Những mẫu đồng hồ điện tử kinh điển

Thế giới đồng hồ không chỉ xoay quanh các thiết kế analog (hiển thị thời gian bằng bộ kim). Thực tế, mặt số điện tử từ lâu đã trở thành biểu tượng trong lòng đông đảo công chúng.

 Thiết kế điện tử chiếm một vị trí quan trọng trong giới đồng hồ. Ảnh minh họa: Revolution Watch.

Thiết kế điện tử chiếm một vị trí quan trọng trong giới đồng hồ. Ảnh minh họa: Revolution Watch.

Digital watch hay đồng hồ kỹ thuật số sở hữu màn hình hiển thị thời gian điện tử thay vì dùng kim giờ/phút/giây trên mặt số. Chúng đang ngày càng trở nên tinh xảo với đa dạng phom dáng và chức năng độc đáo. Người dùng thậm chí có thể theo dõi nhịp tim hay nồng độ oxy trong máu nhờ vào kiểu đồng hồ này.

Dưới đây, để hiểu thêm về những cỗ máy thời gian hiện đại, Gear Patrol giới thiệu những đại diện sành điệu và trứ danh trong giới đồng hồ.

Pulsar

Năm ra mắt: 1970

Năm 1970, Pulsar, thương hiệu trực thuộc nhà sản xuất đồng hồ Hamilton, đã tạo ra nguyên mẫu của chiếc đồng hồ kỹ thuật số đầu tiên. Thành phẩm cuối cùng được tung ra thị trường vào năm 1972.

Sản phẩm có hình dáng tròn trịa và mang phong cách không gian hiện đại. Chúng nhanh chóng gây chú ý và thậm chí xuất hiện trên cổ tay của James Bond, nhân vật huyền thoại trong chùm phim điệp viên nổi tiếng.

Ban đầu, Pulsar sử dụng màn hình LED khá tiêu hao điện năng. Dù vậy, mặt số hiển thị vẫn khá tối cho đến khi được chiếu sáng trong vài giây bằng cách nhấn nút. Về sau, hãng chuyển qua dùng màn hình LCD thay thế và được mọi người đón nhận hơn. Năm 2020, Hamilton quyết định tái sinh mẫu đồng hồ điện tử Pulsar đầu tiên này với phiên bản hiện đại hơn là PSR.

Girard-Perregaux “Casquette”

Năm ra mắt: 1976

Girard-Perregaux Casquette, chiếc đồng hồ điện tử với vẻ ngoài độc đáo, có thể không được xem là kinh điển với một số người. Tuy nhiên, chúng được không ít nhà sưu tập và tín đồ đồng hồ biết đến.

Quan trọng hơn, thiết kế này là một trong những ví dụ đáng chú ý nhất về loại đồng hồ nhất định được sản xuất bởi một vài thương hiệu.

Cụ thể, chúng là đồng hồ LED dành cho những người lái xe (driver's watch) với màn hình hướng về phía người đeo từ một bên cổ tay. Đặc điểm này giúp người dùng dễ dàng nhìn thời gian mà không cần rời tay khỏi vô lăng khi lái xe.

Điểm đặc biệt của Casquette còn nằm ở việc chúng được Girard-Perregaux, thương hiệu Thụy Sĩ nổi tiếng trong sản xuất bộ máy thạch anh (quartz movement) cho đồng hồ. Thêm vào đó, dù hiện nay tập trung chủ yếu vào đồng hồ cơ cao cấp, hãng đã quyết định phát hành lại mẫu điện tử này vào năm 2022 dưới cái tên Casquette 2.0.

Casio Databank

Năm ra mắt: 1983

Danh sách những chiếc đồng hồ điện tử kinh điển khó có thể thiếu vắng Casio Databank thuộc thương hiệu Casio. Sản phẩm thuộc vào loại calculator watch (đồng hồ máy tính) - đồng hồ kỹ thuật số có máy tính tích hợp, thường bao gồm các nút bấm trên mặt số.

Mọi người rất có thể biết đến Casio Databank nếu từng xem bộ phim Trở về từ tương lai (Back to the Future) sản xuất năm 1985.

Nguyên nhân là chúng xuất hiện trên cổ tay của nhân vật Marty McFly trong phim. Vào thời hoàng kim, đồng hồ máy tính về cơ bản được xem là chiếc máy tính thu nhỏ với đa dạng chức năng.

Ngoài ra, Casio không phải là công ty đầu tiên hay duy nhất sản xuất calculator watch. Thực tế, kiểu đồng hồ này được Pulsar, Hewlett-Packard, tập đoàn công nghệ thông tin lớn trên thế giới, và nhiều công ty khác sản xuất vào khoảng những năm 1970. Ngày nay, Casio vẫn sản xuất hàng loạt đồng hồ Databank với giá cả phải chăng.

