Những dấu ấn lịch sử của các cuộc họp thượng đỉnh Nga-Mỹ (kỳ 2)

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Mỹ nào cũng mong muốn cải thiện quan hệ với Nga nhưng thực tế cho thấy, điều đó không phải đơn giản...

Những 'cú hích' thời Tổng thống Ford và Carter

Năm 1974, ông Gerald Ford trở thành Tổng thống thứ 38 của nước Mỹ sau khi ông Nixon buộc phải từ chức vì vụ Watergate. Trong 2 năm cầm quyền, Tổng thống Ford đã có 2 cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev.

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (trái) và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev ký kết Hiệp ước hạt nhân SALT II, ngày 18/6/1979. (Nguồn: AP)

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (trái) và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev ký kết Hiệp ước hạt nhân SALT II, ngày 18/6/1979. (Nguồn: AP)

Hai nước lúc đó vẫn cam kết thực hiện lệnh cấm thử hạt nhân và nỗ lực ngăn chặn các nước khác sở hữu vũ khí hạt nhân. Cả hai mục tiêu đều được tái khẳng định tại các cuộc gặp thượng đỉnh Ford-Brezhnev tại Vladivostok năm 1974 và tại Helsinki năm 1975.

Tuy nhiên, ông Ford lại thất bại trong chiến dịch tranh cử trước ứng cử viên Đảng Dân chủ Jimmy Carter trong cuộc bầu cử năm 1976.

Việc Mỹ có một tân tổng thống chưa có quá nhiều kinh nghiệm về đối ngoại đã mở ra cơ hội mới cho Liên Xô. Năm 1979, Carter và Brezhnev đã ký Hiệp ước Giới hạn Vũ khí Chiến lược thứ hai (SALT II) sau khi trải qua nhiều năm đàm phán.

Nhưng vào cuối năm đó, Liên Xô đã đưa quân vào Afghanistan và hỗ trợ thành lập một chính phủ mới ở Kabul. Phía Mỹ đã đáp trả bằng cách tẩy chay Thế vận hội Mùa hè tại Moscow năm 1980.

Thời Tổng thống Reagan và Bush: Bước đột phá với ông Gorbachev

Nếu Tổng thống Carter phải đối mặt với những hành vi tồi tệ nhất của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thì người kế nhiệm của ông, Tổng thống Ronald Reagan có lẽ đã khai thác được những mặt sáng nhất trong quan hệ với Liên Xô.

Tổng thống Reagan từng công khai gọi Liên Xô là "Đế chế quỷ dữ” và đã vận động chống lại quốc gia này trong suốt sự nghiệp chính trị của mình. Đồng thời, ông Reagan vô cùng ám ảnh về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân và muốn chấm dứt mối đe dọa đó.

Điều này được chứng tỏ qua bức thư mà ông Reagan tự tay viết cho ông Brezhnev, ngay trước khi nhà lãnh đạo Liên Xô qua đời. Hành động này được nhiều trợ lý thân cận của ông đánh giá là có chút ngây thơ.

Tổng thống George H.W. Bush đi dạo cùng lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và cựu Tổng thống Ronald Reagan tại New York năm 1988. (Nguồn: AP)

Tổng thống George H.W. Bush đi dạo cùng lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và cựu Tổng thống Ronald Reagan tại New York năm 1988. (Nguồn: AP)

Nhưng vào thời kỳ đầu tại nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Reagan đã tìm được “tiếng nói chung” với Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev. Hai nhà lãnh đạo tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Geneva vào tháng 11/1985. Tuy rằng, hai bên không đạt được thỏa thuận nào, nhưng mối quan hệ giữa hai nước ít nhiều đã có sự thay đổi.

Hai người đồng cấp gặp lại nhau tại Reykjavik, Iceland vào tháng 10/1986 và thực sự thảo luận về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân song phương, mặc dù vấp phải trở ngại mang tên Chương trình phòng thủ "Chiến tranh giữa các vì sao".

Tháng 12/1987, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Washington để ký kết các hạn chế về tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Năm 1988, họ gặp nhau hai lần nữa, một lần tại Điện Kremlin và lần thứ hai tại Thành phố New York với sự góp mặt của tổng thống mới đắc cử George H.W. Bush.

Sau đó, Tổng thống Bush còn gặp ông Gorbachev 7 lần nữa, với những thành tựu nổi bật là Công ước Vũ khí Hóa học được ký kết tại Washington vào năm 1990 và Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START I) ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh Moscow năm 1991. Cuộc gặp cuối cùng giữa hai bên diễn ra ở Madrid (Tây Ban Nha) vào tháng 10/1991.

Nhưng những cuộc gặp mặt liên tục và thân thiện này giữa hai nhà lãnh đạo bị lu mờ bởi các sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tháng 11/1989, bức tường Berlin chính thức bị kéo sập, một dấu mốc mang tính biểu tượng và là khởi đầu cho chuỗi sự kiện lịch sử, bao gồm sự thống nhất của nước Đức và Liên Xô sụp đổ.

