Những 'cột mốc sống' giữa muôn trùng sóng dữ
Cửa Đại, nơi con sông Thu Bồn đổ ra biển lớn cũng là nơi tình người luôn chan hòa, dạt dào như sóng biển trào dâng. Mỗi mùa mưa bão đi qua, nơi đây lại ghi dấu những bước chân lặng lẽ mà quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Đại, BĐBP thành phố Đà Nẵng. Họ không chỉ là những người gác biển, giữ vững chủ quyền nơi cửa ngõ Tổ quốc, mà còn là điểm tựa sinh tử của người dân trong những ngày dông tố. Từ việc sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn trong đêm lũ đến dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống sau thiên tai..., tất cả đều in đậm bóng dáng những người lính quân hàm xanh - những 'cột mốc sống' giữa muôn trùng sóng dữ, âm thầm bảo vệ bình yên cho bao mái nhà nơi cửa biển.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Đại tổ chức cứu hộ, cứu nạn nhiều vụ tai nạn trên biển. Ảnh: Huy Nam
Mệnh lệnh không lời
Tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Cửa Đại khi mùa mưa bão vừa chớm về. Trời sầm sì, những đám mây nặng trĩu dường như chỉ chờ gió nổi lên là trút ào xuống cả một biển nước. Từ xa, những con tàu đánh cá đang vội vã quay đầu, xuôi theo cửa sông Thu Bồn để về nơi trú ẩn. Còn trong sân đồn, những chiến sĩ Biên phòng đang hối hả kiểm tra lại phao cứu sinh, ca nô, loa tay, áo phao, dây thừng, máy bộ đàm... như thể cơn bão số 1 đang áp sát, dù dự báo còn cách hàng trăm hải lý.
Vừa kiểm tra lại số dây thừng, bao cát để chằng chống nhà cửa, Trung tá Nguyễn Xuân Thành, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Đại vừa bộc bạch: "Chống bão thì không thể đợi đến khi bão đến. Mọi thứ phải sẵn sàng trước. Đó là mệnh lệnh từ trái tim của người lính Biên phòng sống cùng dân, vì dân". Câu nói ấy của Chính trị viên Nguyễn Xuân Thành như một sợi dây dẫn tôi đi ngược thời gian để về những trận bão dữ năm trước, về những ngày trắng đêm đi từng nhà vận động bà con sơ tán, chèo ghe đưa dân ra khỏi vùng lũ và cả những lần các anh quần áo ướt đẫm, người tái xanh vì lạnh nhưng vẫn bám trụ giữa lũ dữ để cứu dân. Ở Cửa Đại, nơi mà người lính Biên phòng không chỉ đứng gác giữa biển trời mây nước, mắt dõi theo đường đi của từng con thuyền đánh cá, mà còn là người gác niềm tin giữa dông tố, mưa lũ trắng trời.
Trong hành trình bám dân, giúp dân chống lụt bão, có những ngày dài Đồn Biên phòng Cửa Đại như một “tổng đài dã chiến”. Điện thoại reo không ngớt: người dân báo có người mắc kẹt, ghe bị trôi, nhà sắp sập; chính quyền gọi đề nghị hỗ trợ cứu nạn; trung tâm chỉ huy Biên phòng tỉnh yêu cầu cập nhật thiệt hại... Cũng có nhiều khi doanh trại của đơn vị lại trở thành nơi trú tránh bão tập trung cho người dân quanh vùng. Trung úy Hoàng Văn Tĩnh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa Đại cho biết: “Mỗi mùa mưa bão là đồn như chuyển thành trung tâm điều phối. Anh em thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ, hễ có lệnh là lập tức lên đường. Nhiều lúc anh em trong đơn vị phải nhường chỗ ngủ cho nhân dân các khu vực bị lụt về tránh trú tập trung ngay tại đồn. Ngủ thì ngủ tranh thủ trên bàn làm việc, gối đầu lên áo mưa cho đỡ lạnh”. Không chỉ vậy, các anh còn phối hợp với chính quyền địa phương lập “tổ công tác đặc biệt” xuống từng khu dân cư, tổ chức sơ tán tập trung cho các hộ ven biển, hỗ trợ chằng chống nhà cửa, đưa thuyền bè lên bờ tránh bão cho bà con vạn chài. Dù vật tư thô sơ, chỉ có tre, bạt, vải nhựa, bao đựng cát..., nhưng bằng bàn tay khéo léo và trí sáng tạo, họ có thể nhanh chóng giúp cả chục hộ dân chằng chống nhà cửa một cách vững chãi chỉ trong vòng vài giờ.
