Những điều người bệnh dại phải trải qua

Người bị chó dại cắn nếu không tiêm vaccine và huyết thanh ngừa dại có thể phát bệnh với các triệu chứng như sợ nước hoặc liệt toàn thân dẫn đến tử vong.

Bác sĩ ơi, nạn nhân khi bị chó cắn nếu không có biểu hiện sợ nước nghĩa là không mắc bệnh dại, điều này có đúng không?

Bác sĩ Huỳnh Thảo Uyên, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 175

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng (tháng 5 đến tháng 8).

Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, năm 2023, cả nước có đến 82 người chết vì bệnh dại, trong đó có nhiều trẻ em. Khi đã lên cơn dại, động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như là 100%.

Sau khi lây virus dại từ vật chủ, người nhiễm virus có thể trải qua 3 giai đoạn bao gồm:

- Giai đoạn ủ bệnh: Thông thường trong khoảng 1-3 tháng sau phơi nhiễm, 75% bệnh nhân phát bệnh trong vòng 90 ngày và 5% bệnh nhân có thời gian ủ bệnh trên một năm.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

- Giai đoạn khởi phát: Khoảng 2-10 ngày, biểu hiện như nhiễm siêu vi không đặc hiệu: sốt, nhức đầu, đau mỏi cơ, chán ăn, mệt mỏi. Một số bệnh nhân có thể cảm giác ngứa đau, dị cảm tại vết cắn.

- Giai đoạn toàn phát: Gồm 2 thể bệnh:

Thể hung dữ (80% trường hợp): Sợ nước là biểu hiện đặc trưng của bệnh, thường xảy ra khi bệnh nhân thử uống nước, nghe tiếng nước chảy hay thấy ly nước. Ngoài ra, người bệnh còn sợ gió, sợ ánh sáng, sốt cao, tăng tiết nước bọt, khó nuốt, kích động. Cơn co thắt hầu họng và cơ hô hấp có thể dẫn đến ngưng hô hấp, tuần hoàn.
Thể liệt (20% trường hợp): Liệt tứ chi, liệt mặt, liệt cơ hô hấp, gây tử vong.

Độc giả Thảo Linh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-dieu-nguoi-benh-dai-phai-trai-qua-post1468084.html