Sau đó, trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai lãnh đạo, được tổ chức ngoài khơi bờ biển Malta, ông Bush và ông Gorbachev cùng đưa ra một tuyên bố mang tính biểu tượng rằng, Chiến tranh Lạnh đã đi đến hồi kết.

Thời Tổng thống Bill Clinton: Mùa xuân nước Nga

Sau sự kiện Liên Xô sụp đổ, Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên bang Nga được thành lập và ông Boris Yeltsin trở thành tổng thống đầu tiên.

Tổng thống Bill Clinton (trái) và Tổng thống Nga Boris Yeltsin đi dạo qua khu rừng tại Đại học British Columbia ở Vancouver (Canada) ngày 3/4/1993. (Nguồn: AP)

Tổng thống Bill Clinton (trái) và Tổng thống Nga Boris Yeltsin đi dạo qua khu rừng tại Đại học British Columbia ở Vancouver (Canada) ngày 3/4/1993. (Nguồn: AP)

Ông Yeltsin đã tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Bill Clinton, lần đầu vào tháng 4/1993 tại Nhà Trắng. Sau đó, hai lãnh đạo đã tiếp tục gặp nhau ở Vancouver (Canada). Tại đây, giới chuyên gia nhận định, hai nhà lãnh đạo đã không còn thể hiện sự thù địch như trước đây nữa.

Tháng 3/1997, ông Clinton và ông Yeltsin gặp nhau một lần nữa ở Helsinki. Khi đó, cả hai nhà lãnh đạo đều tái cử thành công, nhưng liên tục vấp phải sự phản đối chính trị trong nước. Cả hai bị luận tội nhưng không bị cách chức.

Năm 1999, khi ông Yeltsin và ông Clinton gần kết thúc nhiệm kỳ, căng thẳng giữa Mỹ và Nga một lần nữa leo thang, liên quan đến vai trò của Mỹ trong cuộc chiến Kosovo tại vùng Balkans và về việc Nga đàn áp những người bất đồng chính kiến và phiến quân ở Chechnya.

Trong năm cuối cùng trên cương vị tổng thống, ông Yeltsin đã lần thứ 4 sa thải Nội các của mình và bổ nhiệm một thủ tướng mới là Vladimir Putin. Khi đó, ông Putin chưa được nhiều người biết nhưng đã sớm được coi là người kế vị ưa thích của ông Yeltsin. Ông Putin đã có những buổi trò chuyện ngắn với ông Clinton tại hai cuộc họp quốc tế năm 1999 và 2000.

Kỷ nguyên Putin: Hai thập kỷ Nga-Mỹ rối ren

Khi chính thức trở thành Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin tiếp tục thông lệ của những người tiền nhiệm. Tháng 6/2001, ông Putin là một trong những lãnh đạo đầu tiên gặp mặt tân Tổng thống Mỹ George W. Bush ở Ljubljana, Slovenia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Crawford, Texas năm 2001. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Crawford, Texas năm 2001. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, cuộc gặp mặt đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo được coi là khởi đầu không mấy suôn sẻ cho quan hệ song phương nói chung. Tuy nhiên, hai lãnh đạo đã xây dựng được ấn tượng ban đầu khá nổi bật.

Tại cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Bush chia sẻ rằng, ông đã "nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Tôi thấy ông ấy là người rất thẳng thắn và đáng tin cậy." Trong khi đó, ông Putin đã sử dụng từ "đối tác" để ám chỉ Mỹ.

Tháng 11/2001, hai tháng sau vụ tấn công 11/9, ông Putin đến thăm ông Bush tại trang trại gần Crawford, Texas, cũng như đến thăm một trường trung học địa phương.

Không lâu sau khi ông Bush tái đắc cử, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ được tổ chức tại Bratislava, Slovakia vào tháng 2/2005. Các chủ đề được bàn luận trong cuộc họp bao gồm nền dân chủ ở Nga và châu Âu, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và vấn đề Iran. Hai bên cũng đã nói chuyện tại các Hội nghị G8 và có một cuộc họp riêng tại khu nhà của gia đình Bush ở Kennebunkport, Maine, vào năm 2007.

Năm 2009, khi ông Barack Obama nhậm chức tổng thống thì ông Putin giữ vị trí Thủ tướng Nga do giới hạn nhiệm kỳ. Nhưng ông Obama đã đến thăm ông Putin ở ngoại ô Moscow vào tháng 7 năm đó, bày tỏ sự lạc quan về mối quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga ký Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) tại CH. Czech năm 2010. (Nguồn: Getty)

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga ký Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) tại CH. Czech năm 2010. (Nguồn: Getty)

Ông Dmitry Medvedev, tổng thống đương nhiệm bấy giờ đã không có cuộc gặp thượng đỉnh chính thức với ông Obama cho đến tháng 4/2010, khi cả hai lần đầu gặp nhau ở Prague. Tại đó, hai bên đã ký Hiệp ước START mới nhằm hạn chế kho vũ khí hạt nhân. Hai nhà lãnh đạo cũng đã tuyên bố sẽ không triển khai hệ thống vũ khí mới, bất luận vì tấn công hay phòng thủ.