Casio G-Shock

Năm ra mắt: 1983

Giới đồng hồ khó phủ nhận tính biểu tượng của G-Shock. Dù đã được cải tiến với đa dạng phom dáng, mẫu đồng hồ này vẫn có thể được mọi người nhận biết dễ dàng. Trong đó, dòng 5600 của G-shock được xem là trứ danh nhất.

Kikuo Ibe, nảy sinh ý tưởng chế tạo G-Shock từ mong muốn có được chiếc đồng hồ không bị nứt vỡ và hư hại khi bị va đập. Sau đó, sản phẩm nhanh chóng phổ biến trong thời trang đường phố, đặc biệt với văn hóa trượt ván và hiphop. Ngoài ra, thiết kế điện tử này còn được lựa chọn sử dụng trong những ngành nghề đòi hỏi khắt khe như cảnh sát hay quân đội.

Ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể sở hữu một chiếc G-Shock hình vuông cổ điển dưới nhiều phom dáng, màu sắc và dây đeo khác nhau.

Casio F-91W

Năm ra mắt: 1989

Casio F91W là một biểu tượng khá kỳ lạ trong giới đồng hồ. Mức giá rẻ (thường từ 10-20 USD) cùng chất lượng đáng tin cậy khiến chúng nhanh chóng trở nên phổ biến. Thêm vào đó, hãng Casio sản xuất hàng triệu sản phẩm này mỗi năm.

Nhìn chung, Casio F-91W là lựa chọn hoàn hảo cho những ai mong muốn một chiếc đồng hồ tốt với ngân sách hạn chế nhất có thể.

Thiết kế này được xem là mẫu Casio điện tử giá siêu rẻ dễ nhận biết nhất. Đồng thời, chúng còn thể hiện được sự thống trị của thương hiệu chế tác trong cùng phân khúc sản phẩm.

Timex Ironman

Năm ra mắt: 1986

Timex Ironman là một trong những chiếc đồng hồ gắn liền với thập kỷ nhất định nào đó. Trong trường hợp này, chúng thuộc về những năm 80 và 90. Năm 1984, cỗ máy thời gian điện tử này có tên là Triathlo.

Cái tên Ironman chính thức xuất hiện vào năm 1986. Thực chất, sản phẩm được thiết kế dành cho các hoạt động thể thao và trông khá mạnh mẽ. Vì vậy, không quá bất ngờ khi chúng được nhiều vận động viên và chuyên gia như quân nhân yêu thích.

Ironman được một số nhân vật nổi tiếng ưa chuộng. Tuy nhiên, tiêu biểu nhất trong đó phải kể đến Bill Clinton, Cựu Tổng thống Mỹ. Thương hiệu Timex tiếp tục sản xuất và phát triển sản phẩm này cho đến ngày nay.

Apple Watch

Năm ra mắt: 2015

Giới đồng hồ khó có thể bỏ qua sự hiện diện mang tính biểu tượng của Apple Watch. Chúng thực sự là mẫu đồng hồ điện tử đúng nghĩa khi sử dụng hoàn toàn công nghệ hiện đại với màn hình hiển thị kỹ thuật số.

Không chỉ phổ biến, Apple Watch còn tích hợp nhiều tính năng khiến những tín đồ đồng hồ khó tính nhất cũng khó có thể phán xét. Sản phẩm này dường như hiện thực hóa nhiều ý tưởng vốn được cho là chỉ xuất hiện trong phim khoa học viễn tưởng như theo dõi sức khỏe, nhịp tim, lưu trữ hay báo thức.

A. Lange & Söhne Zeitwerk

Năm ra mắt: 2009

Nhiều người cho rằng digital watch sở hữu bộ máy thạch anh (quartz) hay kỹ thuật số hoàn toàn với mức giá rẻ. Họ không sai nhưng sản phẩm của A. Lange & Söhne, thương hiệu Thụy Sĩ danh tiếng, lại là một ngoại lệ đáng chú ý.

Chúng là ví dụ tiêu biểu cho việc đồng hồ kỹ thuật số chạy hoàn toàn bằng cơ chế lò xo và bánh răng truyền thống. Dù kim giây và bộ hiển thị khả năng dự trữ năng lượng vẫn thuộc vào loại analog, phần kim giờ và phút vẫn được là kỹ thuật số.

Kiểu đồng hồ này xuất hiện không ít vào những năm 1960 và 1970. Thực tế, một số ít vẫn còn được sản xuất cho đến ngày nay. Đa số chúng sử dụng jumping hour (ô nhảy giờ thay vì kim chỉ giờ) cùng ô hiển thị phút chậm. Tuy nhiên, mẫu Zeitwerk của A. Lange & Söhne lại sử dụng jumping hours and minutes (ô nhảy cả giờ và phút) vốn phức tạp để tích hợp vào bộ máy cơ học. Thiết kế này đặc biệt và thậm chí được xem là tiên phong trong giới đồng hồ.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-mau-dong-ho-dien-tu-kinh-dien-post1427465.html