Những cựu chiến binh vượt khó làm giàu

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, xã Bàu Trâm (TP.Long Khánh) đón nhận một lượng lớn người dân từ mọi miền đất nước về đây lập nghiệp. Trong dòng người đó có những cựu chiến binh (CCB), từng là người lính Cụ Hồ.

Mô hình trồng nấm của cựu chiến binh Vũ Viết Tùng (ngụ xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm, thu hút lao động thường xuyên từ 3-5 người. Ảnh: Đoàn Phú

Mô hình trồng nấm của cựu chiến binh Vũ Viết Tùng (ngụ xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm, thu hút lao động thường xuyên từ 3-5 người. Ảnh: Đoàn Phú

“Hành trang chúng tôi về đây lập nghiệp khởi đầu chỉ là đôi bàn tay trắng. Nhưng với ý chí của bộ đội Cụ Hồ, chúng tôi phải tìm mọi cách vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng địa phương” - CCB Phạm Quốc Hinh, Chủ nhiệm CLB CCB làm kinh tế thuộc Hội CCB xã Bàu Trâm bày tỏ.

* Vươn lên từ gian khó

Xã Bàu Trâm có 2 ấp Bàu Trâm và Bàu Sầm, diện tích tự nhiên trên 1.178ha, dân số gần 2.300 hộ; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 20%. Theo lịch sử Đảng bộ TP.Long Khánh, xã Bàu Trâm là vùng căn cứ cách mạng xưa, nơi thành lập chi bộ đầu tiên (vào năm 1937) của Xuân Lộc - Long Khánh để lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Xưa vùng đất này cằn cỗi với những rừng cây le rậm rạp nên người dân thường gọi đây là “Bàu Cằn”.

Sau ngày 30-4-1975, dân cư từ mọi miền đất nước di cư tự do về vùng đất Bàu Trâm khai khẩn đất hoang ngày càng đông. Nhờ vậy, từ vùng dân cư thưa thớt, bị chiến tranh tàn phá, xã Bàu Trâm từng bước xây dựng và phát triển thành vùng nông nghiệp trù phú với nhiều cây trồng (chôm chôm, mít, sầu riêng…), vật nuôi (gà, dê, bò…) đem lại giá trị kinh tế cao, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm. Nhất là năm 2014, địa phương xây dựng thành công nông thôn mới, đến năm 2020 đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và nay đang tiến tới xã nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, diện mạo địa phương ngày càng khởi sắc, bắt nhịp nhanh với quá trình phát triển của TP.Long Khánh.

Cựu chiến binh Đỗ Văn Học (trái) và Chủ nhiệm CLB Cựu chiến binh làm kinh tế xã Bàu Trâm Phạm Quốc Hinh trao đổi về kỹ thuật trồng mít sạch. Ảnh: Đoàn Phú

Cựu chiến binh Đỗ Văn Học (trái) và Chủ nhiệm CLB Cựu chiến binh làm kinh tế xã Bàu Trâm Phạm Quốc Hinh trao đổi về kỹ thuật trồng mít sạch. Ảnh: Đoàn Phú

Theo lời kể của CCB Nguyễn Nguyên Nhung (tức Mười Nhung, 78 tuổi, ngụ ấp Bàu Trâm), ngày ông mới về đây, vùng đất này còn rất hoang vu, thưa dân cư. Mặc dù lúc đó đất nước đã thống nhất nhưng vẫn còn hằn in rõ những hố bom, đầu đạn sót lại. Thời điểm đó, thỉnh thoảng ông lại nghe tiếng đầu đạn nổ trong quá trình đốt rẫy, khai khẩn đất hoang.

“Sự trù phú của vùng đất Bàu Trâm hôm nay luôn ghi dấu sự nỗ lực vì dân của các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo của người dân. Trong đó có phần đóng góp của những người lính Cụ Hồ khi chọn Bàu Trâm làm quê hương thứ hai của mình” - CCB Mười Nhung bày tỏ.

Rời quân ngũ với hành trang chỉ là chiếc ba lô với vài bộ đồ lính sờn cũ, năm 1986, CCB Đỗ Văn Học (quê tỉnh Nam Định) về ấp Bàu Sầm lập nghiệp. Trải qua thời gian dài làm thuê và mướn đất canh tác, CCB Học từng bước tích lũy ít vốn để tậu rẫy vườn và xây dựng mái ấm hạnh phúc cho riêng mình.

Cựu chiến binh Đỗ Văn Học (ngụ xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) thu hoạch cỏ trồng xen trong vườn cây làm thức ăn chăn nuôi dê, bò. Ảnh: Đoàn Phú

Cựu chiến binh Đỗ Văn Học (ngụ xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) thu hoạch cỏ trồng xen trong vườn cây làm thức ăn chăn nuôi dê, bò. Ảnh: Đoàn Phú

CCB Học tâm sự, giai đoạn mới lập nghiệp vất vả trăm bề. Tuy vậy, bản thân ông không ngừng vươn lên, bắt nhịp định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ vậy, tuy chỉ gói gọn trong 1,8ha đất sản xuất, ông từng bước đưa kinh tế gia đình từ ổn định đến dư dả.

