Những người đi trong 'bão'

“Càn quét” qua hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đại dịch COVID-19 cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người. Để bảo vệ sức khỏe người dân địa phương, các tuyến phòng chống dịch và khám chữa bệnh đã “chiến đấu” không mệt mỏi.

KỲ 1: Trên hành trình giám sát

Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết: Khi nhận được thông tin có trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc tiếp xúc gần với người mắc COVID-19, cả hệ thống phòng chống dịch ngay lập tức khởi động. Đội phản ứng nhanh lên đường đi giám sát y tế. Phải hoàn tất công việc đầu tiên và quan trọng này thì mới chuyển sang quy trình chuyên môn tiếp theo. Đây là công việc vất vả, thầm lặng.

Đội phản ứng nhanh gồm đội trưởng - bác sĩ Lê Thúy Phương (ngoài cùng bên trái), bác sĩ Biện Thị Hạnh Ngộ và kỹ thuật viên Nguyễn Thành Sang. Ảnh: NGUYỄN THẮNG

Đội phản ứng nhanh gồm đội trưởng - bác sĩ Lê Thúy Phương (ngoài cùng bên trái), bác sĩ Biện Thị Hạnh Ngộ và kỹ thuật viên Nguyễn Thành Sang. Ảnh: NGUYỄN THẮNG

Những “bóng hồng” trong đội phản ứng nhanh

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh, đến 17 giờ ngày 26/4, trên địa bàn Phú Yên không có trường hợp bệnh xác định và trường hợp tiếp xúc gần, có 1 trường hợp bệnh nghi ngờ. Đã giám sát y tế 14.931 trường hợp (trong đó có 507 người nước ngoài đến từ các quốc gia, lãnh thổ và các vùng có dịch), hiện còn 1.972 người đang trong thời gian giám sát. Cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu làm xét nghiệm 115 trường hợp, kết quả đều âm tính.

Sáng sớm, một “bà mẹ bỉm sữa” dậy nấu cháo cho đứa con gần 2 tuổi, nấu cơm cho đứa con 5 tuổi. Xong đâu đấy, cô giao hai đứa con cho em trai và đến cơ quan: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Phú Yên. Hôm đó đến ca trực của đội phản ứng nhanh do bác sĩ Lê Thúy Phương làm đội trưởng, còn bác sĩ Biện Thị Hạnh Ngộ - “bà mẹ bỉm sữa” - là thành viên.

Đội phản ứng nhanh trực từ 7 giờ sáng hôm nay và giao ca lúc 7 giờ sáng hôm sau. Trong 24 giờ đó, nếu nhận được thông tin về trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2, đội lập tức lên đường. Bác sĩ đội trưởng sẽ nhanh chóng khai thác thông tin, tìm hiểu yếu tố dịch tễ, hướng dẫn người đó cách tự theo dõi sức khỏe tại nhà, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, cung cấp tờ rơi truyền thông… Nếu người đó thuộc trường hợp bệnh nghi ngờ thì kỹ thuật viên trong đội phản ứng nhanh bắt tay vào việc khử khuẩn toàn bộ khu vực mà người này đã đi qua. Ca bệnh nghi ngờ được đưa đến khu cách ly để cơ quan y tế thực hiện các bước tiếp theo.

SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người chủ yếu qua giọt bắn, đường hô hấp và qua tiếp xúc. Virus cũng có khả năng lây truyền qua khí dung trong không khí, nước bọt, hơi thở… Vì vậy, bà mẹ có con nhỏ không khỏi lo lắng dù đã thực hiện đúng quy trình. “Có hôm đi giám sát xong, vệ sinh sạch sẽ, hết ca trực về nhà muốn ôm hôn con mà cũng không yên tâm. Nhưng rồi nhìn con ngủ, thấy thương quá, vậy là ôm hôn. Em nghĩ, thôi, nếu có chuyện gì thì ba mẹ con vô khu cách ly luôn”, bác sĩ sinh năm 1984 cười giòn.

