Những người giữ an toàn bãi biển

Những năm qua, phố biển Cửa Lò luôn khẳng định thương hiệu: An toàn, thân thiện, mến khách. An toàn được đặt lên đầu tiên và trong nỗ lực khẳng định thương hiệu đó có sự góp sức quan trọng của lực lượng đảm bảo an toàn cho du khách tắm biển, đó là lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

“Mỗi ngày trôi qua an toàn là chúng tôi vui”

4h sáng thức dậy đi làm, đến 4h30, cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ và Phòng chống thiên tai thị xã Cửa Lò đã ra bãi tắm để làm nhiệm vụ. Người dân đi tắm biển sớm, ngày càng đông, nhiều lứa tuổi khác nhau nên nhân viên cứu hộ, cứu nạn phải tuân thủ đúng giờ giấc, làm việc cẩn trọng, trách nhiệm hơn. Dậy sớm đi làm nhưng tinh thần không được uể oải, tập trung cho công việc; đi làm sớm nhưng ăn sáng muộn, tranh thủ ăn sáng nhanh để còn đảm bảo công việc.

Những người thầm lặng đảm bảo cho an toàn du lịch biển Cửa Lò.

Những người thầm lặng đảm bảo cho an toàn du lịch biển Cửa Lò.

15 năm gắn bó với Trung tâm Cứu hộ cứu nạn và phòng chống thiên tai thị xã Cửa Lò, anh Trần Đức Thành, nhân viên Trung tâm đã quá quen thuộc với khung giờ đi làm. “Hơn 4h sáng, chúng tôi đến cơ quan để đưa các loại máy móc ra bãi biển, công việc của anh em được chia làm hai lớp, lớp trực trên bờ là để nhắc nhở, cảnh báo, theo dõi người xuống tắm biển và lớp trực dưới biển được trang bị tàu, ca nô, mô tô trượt nước để nhắc nhở, cảnh báo nhân dân và du khách tắm trong khu vực an toàn và kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra” – Anh Thành chia sẻ.

Bãi tắm Cửa Lò dài gần 7 km, kéo dài từ đảo Lan Châu đến bờ rào phía bắc của Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội nên hoạt động của nhân viên cứu hộ, cứu nạn phải liên tục, bám sát để bao quát hết địa bàn. Cửa Lò mùa cao điểm du lịch, sáng sớm và chiều tối lượng khách tắm biển đông kín, sự có mặt của các nhân viên cứu hộ trên bờ và dưới biển làm cho du khách yên tâm hơn. Vui chơi thỏa thích, nhưng đôi lúc có nhiều người, nhất là trẻ em chạy ào ra biển nhảy sóng, mải mê bơi vượt ra cả khu vực cảnh báo nguy hiểm. Ngay lập tức, các nhân viên cứu hộ điều khiển phương tiện tới nhắc nhở bơi sát vào bờ.

Anh Trần Đức Thành chia sẻ: “Không phải lúc nào du khách cũng nghe lời mình. Có người đi tắm vào buổi trưa nắng nóng, vắng vẻ, có người uống rượu say vẫn xuống tắm biển, có trường hợp tự tin vào khả năng bơi của mình nên bơi ra xa, bơi lại khu vực cảnh báo nguy hiểm, không tuân thủ cảnh báo, nhắc nhở của nhân viên cứu hộ trên bãi tắm, lúc đó phải theo sát, kiên nhẫn giải thích, cảnh báo”

Công việc của nhân viên cứu hộ cứu nạn chia làm 2 ca, từ 4h30 đến 12h và từ 12h đến 19h30; từ 19h, nhân viên sẽ đi dọc bãi tắm để nhắc nhở du khách lên bờ rồi sau đó điều khiển phương tiện về gara để đưa lên kho tiến hành bảo dưỡng. Do phương tiện, vật tư, trang thiết bị tiếp túc với nước biển mặn, thời tiết khắc nghiệt nên khi đưa lên kho phải bảo trì, bảo dưỡng công phu và mất nhiều thời gian; phần máy của phương tiện phải rửa bằng xà phòng pha loãng sau đó rửa lại bằng nước ngọt, dùng máy hơi thổi hết phần nước bám trên bề mặt máy, xì khô hút ẩm, mất cả tiếng mới được về. Mỗi đêm có 4 nhân viên túc trực tại Trung tâm để xử lý các sự cố.

Anh Trương Đăng Tiến, nhân viên Trung tâm Cứu hộ cứu nạn và phòng chống thiên tai thị xã Cửa Lò chia sẻ: “Hằng năm, Trung tâm đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên trực cứu hộ như sơ cấp cứu nạn nhân đuối nước, cách cứu đuối khi có người bị đuối nước, văn hóa ứng xử với du khách và cách thức điều khiển các phương tiện. Trong đó, nghiệp vụ sơ cấp cứu và cách thức cứu đuối tại bãi tắm là vô cùng quan trọng vì nếu không biết cách thức cứu người thì người tiếp cận nạn nhân đuối nước có thể nguy hiểm đến tính mạng trước và khi cứu được người lên bờ rồi phải biết cách sơ cứu”.

Cũng theo anh Tiến, công việc của nhân viên thực sự rất áp lực, bởi mọi thứ trên biển diễn ra rất nhanh, lại liên quan đến tính mạng con người, liên quan đến hình ảnh của du lịch Cửa Lò nên khi làm việc phải tập trung cao độ. Khi xảy ra sự cố phải cố gắng hết sức để cứu người, cứu được người lên bờ rồi phải cấp cứu cho họ sống, giải phóng được đường hô hấp rồi mới đưa đến cơ sở y tế. Đôi lúc du khách không hiểu nên cho rằng nhân viên hỗ trợ cấp cứu muộn.