* Nỗ lực giúp nhau làm kinh tế

Qua thời khai khẩn đất hoang, cuộc sống nhà nông của người lính không còn quanh quẩn với hoa màu, cây trồng giá trị kinh tế thấp, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nước trời nữa mà từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo xu hướng thị trường, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi. Những người lính Cụ Hồ ở xã Bàu Trâm đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới như: CCB Vũ Viết Tùng và CCB Đỗ Văn Long (ngụ ấp Bàu Trâm) thành công với mô hình trồng nấm; CCB Lã Đức Tuấn và CCB Lê Đức Thắm (ngụ ấp Bàu Trâm) thành công với mô hình trồng cây ăn trái; CCB Đỗ Văn Học và CCB Phạm Quốc Hinh (ngụ ấp Bàu Sầm) thành công với mô hình chăn nuôi… cho thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm.

Chủ nhiệm CLB Cựu chiến binh làm kinh tế xã Bàu Trâm Phạm Quốc Hinh với mô hình chăn nuôi cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Ảnh: Đoàn Phú

Chủ nhiệm CLB Cựu chiến binh làm kinh tế xã Bàu Trâm Phạm Quốc Hinh với mô hình chăn nuôi cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Ảnh: Đoàn Phú

Chủ tịch Hội CCB xã Bàu Trâm Vũ Văn Trâm cho hay, địa phương có 100 hội viên CCB. Với xuất phát điểm tất cả đều khó khăn ngày đầu lập nghiệp, đến nay số hộ hội viên CCB đạt mức sống khá trở lên chiếm trên 70%, toàn Hội không còn hộ hội viên nghèo, khó khăn.

Để khuyến khích các CCB làm giàu, năm 2017, hưởng ứng chủ trương của Trung ương Hội CCB Việt Nam, tỉnh và TP.Long Khánh, Hội CCB xã Bàu Trâm thành lập CLB CCB làm kinh tế với 16 hội viên tham gia. Từ 16 hội viên ban đầu, đến nay CLB đã thu hút được 34 thành viên.

Chủ nhiệm CLB CCB làm kinh tế xã Bàu Trâm Phạm Quốc Hinh cho biết, tiêu chí gia nhập thành viên của CLB là hội viên CCB phải thật sự tâm huyết với công tác Hội, sẵn sàng giúp đồng đội vốn, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm cho nhau trong làm ăn; đặc biệt, thành viên trong CLB phải là hộ gia đình CCB gương mẫu, gia đình văn hóa, uy tín với cộng đồng, con cái không vướng vào tệ nạn xã hội.

Con dê là vật nuôi chủ lực trong chuồng trại của các thành viên CLB Cựu chiến binh làm kinh tế ở xã Bàu Trâm. Ảnh: Đoàn Phú

Con dê là vật nuôi chủ lực trong chuồng trại của các thành viên CLB Cựu chiến binh làm kinh tế ở xã Bàu Trâm. Ảnh: Đoàn Phú

“Các hội viên tham gia CLB ngoài thụ hưởng các chính sách về vốn, giúp nhau từ Hội CCB xã, địa phương theo quy định, các thành viên trong CLB còn được tập thể hoặc cá nhân giúp riêng về vốn, đỡ đầu, dìu dắt, thi đua nhau làm giàu. Cụ thể, về mô hình kinh doanh có 6 hội viên, mô hình trồng trọt có 20 hội viên, mô hình chăn nuôi 4 hội viên… Thu nhập trung bình của các hộ hội viên luôn đạt trên 300 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động” - CCB Học cho hay.

Những ngày cuối tháng 4-2022, không khí kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022) lại rạo rực trong lòng những người lính Cụ Hồ. Với họ, ngày 30-4-1975 luôn là ngày vui lớn, niềm tự hào của cả dân tộc. Gần 47 năm trôi qua, đất nước nói chung, tỉnh Đồng Nai cũng như TP.Long Khánh, trong đó có xã Bàu Trâm nói riêng, đã không ngừng đổi mới, phát triển khiến các CCB ở xã Bàu Trâm càng phấn khởi. Họ vẫn lặng lẽ lao động, làm việc không ngừng để làm giàu cho quê hương Long Khánh. Trong tâm khảm của từng CCB, dù về với đời thường, họ vẫn giữ tấm lòng sắt son với Đảng, xem tổ chức Hội CCB là mái nhà chung để đoàn kết, siết chặt tay nhau xây dựng hình ảnh bộ đội Cụ Hồ thêm đẹp, tự hào với thế hệ mai sau.

Chủ tịch Hội CCB xã Bàu Trâm (TP.Long Khánh) VŨ VĂN TRÂM bày tỏ, từ năm 2017-2021, Hội CCB xã liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt cờ thi đua 3/5 năm liên tục của TP.Long Khánh là nhờ điểm cộng từ mô hình CLB CCB làm kinh tế. Mô hình này từ ngày thành lập đến nay liên tục nhận bằng khen, giấy khen từ Trung ương Hội CCB Việt Nam, Hội CCB tỉnh, thành phố và xã.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202204/nhung-cuu-chien-binh-vuot-kho-lam-giau-3112755/