Hạnh Ngộ nhớ nhất là trường hợp một phụ nữ trẻ đi tàu từ TP Hồ Chí Minh về Phú Yên, nói chuyện với người nước ngoài mà không đeo khẩu trang. Về nhà, người này sốt và ho. “Khi đội đến giám sát, chị ấy ho suốt. Trùng hợp là lúc đó, trang phục phòng hộ có mũ liền áo đã hết, tụi em mặc bộ đồ phòng hộ có mũ rời. Bác sĩ Phương nói: Thôi, chị đứng ở ngoài đi. Em vào trong hỏi, chị ở ngoài nghe và ghi chép”, bác sĩ Hạnh Ngộ kể.

Bác sĩ Lê Thúy Phương cho biết, khi bắt tay vào công việc mới mẻ này, anh em trong đội rất bỡ ngỡ, dần dần thì rút kinh nghiệm. “Sau mỗi ca, anh em về chia sẻ với lãnh đạo và được hướng dẫn thêm nên vững vàng hơn. Sau này, khi nghe tin có một ca nghi ngờ cần giám sát, mình không còn lo lắng hay bỡ ngỡ nữa. Anh em trong đội cũng cùng khoa, cùng cơ quan, hỗ trợ nhau rất tốt để cùng phòng chống dịch bệnh. Gia đình lúc đầu cũng rất lo, sau đó thì hỗ trợ rất nhiều về “hậu cần”, nữ đội trưởng sinh năm 1991, làm việc tại Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm và Kiểm dịch y tế quốc tế của CDC Phú Yên, chia sẻ.

Trong 5 đội phản ứng nhanh đang luân phiên trực, đội do bác sĩ Nguyễn Thị Thắng phụ trách có đến 3 thành viên nữ. Đội này, ngoài nữ bác sĩ đội trưởng sinh năm 1990 còn có một nữ y sĩ, một nữ kỹ thuật viên xét nghiệm. Không nói về mình, bác sĩ Thắng hào hứng kể về các đồng nghiệp có con nhỏ tham gia phòng chống dịch, như các chị: Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Mỹ Trang, Nguyễn Thị Trúc Lam, Lê Thị Anh Thy, Phạm Thị Thái Hòa… “Tụi em rất mừng khi kết thúc ca trực mà không có cuộc gọi nào”, nữ bác sĩ quê ở Thanh Hóa chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thắng chia sẻ về hoạt động của đội phản ứng nhanh - ẢNH: YÊN LAN

Công việc thầm lặng

Theo bác sĩ Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc CDC Phú Yên, ban đầu CDC thành lập 3 đội phản ứng nhanh. Sau đó, nhận thấy công việc quá “dày”, anh em trong đội làm việc liên tục, không được nghỉ bởi còn phải tham gia giám sát tại Cảng hàng không Tuy Hòa và hỗ trợ một số địa phương khi lập các chốt kiểm soát, CDC tăng lên 5 đội và lập thêm 2 đội dự bị. Mỗi đội gồm 2 cán bộ phòng chống dịch (trong đó có bác sĩ đội trưởng), một kỹ thuật viên xử lý hóa chất khử khuẩn và lái xe.

Lực lượng phản ứng nhanh của CDC có hơn 10 gương mặt nữ, hầu hết còn trẻ. “Lúc đầu, chúng tôi bố trí nam nhưng không đủ người. Cũng áy náy về việc phải trực đêm nhưng vì yêu cầu của công việc nên chúng tôi động viên chị em. Đều là “dân” phòng chống dịch nên chị em không nề hà”, bác sĩ Tân cho biết.

Những cuộc gọi có thể đến bất kỳ lúc nào trong 24 giờ trực. Đội phản ứng nhanh nhận lệnh và nhanh chóng lên đường, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Có những trường hợp đội đưa đến khu cách ly tập trung hoặc khu cách ly của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên; có trường hợp thì thông báo cho ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của địa phương ra quyết định cách ly tại nhà; có trường hợp chỉ cần theo dõi sức khỏe tại nhà và báo qua đường dây nóng. “May mắn là cho đến nay, các kết quả xét nghiệm đều âm tính. Nhưng cũng vất vả lắm”, bác sĩ Tân cho biết.

