Những điều người dân miền tây xứ Nghệ cần khi cơn lũ giữ đi qua

Những hình ảnh quá đỗi thương tâm tại miền Tây Xứ Nghệ những ngày này khiến tim bao người Việt thắt lại.

Nhà cửa của người dân bản Phá Mựt, xã Nhôn Mai bị sụp đổ sau cơn lũ quét (Ảnh: Hồng Thái).

Nhà cửa của người dân bản Phá Mựt, xã Nhôn Mai bị sụp đổ sau cơn lũ quét (Ảnh: Hồng Thái).

Thông tin trên báo Dân trí, những ngày cuối tháng 7, các xã vùng cao như Nhôn Mai, Tam Quang, Tương Dương, Mỹ Lý, Mường Xén... (tỉnh Nghệ An) vẫn chìm trong cảnh hoang tàn sau cơn lũ lịch sử. Bùn non phủ kín nhiều bản làng, nhà cửa chỉ còn nền móng và những vật dụng méo mó từ đống đổ nát.

Chị Vi Ỏn (48 tuổi), trú tại xã Mỹ Lý nghẹn ngào khi nhận được sự hỗ trợ từ đoàn từ thiện. Chị cho biết lũ về quá nhanh khiến gia đình không kịp mang theo bất kỳ tài sản nào.

“Giờ tôi chỉ còn bộ quần áo đang mặc trên người, tất cả đã bị lũ cuốn trôi. Củi vẫn còn nhưng không biết nấu ăn ở đâu nữa. Nhà cùng tài sản đã bị cuốn trôi”, chị Ỏn nói trong nước mắt.

Hàng trăm hộ dân ở miền tây xứ Nghệ đang lâm vào cảnh không nhà, thiếu thốn nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men, xăng dầu, quần áo.

Dưới những tấm bạt dựng vội trên đồi cao, những đứa trẻ co ro vì lạnh, người già ăn mì tôm được phát từ các đoàn thiện nguyện.

Xã Nhôn Mai với 1.431 hộ dân, gần 7.000 nhân khẩu đang bị chia cắt hoàn toàn. Tuyến quốc lộ 16 vào trung tâm xã sạt lở, đứt gãy, lún sâu khiến việc tiếp cận vô cùng khó khăn.

Cán bộ xã đã phải băng rừng, vượt suối để thiết lập điểm trung chuyển hàng cứu trợ, rồi gùi bộ về từng bản.

“Xã bị cô lập hoàn toàn, chưa có đoàn thiện nguyện nào vào được. Chúng tôi quyết định tìm đường vào bằng mọi giá để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau”, ông Mạc Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai chia sẻ.

Theo ông Mạc Văn Nguyên, nhiều bản ở Nhôn Mai chưa thể khôi phục điện lưới, thông tin liên lạc vẫn gián đoạn. Ngoài nhu yếu phẩm hàng ngày, người dân thiếu các vật dụng sinh hoạt như chăn màn, đèn pin, xoong nồi, dầu hỏa...

“Trong vài ngày tới, nếu không có thêm tiếp tế, bà con sẽ thiếu ăn, thiếu nhiên liệu”, ông Nguyên nói.

Nhưng cái mà người dân vùng lũ cần hơn hết là sinh kế lâu dài. Lúa trên nương bị vùi trong bùn, ngô giống trôi sạch, trâu bò mất tích hoặc đã chết. Cuộc sống sau lũ của hàng trăm gia đình như trở về vạch xuất phát.

“Chúng tôi mong có cây giống, con giống để làm lại. Mình không thể trông chờ vào cứu trợ mãi được”, ông Và Bá Xìa, trú tại xã Mỹ Lý chia sẻ.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mỹ Lý 2, nơi bị lũ cuốn trôi toàn bộ cơ sở vật chất, giáo viên và học sinh đang nương nhờ trụ sở tạm.

“Chúng tôi cần sách vở, bàn ghế, chăn màn, vật dụng bán trú để có thể mở lớp lại sớm trước thềm năm học mới”, thầy hiệu trưởng Trần Sỹ Hà cho hay.

Phút nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An sau nhiều ngày có mặt trực tiếp giúp dân tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ.

Phút nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An sau nhiều ngày có mặt trực tiếp giúp dân tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ.