Năm 2014, ông Putin chính thức trở lại làm tổng thống và khi đó, quan hệ Mỹ-Nga lại quay về guồng căng thẳng thường thấy. Kể từ đó, ông Obama và ông Putin không có cuộc gặp thượng đỉnh nào, mà chỉ là những cuộc gặp mặt bên lề các sự kiện lớn.

Tháng 6/2013, hai nhà lãnh đạo đã có buổi họp mặt bên lề tại Thượng đỉnh G8 ở Bắc Ireland. Hai bên được cho là đã thảo luận về cuộc nội chiến ở Syria và các chương trình hạt nhân ở Iran và Triều Tiên.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng đã lên kế hoạch về một cuộc họp thượng đỉnh vào cuối năm 2013, nhưng sau đó không tổ chức được. Nguyên nhân là do Nga đã đồng ý cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden, người đã rò rỉ tài liệu tối mật của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) tị nạn.

Năm 2014, ông Obama đã thúc đẩy việc loại bỏ Nga khỏi nhóm các cường quốc công nghiệp G8. Đây là đòn đáp trả của phương Tây do Nga sáp nhập Crimea. Sau đó, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc nói chuyện ngắn tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày D-Day vào tháng 6/2014 về căng thẳng Nga-Ukraine.

Ông Obama và ông Putin cũng đã gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 ở St.Petersburg vào năm 2013, trước cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York vào tháng 9/2015 và tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bắc Kinh vào mùa thu năm 2016. Tại đây, Tổng thống Mỹ được cho là đã nói với người đồng cấp Nga rằng, ông biết về sự can thiệp của Nga vào chiến dịch bầu cử năm đó và yêu cầu "dừng ngay hành động đó".

Nếu ông Obama coi người Nga là “nhân vật phản diện” trên trường quốc tế, thì thái độ của Tổng thống Donald Trump là hoàn toàn ngược lại. Ông Trump luôn dành cho Nga, đặc biệt là ông Putin những lời khen ngợi có cánh.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã có một số cuộc gặp mặt với ông Putin, với lần đầu tiên là tại thượng đỉnh họp G20 ở Hamburg (Đức), diễn ra hồi tháng 7/2017. Một cuộc gặp “nhanh chóng” khác đã diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tại Đà Nẵng. Tại đây, ông Trump nói rằng, ông Putin khẳng định "hoàn toàn không can thiệp vào cuộc bầu cử."

Tổng thống Nga Putin trao quà tặng là quả bóng đá chính thức của World Cup 2018 cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi 2 nhà lãnh đạo kết thúc cuộc họp thượng đỉnh ở Helsinki. (Nguồn: Getty)

Tổng thống Nga Putin trao quà tặng là quả bóng đá chính thức của World Cup 2018 cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi 2 nhà lãnh đạo kết thúc cuộc họp thượng đỉnh ở Helsinki. (Nguồn: Getty)

Năm 2018, hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên và duy nhất tại Helsinki (Phần Lan). Hội nghị tập trung vào việc cải thiện quan hệ song phương giữa hai nước đã xuống cấp kể từ khi Nga sáp nhập Crimea và đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã cố gắng can thiệp vào kết quả cuộc bầu cử năm 2016.

Đây cũng là vấn đề mà thế giới quan tâm nhất. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một thông báo gây chấn động thế giới: Ông ủng hộ tuyên bố của ông Putin rằng, Nga không can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, bất chấp phát hiện từ các quan chức tình báo của chính ông.

Đặc biệt hơn, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã có một cuộc họp riêng trong vòng 2 tiếng mà không có bất cứ trợ lý hay người lập biên bản. Trong căn phòng họp đó chỉ có 2 nhà lãnh đạo cùng phiên dịch viên của mỗi bên. Cuộc họp được lên kế hoạch 90 phút nhưng kéo dài hai tiếng.

Có thể nói, quan hệ Nga-Mỹ là mối quan hệ rất phức tạp. Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, Tổng thống Mỹ nào cũng mong muốn cải thiện quan hệ với Nga nhưng thực tế cho thấy, điều đó không phải đơn giản.

Tuy nhiên, dù không mang lại nhiều đột phá, nhưng cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden vẫn đem lại một “tia hy vọng” về một quan hệ Nga-Mỹ ổn định và ôn hòa hơn trong tương lai.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-dau-an-lich-su-cua-cac-cuoc-hop-thuong-dinh-nga-my-ky-2-149062.html