Theo Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, có những trường hợp khi anh em trong đội phản ứng nhanh đến nơi thì người cần giám sát (là du khách) đã chuyển đến vị trí khác và… mất dấu. Bất kể ngày hay đêm, với sự hỗ trợ của lực lượng công an, đội phòng chống dịch phải tìm cho ra. Nếu người cần giám sát mắc COVID-19, mỗi một giờ trôi qua, họ sẽ làm lây lan virus ra cộng đồng. “Anh em trong đội phòng chống dịch làm việc quên thời gian, có khi đến 1-2 giờ sáng, cho tới lúc tìm được người cần giám sát, điều tra yếu tố dịch tễ, đưa đến khu cách ly hoặc hướng dẫn họ theo dõi sức khỏe tại nhà/ nơi cư trú thì mới yên tâm kết thúc lịch trình đó, chuyển sang quy trình chuyên môn tiếp theo. Đây là công việc vất vả, thầm lặng”, bác sĩ Mộng Ngọc nói.

Bác sĩ Ngô Đình Quốc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Đông Hòa, nói rằng điều tra dịch tễ là công việc khó khăn, nhất là khi gặp những người quyết… không khai báo y tế. Họ không quan tâm đến việc này nên khi được hỏi thì trả lời cho qua chuyện, hỏi thêm là họ nổi cáu. Để sàng lọc thông tin và điều tra dịch tễ chính xác, bên cạnh việc sử dụng bộ câu hỏi trên tờ khai y tế, nhân viên y tế còn phải khéo léo, linh hoạt, làm sao giảm thời gian tiếp xúc với người cần khai thác và có thể phân loại được.

Đi giám sát, đôi khi gặp tình huống dở khóc dở cười. Hôm nọ bác sĩ Quốc nhận điện thoại của trưởng trạm y tế xã Hòa Thành, báo cáo có người từ Bình Thuận ra, sau đó báo tiếp là họ đã… đi mất. “Tôi nói: Không được, phải tìm ra những người đó. Nếu họ mắc bệnh mà đi lung tung là mình chết”, bác sĩ Quốc kể. Ông gọi điện cho chủ tịch xã báo tình hình, sau đó được biết nhóm khách trên còn ở Hòa Thành. Bác sĩ Quốc cùng lực lượng của ông đến nhà nghỉ Đ, mới hay khi phát hiện trong nhóm khách có 2 người đến từ Bình Thuận, vì quá sợ dịch bệnh, chủ nhà nghỉ bèn… khóa cửa ngay cầu thang, “nhốt” nhóm khách ở tầng trên. Bác sĩ Quốc bảo bà ấy mở cửa, mời đại diện nhóm khách xuống nói chuyện, tìm hiểu yếu tố dịch tễ mới biết họ từ Bình Thuận về Phú Yên từ 4 ngày trước đó... Hôm ấy, họ đi chơi rồi đến nhà nghỉ Đ nhận phòng và bị “nhốt”. Bác sĩ Quốc đã đứng ra xin lỗi đại diện nhóm khách này.

Trong công tác giám sát nhằm phòng chống dịch bệnh, mỗi tuyến có cái khổ riêng. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tùng, Trưởng trạm Y tế xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) cho biết vào cuối tháng 3 vừa qua, bà con đi làm ăn xa trở về rất đông, có ngày gần 80 người về, phần lớn là bà con bán vé số, làm thợ hồ. “Khi tiếp xúc, anh em đâu biết họ thuộc F nào, cũng lo; xong công việc thì vệ sinh sạch sẽ rồi mới về nhà. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, tuyến cơ sở làm nhiệm vụ giám sát chặt chẽ và thường xuyên báo cáo với cấp trên. Tuyến nào cũng có cái khổ riêng”, bác sĩ Tùng nói.

--------------------

KỲ CUỐI: “Nín thở” chờ kết quả xét nghiệm

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/89/239167/nhung-nguoi-di-trong--bao.html