Thông tin trên báo Công an nhân dân, Thiếu tá Nguyễn Đình Khánh, Trưởng ban thanh niên Công an tỉnh cho biết: Công an tỉnh đã huy động gần 500 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ bà con nhân dân các xã Con Cuông (huyện Con Cuông cũ), xã Anh Sơn, xã Nhân Hòa, xã Thành Bình Thọ (huyện Anh Sơn cũ). Ngay sau khi quốc lộ 7 được thông tuyến, mặc dù còn nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, địa hình khó khăn, nhưng với tinh vì nhân dân phục vụ, các lực lượng được tăng cường của Công an Nghệ An đã nỗ lực di chuyển, tiếp cận các địa phương như xã Mường Xén, xã Chiêu Lưu, xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn cũ), xã Tam Thái, xã Tam Quang, xã Lượng Minh, xã Tương Dương (huyện Tương Dương cũ)…, giúp bà con Nhân dân khắc phục hậu quả sau cơn bão.

Ngay từ sáng sớm 26/7, tiếp cận với xã Chiêu Lưu, đây là địa bàn miền núi với địa hình dốc, hiểm trở, lượng bùn đất đổ về sau mưa lũ khối lượng lớn, các tổ công tác đã trực tiếp xuống bản, phân chia lực lượng, khẩn trương nạo vét bùn đất, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh và vệ sinh môi trường xung quanh khu vực dân cư, trường học, trạm y tế... Các tuyến đường liên bản bị đất đá, bùn vùi lấp cũng được cán bộ, chiến sĩ nỗ lực thông tuyến…

Lũ về nhanh nên mẹ con chị Vy Thị Thắm (SN 1980), trú tại bản Cù, xã Chiêu Lưu, tỉnh Nghệ An không kịp di chuyển tài sản chạy lũ. Trong quá trình sơ tán, chị Thắm bị trượt chân ngã nên không thể đi lại được. Ngôi nhà cả đời chị chắt chiu, dành dụm dựng lên che nắng, che mưa của 2 mẹ con phút chốc đã bị nước lũ nhấn chìm. Toàn bộ đồ đạc trong nhà, sách vở của người con học lớp 12… đều chìm trong nước lũ.

Tổ công tác Công an tỉnh gồm hơn 30 cán bộ, chiến sĩ cùng với lực lượng Công an xã Chiêu Lưu đã kịp thời tiếp cận ngôi nhà dọn dẹp bùn đất.

“Nước lũ về nhanh, chỉ trong tích tắc, rứa là mất hết cả. May mắn, sau lũ được các chú Công an đến giúp đỡ gia đình dọn dẹp. Không có các chú thì mẹ con tôi không biết mần răng (làm sao – PV)…!”, chị Thắm vừa nói, vừa vội đưa tay lấy gấu áo lau đi nước mắt.

Ngay khi trận lũ lịch sử xảy ra, Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra tình hình thiệt hại, thăm hỏi, động viên bà con Nhân dân các vùng bị thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt: đồng chí Đại tá Đinh Việt Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đến các xã dọc tuyến Quốc lộ 7; Đại tá Nguyễn Duy Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh đến xã Con Cuông (huyện Con Cuông cũ) và một số địa bàn trên tuyến Quốc lộ 7; Đại tá Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Công an tỉnh tham gia Đoàn công tác của đồng chí Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy đến Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn cũ)…

Trong bão lũ, những nghĩa cử cao đẹp được trao đi, cùng nhau vượt qua gian khó. Đó là trách nhiệm, mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an trên quê hương Bác Hồ kính yêu. Hiện nay các tổ công tác của Công an tỉnh đã tiếp cận được đến hầu hết các xã bị chia cắt như Lượng Minh, Tam Thái, Tam Quang, xã Tương Dương (huyện Tương Dương cũ), Hữu Kiệm, Mường Xén, Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn cũ)… Tuy nhiên vẫn còn nhiều bản bị cô lập, rất khó khăn để di chuyển và thực hiện công tác cứu hộ. Công an Nghệ An sẽ tiếp tục bám địa bàn, phối hợp với chính quyền và các lực lượng khác hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, nạo vét bùn đất và vệ sinh môi trường, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con...

Mỹ Anh (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/nhung-dieu-nguoi-dan-mien-tay-xu-nghe-can-khi-con-lu-giu-di-qua-20711.html