Những 'gã khổng lồ' thao túng nền kinh tế và chính trị Thái Lan

Các gia tộc đứng sau 5 'ông lớn' về kinh doanh tại Thái Lan đang phát triển mạnh trong khi nền kinh tế nước này lại trượt dốc thảm họa và chênh lệch giàu nghèo đang ngày một mở rộng.

Các gia tộc đứng sau 5 “ông lớn” về kinh doanh tại Thái Lan đang phát triển mạnh trong khi nền kinh tế nước này lại trượt dốc thảm họa và chênh lệch giàu nghèo đang ngày một mở rộng.

Thủ tướng Prayut Chan-ocha (giữa) chụp ảnh cùng Chủ tịch Tập đoàn CP Dhanin Chearavanont (thứ 2 từ phải sang) và tỷ phú sáng lập ThaiBev Charoen Sirivadhanabhakdi (trái) tại Tòa nhà Chính phủ. Ảnh: AFP

Thủ tướng Prayut Chan-ocha (giữa) chụp ảnh cùng Chủ tịch Tập đoàn CP Dhanin Chearavanont (thứ 2 từ phải sang) và tỷ phú sáng lập ThaiBev Charoen Sirivadhanabhakdi (trái) tại Tòa nhà Chính phủ. Ảnh: AFP

7 đảng đối lập phát động chiến dịch vận động sửa đổi Hiến pháp

Một nhóm gồm 7 đảng đối lập ở Thái Lan ngày 14-12 ký thỏa thuận cùng thúc đẩy sửa đổi bản Hiến pháp 2017 và soạn thảo một bản Hiến pháp mới của nhân dân.

Truyền thông sở tại cho biết cuộc họp của Ủy ban Các đảng đối lập và Sự tham gia của công chúng diễn ra tại Khoa Luật của Đại học Thammasat ở Bangkok với sự tham gia của đại diện các đảng Vì nước Thái (Peau Thai), Tương lai Mới (FFP), Seri Ruam Thai, Prachachart, Kinh tế Mới, Puea Chat và Quyền lực Nhân dân Thái. Phát biểu tại cuộc họp, thủ lĩnh đảng FFP Thanathorn Juangroongruangkit cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp là cần thiết để giải quyết các xung đột xã hội và chính trị, đồng thời mang lại những cải cách tập trung vào sự phân phối quyền lực công bằng.

B.N

Khi Đảng Palang Pracharat (PPRP) được sự hậu thuẫn của quân đội Thái Lan lên kế hoạch cho chiến dịch tranh cử, các nhà lãnh đạo của đảng đã tổ chức một bữa tiệc tối kiểu Trung Quốc với sự tham dự của các “đồng minh” lớn. Theo một báo cáo tại thời điểm đó, các “đồng minh” này thuộc nhóm các doanh nghiệp “tinh hoa” ở Thái Lan, trong đó phải kể đến các đại diện của Tập đoàn Charoen Pokphand (CP), ThaiBev, Tập đoàn King Power, Boonrawd Brewery và Tập đoàn Central. Bữa tiệc quyên góp được 62 triệu baht (22 triệu USD) cho PPRP. Ủy ban bầu cử Thái Lan sau đó đã ra phán quyết cho rằng, các khoản đóng góp này không vi phạm các quy tắc hoặc quy định bầu cử.

Vài tháng sau, PPRP đã đáp ứng kỳ vọng khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 24-3, giúp Thủ tướng Prayut Chan-ocha tiếp tục nắm quyền cũng như duy trì sự ổn định dưới hình thức một chính phủ liên minh được bầu. Các nhà phê bình và phân tích cho rằng, việc PPRP cầm quyền đã giúp “năm gia tộc” của Vương quốc - được biết đến rộng rãi như người sáng lập đứng sau CP, ThaiBev, Boonrawd, King Power và Tập đoàn Central – mở rộng sự độc quyền của mình. 5 tập đoàn này đã tăng trưởng sức mạnh trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của Thủ tướng Prayut (2014-2019), thậm chí một số còn mở rộng sang các lĩnh vực mới như kinh doanh bất động sản và bán lẻ ở các tỉnh.

