Những 'kế sách' phát triển bền vững du lịch Quảng Trị và khu vực miền Trung
Phát triển du lịch bền vững không thể chỉ là khẩu hiệu mà phải là một chiến lược tổng thể, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường, lấy con người – bao gồm cộng đồng địa phương và du khách – làm trung tâm...

Địa điểm du lịch Phong Nha Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Trị.
Hội thảo khoa học cấp bộ do Tỉnh ủy Quảng Trị phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa tổ chức với chủ đề: “Phát triển du lịch bền vững ở Quảng Trị và các tỉnh khu vực miền Trung trong bối cảnh hiện nay" đã thu hút hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo địa phương tham gia, cùng thảo luận về định hướng phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh mới. Tại hội thảo, nhiều giải pháp thiết thực được đề xuất, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của bảo tồn văn hóa, chuyển đổi số và liên kết vùng.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH CẦN TẦM NHÌN DÀI HẠN VÀ SỰ ĐỒNG THUẬN
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Long Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh du lịch đang là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo tồn bản sắc văn hóa và góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch theo hướng bền vững, tỉnh Quảng Trị cũng như các tỉnh trong khu vực miền Trung cần vượt qua nhiều rào cản như hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, nguồn nhân lực yếu và sự liên kết giữa các địa phương còn lỏng lẻo.
“Phát triển du lịch bền vững là một hành trình lâu dài, cần có tầm nhìn chiến lược, sự kiên trì và đồng thuận từ cả chính quyền, cộng đồng, doanh nghiệp và du khách. Hội thảo lần này là bước đi thiết thực để cùng nhau tìm kiếm con đường phù hợp nhất với thực tiễn phát triển của khu vực”, ông Nguyễn Long Hải khẳng định.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận chuyên sâu, đề cập đến các khía cạnh lý luận và thực tiễn, từ định hướng phát triển du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, cho đến các giải pháp bảo tồn văn hóa dân gian, thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Điểm chung trong các tham luận là nhận thức rõ về vai trò kép của du lịch: vừa là ngành kinh tế mũi nhọn, vừa là công cụ để lan tỏa văn hóa và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, cho rằng phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực miền Trung đang đứng trước nhiều thời cơ song cũng không ít thách thức.
Trong khi đó, TS. Dương Hương Sơn đề xuất tỉnh Quảng Trị cần khai thác hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa đặc thù của địa phương, nhằm hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo, tạo dấu ấn riêng.
CHUYỂN ĐỔI SỐ, LIÊN KẾT VÙNG VÀ TRAO QUYỀN CHO CỘNG ĐỒNG
Một nội dung trọng tâm được hội thảo đề cập là các rào cản trong quá trình phát triển du lịch bền vững hiện nay, như sự trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương, thiếu chuỗi dịch vụ liên kết, khả năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế và thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Tiến Thư, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chỉ rõ: “Chuyển đổi số chính là giải pháp đột phá giúp ngành du lịch nâng cao trải nghiệm du khách, đồng thời tối ưu hóa công tác quản lý và tiếp thị điểm đến. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị và một số địa phương trong khu vực cần chủ động rút ngắn khoảng cách số, tránh nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển.”

Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững ở Quảng Trị và các tỉnh khu vực miền Trung trong bối cảnh hiện nay”.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Thu, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Ozo Park, chia sẻ các doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi theo hướng bền vững, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư và thiếu chính sách hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo. Theo bà Thu, việc ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào tiến trình chuyển đổi số là điều kiện cần thiết để bảo đảm hiệu quả lâu dài cho toàn ngành.
Một nội dung được đặc biệt nhấn mạnh tại hội thảo là vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch. PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà, Giảng viên Học viện Khoa học xã hội, nêu rõ phát triển du lịch cộng đồng chỉ bền vững khi giá trị văn hóa được bảo tồn trong chính không gian sinh hoạt của người dân địa phương.
“Trao quyền cho cộng đồng không chỉ là khẩu hiệu, đó là việc bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin, quyền được tham gia vào quá trình quy hoạch và quản lý, cũng như quyền được hưởng lợi công bằng từ các thành quả phát triển”, bà Hà nhấn mạnh.
ĐỊNH VỊ DU LỊCH QUẢNG TRỊ TRONG CHIẾN LƯỢC LIÊN KẾT VÙNG
Phát biểu tổng kết hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: “Du lịch bền vững không thể chỉ là khẩu hiệu. Đó phải là một chiến lược tổng thể, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường, lấy con người – bao gồm cộng đồng địa phương và du khách – làm trung tâm".
Từ các nội dung được trình bày, GS.TS Lê Văn Lợi tổng kết 4 nhóm vấn đề cốt lõi:
Thứ nhất, cơ sở lý luận và định hướng phát triển du lịch bền vững, nhấn mạnh nguyên tắc khai thác đi đôi với bảo tồn và xác lập vai trò trách nhiệm của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển du lịch, từ đó xác định rõ các điểm mạnh – điểm yếu, các khoảng trống cần bổ sung về hạ tầng, sản phẩm, nguồn nhân lực và liên kết địa phương.

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Thứ ba, đề xuất các giải pháp cụ thể và khả thi như xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kết nối liên vùng, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Thứ tư, xác định lại vai trò của tỉnh Quảng Trị trong chiến lược phát triển du lịch khu vực miền Trung. Theo đó, tỉnh Quảng Trị cần đặt mình trong mạng lưới du lịch liên vùng, kết nối với các trung tâm lớn như tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Nghệ An, từ đó hình thành chuỗi sản phẩm du lịch liên hoàn, có tính cạnh tranh cao.
Hội thảo không chỉ là diễn đàn học thuật mà còn là bước đi quan trọng trong tiến trình chuyển hóa tư duy phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Trị: từ cách tiếp cận đơn ngành sang cách tiếp cận liên ngành – liên vùng, từ việc tập trung khai thác tài nguyên sang chú trọng gìn giữ và lan tỏa giá trị bản địa.
Dù còn nhiều thách thức, song dư địa phát triển của du lịch tỉnh Quảng Trị vẫn rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch tâm linh. Vấn đề cốt lõi hiện nay là làm sao để những đề xuất, kiến nghị từ hội thảo được cụ thể hóa thành chính sách, kế hoạch và hành động thực tiễn, mang lại hiệu quả lâu dài cho ngành du lịch cũng như đời sống của người dân địa phương.