“Ngày nào cũng qua 19h chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Dù công việc có những áp lực nhất định nhưng mỗi ngày trôi qua an toàn, được nhìn thấy người dân tắm biển, vui chơi, lượng khách về với Cửa Lò đông là chúng tôi vui”- Anh Tiến nói.

Trung tâm Cứu hộ và Phòng chống thiên tai thị xã Cửa Lò có 11 lao động chính thức và 45 lao động thời vụ lúc cao điểm du lịch, thời điểm đầu mùa và cuối mùa thì lực lượng lao động hợp đồng thời vụ giảm bớt. Dù làm thời vụ, mức lương còn thấp nhưng nhiều người đã gắn bó với công việc này từ 5 đến 15 năm, nhiều người trẻ, họ đều làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, nhiều kinh nghiệm, kỹ năng.

Cảm ơn và hy vọng

Trò chuyện với chúng tôi về công việc cứu hộ, cứu nạn, anh Trần Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Cứu hộ và Phòng chống thiên tại thị xã Cửa Lò chia sẻ: “Hai mươi năm gắn bó với Trung tâm, về làm việc khi Trung tâm vừa mới thành lập, đến nay đã trải qua nhiều kỷ niệm vui, buồn, nhưng tôi và anh em Trung tâm luôn tâm niệm rằng, làm việc phải có trách nhiệm, có tâm đức, bởi công việc này gắn với an toàn tính mạng con người, với bình yên, thành công của du lịch Cửa Lò”.

Anh Trần Tuấn Anh chảy nước mắt khi nghĩ và kể lại một số trường hợp cứu sống được người trong gang tấc, anh xúc động bởi “khi cứu được một con người cảm xúc như vỡ òa, nhìn người thân của họ khóc vì vui mừng, tôi không kìm được nước mắt”.

Anh kể, có một gia đình ở huyện Nam Đàn, vừa xuống tắm biển thì 6 người trong nhà bị đuối nước, nhân viên cứu hộ đã nhanh chóng phát hiện, tiếp cận cứu hộ thành công, đưa vào bờ tiến hành sơ cứu kịp thời và cứu sống được cả gia đình. Quá hoảng sợ, cả gia đình đã về ngay lúc đó, 3 ngày sau, họ xuống cùng đoàn phóng viên các báo, đài để cảm tạ nhân viên Trung tâm. Họ nói: “Lúc đó cả 6 người nằm vật trên bãi biển, không dám tin cả gia đình còn sống, không biết phải diễn tả thế nào về may mắn đó” và họ ôm chúng tôi xúc động .

Hay câu chuyện của gia đình một bác ở Hà Nội, có cháu trai đích tôn bị đuối nước, được các nhân viên của Trung tâm cứu sống, bác vô cùng xúc động, bác gửi 40 triệu đồng để cảm ơn anh em nhân viên. Thế nhưng, anh em đã từ chối vì đó là công việc, là trách nhiệm và để cho bác thoải mái, không áy náy, anh em đã xin nhận 2 triệu đồng để mua một ít mực khô làm quà biếu gia đình và vài két bia liên hoan chung vui. Sau đó, bác viết thư cảm ơn gửi UBND thị xã Cửa Lò và Trung tâm.

Rồi như trường hợp một nhóm bạn trẻ 12h đêm ra bãi biển, leo lên thuyền múng của ngư dân để chụp ảnh thì gặp giông lốc bất chợt, gió lớn, thuyền bị gió đẩy ra xa bờ, bạn bè trên bờ gọi điện tới Trung tâm. Đêm khuya mịt mù, mưa lớn, biển mênh mông, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã lần mò hàng giờ trên biển để cứu người bị dạt ra gần đảo Ngư.

Anh Trần Tuấn Anh chia sẻ, số điện thoại của anh được niêm yết trên bãi tắm, các nhà hàng, khách sạn, điện thoại luôn mở không được tắt máy, đêm đến, khi nhận được báo cáo một ngày trôi qua an toàn, anh mới yên tâm đi ngủ. Hai mươi năm làm việc tại Trung tâm, từ khi là nhân viên đến lúc làm lãnh đạo, anh chưa một lần đưa gia đình đi du lịch vào mùa hè, dù các con nhiều lần năn nỉ. “Tôi nói với các con là nghề với cái nghiệp của bố như vậy rồi, mong các con thấu hiểu cho bố”.

Thời gian qua, ý thức tắm biển của người dân được nâng lên, công tác cứu hộ, cứu nạn cũng tiếp tục được đầu tư, đổi mới, nâng cao nên giảm thiểu được các vụ việc đuối nước tử vong. Hai năm nay, chỉ xảy ra vài vụ tử vong trên bãi tắm do bệnh lý như đột quỵ, cao huyết áp ở người già. Du khách luôn đánh giá cao mức độ an toàn khi tắm biển Cửa Lò.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ cứu nạn và Phòng chống thiên tại thị xã Cửa Lò Trần Tuấn Anh nói: “Chúng tôi cảm ơn lãnh đạo thị xã đã luôn quan tâm, động viên, ghi nhận vai trò và những nỗ lực của cán bộ, nhân viên Trung tâm đối với sự thành công, phát triển của du lịch Cửa Lò. Tôi nghĩ rằng, hoạt động của Trung tâm cũng chưa thể tròn trịa, chu toàn được hết nhưng toàn thể anh em đã luôn nỗ lực, cố gắng, làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Tin tưởng và hy vọng rằng tinh thần đó sẽ tiếp tục được phát huy, tạo nên những điều tốt đẹp phía trước, chung sức xây dựng thương hiệu du lịch Cửa Lò an toàn, thân thiện, mến khách”.

Mai Liễu

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-nguoi-giu-an-toan-bai-bien-172099.html