Những người 'gác cửa' pháp luật từ cơ sở
Dù ở bất kỳ địa bàn nào, đội ngũ công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp xã, phường tại Hà Tĩnh đều nỗ lực trở thành 'cánh tay nối dài' của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được thực hiện một cách tốt nhất.
Việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền hai cấp được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, song cũng đặt ra không ít thách thức cho bộ máy cơ sở. Đặc biệt, đối với công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp xã, phường, sự thay đổi này đòi hỏi họ phải nhanh chóng nắm bắt quy trình mới, xử lý khối lượng công việc gia tăng và đảm nhận trách nhiệm lớn hơn.

Công chức văn phòng HĐND - UBND phường Thành Sen nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Trời đã nhá nhem tối nhưng anh Nguyễn Trường Tuấn - Công chức văn phòng HĐND - UBND phường Thành Sen (phụ trách lĩnh vực tư pháp) vẫn miệt mài bên chiếc máy tính, cẩn trọng rà soát từng hồ sơ, đảm bảo mọi thủ tục của người dân được xử lý chính xác và kịp thời nhất có thể.
"Khối lượng công việc liên quan đến hộ tịch, chứng thực hay phổ biến pháp luật không những không giảm mà còn có phần tăng lên đáng kể do nhu cầu thực tế của người dân. Đặc biệt, với mô hình chính quyền hai cấp mới, các quy trình cũng có những thay đổi nhất định. Tuy nhiên, anh chị em phụ trách lĩnh vực tư pháp của phường đều rất chủ động tìm hiểu, học hỏi và trao đổi nghiệp vụ để đảm bảo mọi việc được giải quyết trôi chảy và hiệu quả nhất. Chúng tôi thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới, tham gia các buổi tập huấn chuyên sâu và tự tìm tòi trên các cổng thông tin điện tử để nâng cao nghiệp vụ” - anh Tuấn chia sẻ.

Mỗi ngày, phường Thành Sen tiếp nhận khoảng 120 - 130 lượt công dân đến giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tư pháp - hộ tịch.
Được biết, trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền hai cấp, mỗi ngày, phường Thành Sen thường tiếp nhận khoảng 120 - 130 lượt công dân đến giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, từ khai sinh, khai tử đến đăng ký kết hôn, chứng thực giấy tờ. Điều này đòi hỏi đội ngũ công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp phải luôn trong tư thế sẵn sàng, linh hoạt và chuyên nghiệp.
Đánh giá về đội ngũ công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp của phường, bà Trần Thị Thủy Nga - Phó Chủ tịch UBND phường Thành Sen khẳng định: "Dù là mô hình mới nhưng họ luôn trong tâm thế sẵn sàng phục vụ Nhân dân, giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, chính xác và chuyên nghiệp, nhận được sự hài lòng và đánh giá cao từ phía người dân. Đây chính là yếu tố then chốt giúp phường chúng tôi giữ vững niềm tin của người dân và ổn định ngay trong giai đoạn đầu chuyển đổi quan trọng này”.

Dù ở bất kỳ địa bàn nào, đội ngũ công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp tại các xã, phường tại Hà Tĩnh đều nỗ lực trở thành "cánh tay nối dài" của pháp luật.
Vận hành mô hình chính quyền hai cấp, các trung tâm phục vụ hành chính công xã, phường chính là "tiền tuyến" của các hoạt động tư pháp cơ sở. Tại đây, đội ngũ công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp trực tiếp tiếp xúc, hướng dẫn và giải quyết các thủ tục liên quan đến hộ tịch, chứng thực, cũng như tiếp nhận khiếu nại, tố cáo của người dân.
Anh Nguyễn Hữu Doan - Công chức văn phòng HĐND - UBND xã Vũ Quang (phụ trách lĩnh vực tư pháp) chia sẻ: "Công việc của chúng tôi rất đa dạng và đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Từ việc cấp giấy khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn cho đến chứng thực các loại giấy tờ cho cá nhân, doanh nghiệp. Với đặc thù địa phương, nhiều bà con chưa hiểu rõ các quy định pháp luật hoặc gặp khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ nên chúng tôi phải kiên trì giải thích, hướng dẫn cặn kẽ từng bước. Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận khoảng 20 - 30 lượt công dân đến giải quyết các thủ tục. Dù có những lúc áp lực nhưng khi thấy bà con vui vẻ, hài lòng vì được giải quyết công việc nhanh chóng, đúng quy định, chúng tôi lại có thêm động lực để cống hiến”.