Nhưng khi các tập đoàn lớn của Thái Lan phát triển mạnh, các rủi ro liên quan lại gia tăng khi nền kinh tế phát triển chậm lại. Các nhà phê bình chỉ ra rằng, các Cty và các gia tộc sáng lập các Cty này đang thao túng nền chính trị của vương quốc này.

Quá nhiều đặc quyền

Sự ưu tiên của nhà nước và các hợp đồng béo bở mà các tập đoàn này nhận được vấp phải nhiều chỉ trích. Một số nhà phê bình và các nhà phân tích xem các thỏa thuận và đặc quyền này là sự hoàn trả cho các khoản đóng góp của các tập đoàn này đối với chiến dịch bầu cử của PPRP.

Chẳng hạn như, King Power, một trong những tập đoàn ủng hộ hàng đầu của PPRP, vốn độc quyền về bán lẻ miễn thuế tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok trong một thập kỷ, đã được phép gia hạn và mở rộng hoạt động này tới 3 sân bay lớn khác chỉ 2 tháng sau cuộc bầu cử hồi tháng 3. Trong khi đó, một Cty con thuộc Tập đoàn CP hồi tháng 10 vừa qua đã giành được hợp đồng trị giá 7,5 tỷ USD xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 220km nối 3 sân bay trong và ngoài Bangkok, mặc dù thực tế là tập đoàn này chưa từng có kinh nghiệm về xây dựng cơ sở hạ tầng. True, Cty viễn thông thuộc Tập đoàn CP được các nhà phân tích thị trường và các nhà nghiên cứu độc lập xem là người được hưởng lợi nhiều nhất khi ông Prayut thắng cử, bởi chỉ vài tuần sau cuộc bầu cử, Cty này đã được gia hạn thêm 5 năm việc cung cấp dịch vụ 4G tại Thái Lan. ThaiBev và Boonrawd, các tập đoàn độc quyền bia rượu, được hưởng lợi từ mức thuế quan cao và ngày càng tăng của chính phủ đối với bia rượu nhập khẩu, và các quy định sản xuất liên quan đến quy mô khác đã ngăn chặn sự bùng nổ bia thủ công ở Thái Lan.

Nhìn rộng hơn, 5 gia tộc này đã mạnh mẽ nắm bắt các lĩnh vực kinh doanh, từ nông nghiệp, bia rượu đến bán lẻ, và các quy định của nhà nước về cách thức thúc đẩy vị thế trong thị trường, đã gây tranh cãi cho sự phát triển của 5,2 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của Thái Lan. SMEs của Thái Lan rất thiếu vốn, vì các ngân hàng lớn thích cho 5 “ông lớn” vay tiền hơn bởi quy mô rủi ro ít hơn nhiều. Ngân hàng nhà nước SME chỉ có 4.000-5.000 tài khoản cho vay trong số hàng triệu khách hàng tiềm năng. Trong khi đó, Bangkok Bank, ngân hàng cho vay hàng đầu quốc gia và cũng là một khách mời khác trong bữa tiệc gây quỹ cho PPRP, gần đây tuyên bố họ đang hạn chế cho SMEs vay tiền.

Những rủi ro tiềm ẩn

Nhưng sự tập trung quyền lực kinh tế của 5 “ông lớn” làm phát sinh những rủi ro riêng.

Một nhà phân tích tại một ngân hàng đầu tư toàn cầu cho rằng, nhóm 5 “ông lớn” này đã “tăng trưởng quá mức”, vì vậy bất kỳ dấu hiệu khó khăn tài chính nào tại bất kỳ tập đoàn nào trong số này cũng sẽ nhanh chóng làm tăng mối lo ngại của thị trường về rủi ro hệ thống trong lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng tại Thái Lan được Ngân hàng trung ương quản lý chặt chẽ, do đó họ có rất ít hoặc không có sự giám sát nào đối với các hoạt động, quyết định đầu tư và đòn bẩy tài chính của nhà cung cấp. Theo nhà phân tích này, rủi ro đó đang gia tăng đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, với một số Cty con của 5 tập đoàn này đã chuyển sang xây dựng nhà chung cư và phát triển bất động sản. Các báo cáo gần đây cho thấy có hơn 500.000 đơn vị nhà ở không được sử dụng ở thủ đô.