Có mặt trong mọi gian nan
Còn nhớ trong cơn bão số 6 lịch sử vào tháng 10/2024 có tên quốc tế là Trà Mi. Do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão nên ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hội An đã ngập nặng, trong đó có các địa phương do Đồn Biên phòng Cửa Đại quản lý cũng bị ngập sâu hơn 2m. Lúc đó, hơn 300 hộ dân bị cô lập hoàn toàn. Chính cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Đại đã kịp thời tiếp cận bằng xuồng cao tốc, cứu hộ hàng trăm người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời, tổ chức đưa cơm, nước sạch, mì tôm cho người lớn, còn sữa cho trẻ em và người già, thuốc men đến từng hộ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Đại phối hợp với các lực lượng và người dân trên địa bàn dọn dẹp sau mưa lũ. Ảnh: Huy Nam
Bà Nguyễn Thị Bông, 63 tuổi, sống ở khối Phước Trạch, phường Cửa Đại (nay là phường Hội An Đông, thành phố Đà Nẵng), người đã bám biển mấy chục năm, kể lại trong xúc động: “Bão số 6 làm ngôi nhà cấp bốn của vợ chồng tôi bị tốc mái, gãy hết cột, tường cũng nứt. Cả nhà 4 người đang ngồi co ro thì mấy chú Biên phòng xuất hiện, cõng từng người ra ghe cứu hộ, rồi đưa về đồn trú bão. Nếu chậm một chút chắc tui không còn được ngồi đây mà kể đâu. Các chú ấy như những cô tiên, ông bụt trong chuyện cổ tích vậy”.
Những chiến sĩ ấy (như lời bà Bông) không có cánh, nhưng họ làm được những việc tưởng chỉ có trong truyện huyền thoại. Đêm bão, họ chia nhau về các thôn xóm ven biển, xông pha vào những mái nhà lụp xụp, vận động, năn nỉ rồi cõng người già, dắt trẻ nhỏ, mang từng bình nước, hộp cơm đến từng nhà. Sau lũ, các anh lại tiếp tục hành trình giúp dân dọn bùn, dựng lại mái nhà, gom lúa gạo bị ướt phơi khô, hỗ trợ sửa lại thuyền thúng bị hư hỏng. Những việc nhỏ, nhưng không ai quên được. Chính trị viên Nguyễn Xuân Thành nhớ như in chuyện năm đó: “Nhiều người dân cứ nghĩ nhà mình chắc không sao, không chịu đi. Phải giải thích vừa có lý, vừa có tình, có khi còn phải nắm tay lôi họ đi trong tiếng gió rít như muốn xé toạc mái nhà”. Tôi hỏi rằng, anh có bao giờ sợ không. Anh cười nhẹ: “Sợ chứ, ai chẳng sợ. Nhưng nếu mình lùi bước thì ai sẽ cứu dân? Mỗi lần nghĩ vậy là mình cứ lao vào thôi...”.
Không chỉ cứu hộ, cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Đại còn đảm nhiệm việc kiểm soát tàu thuyền ra vào, hướng dẫn ngư dân trú tránh bão an toàn. Mỗi lần có tin áp thấp nhiệt đới hoặc bão vào biển Đông, họ lại dọc theo các bến cảng, làng chài để kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào nơi neo đậu an toàn. Với bà con ngư dân vùng biển Cửa Đại, những người sinh ra và lớn lên giữa sóng gió thì giọng nói quen thuộc của những người lính Biên phòng phát qua loa tay như một “mệnh lệnh của biển”. "Nghe loa Biên phòng là biết mình phải làm gì" - ngư dân Nguyễn Tám chia sẻ - “Không có mấy chú, nhiều khi mình còn chủ quan, rồi hậu quả khôn lường”. Cũng nhờ sự sát sao ấy mà trong nhiều năm qua, địa bàn do Đồn Biên phòng Cửa Đại phụ trách không để xảy ra thiệt hại về người trong mùa bão lũ. Đó là một thành quả âm thầm nhưng vô cùng to lớn.
Chiều dần buông, tôi đứng trên bờ kè Cửa Đại nhìn về phía biển, nơi mặt nước mênh mông dập dềnh ánh bạc. Ngoài khơi, sóng đang nổi lên, báo hiệu một cơn áp thấp chuẩn bị mạnh lên thành bão. Trong sân đồn, tiếng loa phát thanh nội bộ lại vang lên bản tin thời tiết khẩn. Những đôi giày ướt lại được xỏ vào, những gương mặt rám nắng lại lặng lẽ chuẩn bị lên đường. Không một tiếng than, không một lời phàn nàn. Bởi vì với những người lính Đồn Biên phòng Cửa Đại, giúp dân chống bão không chỉ là nhiệm vụ. Đó là tình người, là trách nhiệm, là mạch sống kết nối giữa biển và đất, giữa quân và dân, giữa yêu thương và hy sinh.