Những cựu chiến binh hăng hái làm giàu

Phát huy phẩm chất, bản lĩnh của người lính Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, nhiều cựu chiến binh (CCB) ở huyện Triệu Phong đã sôi nổi thi đua phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Không chỉ tạo được cuộc sống khấm khá, ổn định mà gia đình các CCB còn là những điển hình về lối sống mẫu mực và chăm lo nuôi dạy con cái nên người.

CCB Phan Thạch, 78 tuổi ở thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong chăm sóc vườn mai vàng - Ảnh: H.G

CCB Phan Thạch, 78 tuổi ở thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong chăm sóc vườn mai vàng - Ảnh: H.G

Năm nay đã 78 tuổi nhưng CCB Phan Thạch, thương binh 1/4 ở thôn Long Quang, xã Triệu Trạch vẫn còn khỏe khoắn và hăng say lao động. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà rộng rãi với mảnh vườn trồng hàng chục cây mai vàng đủ dáng thế đẹp mắt, ông Thạch vui vẻ nói, với ông giờ đây việc trồng mai vừa là thú vui tuổi già cũng vừa là nguồn thu nhập kha khá cho gia đình. Ông là du kích xã Triệu Trạch từ năm 1972 cho đến ngày giải phóng, đã tham gia hàng chục trận đánh tại địa phương.

Trong đó, trận đánh ngày 19/12/1972 tại khu vực rú Cây Ba Chạc, ông dẫn bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu là đáng nhớ nhất. Ông Thạch cho biết, dù đã trinh sát tình hình cả chục lần trước trận đánh, nhưng trận đó việc hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng không được ăn ý, dẫn đến địch phát hiện và phản công quân ta ác liệt.

“Trận đó quân ta hy sinh, bị thương khá nhiều. Riêng tôi bị thương nặng ở chân nên năm 1973 chuyển đi điều trị, an dưỡng tại tỉnh Quảng Bình”, ông Thạch nói. Hòa bình lập lại, ông tham gia làm việc nhiều vị trí ở xã Triệu Trạch như: cán bộ phụ trách kinh tế của xã, cán bộ HTX, thủ kho... Ở ông có một sự nhạy bén trong phát triển kinh tế. Những năm 1978 trở đi ông đã trồng vườn mai ở xã Triệu Trạch, đồng thời xung phong đi phát triển kinh tế mới ở Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Được cấp đất ở Khe Sanh, ông lập nghiệp bằng cây cà phê.

“Hồi đó, tôi vừa làm rẫy trên Hướng Hóa, hết mùa cà phê thì về làm ruộng vườn, rồi tiên phong mua máy xay xát phục vụ bà con trong, ngoài xã. Công việc bộn bề, vất vả nhưng nhờ vậy mà vợ chồng tôi nuôi nấng 2 con trai trưởng thành”, ông Thạch cho biết.

Đến năm 2009 thì ông Thạch để lại rẫy ở Khe Sanh cho con trai lớn ở lại an cư lạc nghiệp, còn ông về quê ở hẳn với người con trai út là anh Phan Thung, 51 tuổi. Với kinh nghiệm của mình, ông Thạch chỉ bảo con trai út khai thác hiệu quả vùng cát hơn 1 mẫu bằng cách trồng vành đai cây keo tràm chắn cát bay xung quanh và đào hào tiêu úng, tạo ẩm cho đất. Sau đó, hằng năm luân canh, xen canh trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như: dưa hấu, cây ném, khoai lang đỏ…

Ngoài ra, gia đình ông còn làm thêm 2 mẫu ruộng. Với sự cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, từ mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Thạch và con trai mang lại nguồn thu nhập trên dưới 150 triệu đồng/năm. Chỉ tính riêng trồng mai vàng, mỗi năm bản thân ông Thạch cũng đã có thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Cuộc sống của gia đình ông Thạch và các con trai của ông nhờ vậy hiện đều ổn định, ấm no, các cháu được cho ăn học đầy đủ.

CCB Phan Quốc Tòa ở thôn Đạo Trung, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong làm vườn hiệu quả - Ảnh: H.G

CCB Phan Quốc Tòa ở thôn Đạo Trung, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong làm vườn hiệu quả - Ảnh: H.G

Cách đó không xa, vợ chồng CCB Phan Quốc Tòa, 68 tuổi và bà Nguyễn Thị Ánh, 63 tuổi ở thôn Đạo Trung, xã Triệu Trung cũng là gia đình chính sách tiêu biểu, luôn chí thú làm ăn và nuôi con nên người. Ông Tòa là dân quân du kích địa phương từ năm 1972 đến năm 1975. Sau giải phóng, ông Tòa làm cán bộ văn hóa xã rồi chuyển về công tác tại Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Quảng Trị từ năm 1976 cho đến năm 1997 thì nghỉ hưu theo chế độ mất sức.

Năm 1983, ông Tòa cưới bà Ánh và hai vợ chồng lần lượt sinh được 4 đứa con. Để nuôi đàn con nhỏ, hai vợ chồng tần tảo lao động sớm hôm khi nhận làm 1 mẫu ruộng. Ngoài ra, mảnh vườn hơn 5 sào của gia đình cũng được vợ chồng ông tận dụng triệt để cải tạo trồng các loại cây như: ổi, chuối, các loại cây rau màu và dành 1 sào đào hồ nuôi cá trắm giống và tôm càng xanh.

Dù diện tích đất vườn không nhiều nhưng nhờ sự cần cù, siêng năng cùng với kinh nghiệm dày dặn trong sản xuất nông nghiệp nên hiệu quả mang lại từ mảnh vườn của vợ chồng ông Tòa đạt khá cao. Những năm qua, mỗi năm từ ruộng vườn và hồ nuôi cá tôm… gia đình ông Tòa có nguồn thu nhập bình quân đạt gần 100 triệu đồng. Nhờ vậy, hai vợ chồng đã lo cho các con được ăn học đầy đủ và hiện 3 đứa con của ông bà đã lập gia đình, có cuộc sống riêng ổn định.

“Hiện hai vợ chồng cũng đỡ lo toan cho con cái vì chúng đều đã trưởng thành. Vợ chồng chúng tôi giờ cũng khá thoải mái, hằng ngày vừa lao động, chăm nom vườn tược, vừa như rèn luyện sức khỏe. Lâu lâu con cái đưa cháu về thăm chơi vui vẻ. Cuộc sống chỉ vậy thôi là đã thấy hạnh phúc, mãn nguyện lắm rồi”, hai vợ chồng ông Tòa - bà Ánh chia sẻ thêm.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/nhung-cuu-chien-binh-hang-hai-lam-giau/178434.htm