Ông Trần Văn Khôi - chuyên viên Văn phòng HĐND - UBND xã Cẩm Xuyên (người bên trái) tận tình hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.
Tại xã Cẩm Xuyên, trung bình mỗi ngày có từ 45 - 50 lượt công dân đến Trung tâm Phục vụ hành chính công để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến tư pháp và hộ tịch. Dù áp lực không nhỏ nhưng từng công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp tại xã vẫn luôn nêu cao tinh thần phục vụ, nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đảm bảo người dân nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.
"Chúng tôi luôn cố gắng cập nhật các quy định pháp luật mới nhất để tư vấn chính xác cho người dân, đặc biệt là trong các giao dịch phức tạp hơn như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thừa kế, hay các vấn đề liên quan đến tranh chấp. Sự minh bạch, công khai trong các thủ tục, thái độ tận tình, niềm nở là yếu tố tiên quyết để tạo dựng niềm tin vững chắc cho người dân vào chính quyền cơ sở” - ông Trần Văn Khôi, chuyên viên Văn phòng HĐND - UBND xã Cẩm Xuyên (phụ trách lĩnh vực tư pháp) chia sẻ.

Sự hài lòng của người dân chính là "thước đo" cho sự nỗ lực, tận tâm của đội ngũ công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp ở cơ sở.
Cầm trên tay các thủ tục hành chính vừa được giải quyết, bà Trần Thị Bích (65 tuổi, xã Thiên Cầm) vui vẻ chia sẻ: "Trước đây, làm giấy tờ rất mất thời gian và công sức, có những thủ tục bà con phải đi từ xã lên huyện để xác nhận, còn giờ thì khác hẳn. Được công chức tư pháp ở đây giải quyết nhanh gọn, hướng dẫn tận tình nên tôi chẳng phải lo lắng gì. Hôm nay, chứng thực giấy tờ nhà đất chỉ mất hơn 10 phút. Các cháu cán bộ rất niềm nở, chu đáo, khiến những người già như tôi cảm thấy rất thoải mái và tin tưởng".
Vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp dù khối lượng công việc lớn nhưng đội ngũ công chức phụ trách lĩnh tư pháp xã, phường trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ với tinh thần sẵn sàng phục vụ Nhân dân. Để bảo đảm hoạt động tư pháp được vận hành thông suốt, Sở Tư pháp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh công bố bộ thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức tư pháp cấp xã. Đặc biệt, đã thành lập 2 đoàn công tác làm việc trực tiếp tại địa phương, đồng thời duy trì kết nối thường xuyên qua nhóm Zalo để nắm bắt, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.

Lĩnh vực tư pháp - hộ tịch luôn có nhiều người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính.
“Ngay từ những ngày đầu vận hành mô hình chính quyền mới, đội ngũ công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn và đặc biệt là khả năng thích ứng nhanh chóng với yêu cầu công việc, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo sự thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước ở cấp cơ sở. Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ công chức tư pháp cấp xã thông qua việc tăng cường tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Bên cạnh đó, Sở sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp nhằm hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, giảm tải áp lực công việc, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ công chức tư pháp nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp ở cơ sở” - ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Những ngày đầu chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động là một phép thử cho năng lực và sự chuẩn bị của bộ máy hành chính cơ sở ở Hà Tĩnh. Và công chức phụ trách lĩnh vưc tư pháp xã, phường đã vượt qua thử thách đó bằng tinh thần trách nhiệm, sự kiên trì và cam kết phục vụ Nhân dân. Vững vàng ở vị trí "người gác cửa" pháp luật từ cơ sở, công chức phụ trách tư pháp xã, phường Hà Tĩnh đang tiếp tục khẳng định vai trò không thể thay thế trong hành trình xây dựng và phát triển địa phương.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nhung-nguoi-gac-cua-phap-luat-tu-co-so-post291383.html