mà còn là con đường mang đậm nghĩa tình của Ðảng, Nhà nước đối với người dân địa phương.

Theo Sở GT-VT, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Phú Yên đã huy động sự đóng góp của nhân dân để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Ðến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 361km đường bê tông nông thôn; tất cả các địa phương đều có đường bê tông đến trụ sở văn hóa, khu dân cư.

HỒ NHƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/252158/nhung-cong-trinh--y-dang-long-dan.html