Bên cạnh đó, việc 5 tập đoàn này mở rộng lĩnh vực bán lẻ, cả ở Bangkok và các tỉnh, vào thời điểm người tiêu dùng trung bình ở Thái Lan bị bội chi quá mức, với nợ hộ gia đình ở mức 79% GDP, tỷ lệ cao thứ hai ở Châu Á, cũng là một rủi ro đầy nguy hiểm. Nói một cách rõ ràng hơn, các nhà phê bình cho rằng, sự thống trị kinh tế của năm “ông lớn” này là cốt lõi của sự chênh lệch giàu nghèo đang ngày một tăng lên trong nhiệm kỳ 5 năm lãnh đạo của Thủ tướng Prayut.

Ông Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng Tương lai mới, cho rằng, quá nhiều lĩnh vực kinh doanh của Thái Lan phải đối mặt với bài toán độc quyền. Nhà lãnh đạo này cho rằng, 5 tập đoàn này và các tập đoàn lớn khác đã tích lũy tài sản thông qua các biện pháp thoái lui, cụ thể là bằng cách liên minh với những người nắm giữ quyền lực chính trị để đưa ra các quy định ngăn cản cạnh tranh lành mạnh, từ đó mở đường cho sự độc quyền của chuỗi cung ứng sản xuất. Ông Thanathorn cho rằng, các tập đoàn này nên đổi mới để cạnh tranh với thế giới, thay vì “cướp” đi công việc của các Cty nhỏ hơn trong nước.

1% dân số nắm giữ 67% tài sản quốc gia

Báo cáo tài sản toàn cầu được công bố vào cuối năm 2018 của Credit Suisse, một ngân hàng đầu tư, cho thấy Thái Lan là nền kinh tế bất bình đẳng nhất trên thế giới. Báo cáo cho rằng 67% tài sản quốc gia được nắm giữ bởi 1% dân số trong năm 2018, tăng nhanh từ mức 58% trong năm 2016.

Điều đó được thể hiện rõ trong bảng tài sản cá nhân. Gia tộc Chearavont của Tập đoàn CP đứng đầu danh sách 50 người giàu nhất của Thái Lan trong năm nay, với khối tài sản gia đình là 29,5 tỷ USD. Gia tộc Chirathivat của Tập đoàn Central đứng thứ hai với 21 tỷ USD, trong khi người sáng lập ThaiBev Charoen Sirivadhanabhakdi đứng thứ tư với 16,2 tỷ USD. Trong khi đó, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, sự giàu có của 5 gia tộc trên ngày một tăng lên thì nghèo đói và bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn trong giai đoạn ông Prayut nắm quyền. Tỷ lệ nghèo của Thái Lan tăng khoảng 10% dân số so với cùng kỳ năm 2016, trong khi 40% dân số chứng kiến mức chi tiêu và thu nhập trung bình giảm trong giai đoạn 2015-2017.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, nhận thức về phúc lợi tài chính, mức sống và thu nhập đã trở nên tồi tệ trong mắt người Thái, bắt đầu vào năm 2016. Chính phủ liên minh được bầu của Thủ tướng Prayut tuyên bố ưu tiên giải quyết vấn đề phân chia tài sản và giúp đỡ người nghèo, nhưng sự thật là họ đã không làm gì để kích thích tăng trưởng bền vững và chí ít là giải quyết các vấn đề cơ cấu và điều tiết giữ các doanh nghiệp lớn và SMEs. Sáng kiến thúc đẩy cạnh tranh thị trường chỉ được thực hiện nửa vời trong khi các quy định ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ trong các lĩnh vực quan trọng không được chú trọng.

Thái Lan đang phát triển chậm lại, với mức tăng trưởng GDP sẽ giảm xuống dưới mức 3% trong năm nay, và tùy thuộc vào hiệu quả của các biện pháp kích thích, mức tăng trưởng này có thể còn trượt dốc trong năm 2020.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_217607_nhung-ga-khong-lo-thao-tung-nen-kinh-te-va-chinh.aspx