Những người không tổ quốc

Có lẽ sau tất cả những hư cấu, sau tất cả những tô vẽ của trí tưởng tượng, rốt cục Viet Thanh Nguyen nhận ra những viễn cảnh sinh sôi trong óc nhà văn không vượt ra ngoài hiện thực, và giọt mực thả xuống trang văn kể về số phận người tị nạn Việt Nam dần loang ra thành vận mệnh của những người tị nạn đến từ khắp nơi trên thế giới.

Kẻ ly hương ra đời như thể bao quát hết những trải nghiệm ly hương của những người tị nạn từ châu Âu, châu Á, châu Phi... những kẻ trốn chạy, những kẻ sống sót, những kẻ cố tìm một thiên đường mới, lìa bỏ bản quán, khước từ xuất thân, thay đổi danh tính và chối bỏ ngôn ngữ. Đó là một trong số những “thủ tục” mà một người tị nạn phải thực hiện khi bước tiếp cuộc đời mới.

Mười bảy tác giả thành danh. Mười bảy tiểu luận. Kẻ ly hương khắc họa một bức tranh đa diện về những thân phận thiên di đến miền đất hứa. Từ những trải nghiệm giằng xé ở quê hương trước lựa chọn đi hay ở, cho đến những chuyến vượt biên giới cam go, một mất một còn. Như tác giả Kao Kalia Yang hồi tưởng lại những ngày trong một trại tị nạn trong tiểu luận Trẻ em tị nạn: những chiến binh nhà Yang, hoài niệm hình ảnh những đứa trẻ đi trên cái thế bấp bênh tập dần quen với đời sống tị nạn trong trại, sự tương phản giữa cái hồn nhiên con trẻ với cái thực tại bí bách, vô định trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng của những người tị nạn.

Ngay từ đầu, ở miền đất mới, họ đối diện với hiện thực đời mình, như cái cách một người mẹ Ethiopia bắt gặp tấm biển treo trước nhà tạm trú ở Tây Berlin: “Người tị nạn là người không có tổ quốc”, bà không bao giờ chấp nhận được điều này, bà có một tổ quốc, chỉ là bà đã đánh mất nó, nhưng những câu chữ đó vĩnh viễn đeo đẳng bà.

Để rồi từ đó, câu hỏi đâu mới thực sự là “tổ quốc” của những người tị nạn dường như trở thành vấn đề cốt tử đi theo mỗi người tị nạn trong suốt cuộc đời. Họ đã cắt đứt mối quan hệ ràng buộc với “tổ quốc” cũ để dần thích nghi với cuộc sống của “tổ quốc” mới, nhưng trong “tổ quốc” mới đó, họ chỉ là những kẻ xa lạ, chịu những định kiến của người bản xứ, do đó mà những người tị nạn thường cố kết với nhau, thu mình lại trong những cộng đồng, duy trì một số nề nếp sinh hoạt, văn hóa trong những khu vực nhất định. Bằng hành động đó, họ có thể xa cách nhưng không bao giờ có thể đứt đoạn.

Chấp nhận ly hương, những người làm cha mẹ đã biết sẽ phải đánh đổi đời mình để chí ít, thế hệ sau có thể được trưởng thành trong môi trường tốt hơn. Nhưng ít đấng sinh thành nào ngờ tới họ có thể vượt ra ngoài biên giới địa lý nhưng không thể bước qua biên giới lòng người.

Bạn sẽ không bao giờ hiểu về người tị nạn nếu bạn không phải người tị nạn. Luôn luôn tồn tại những bức tường ngăn trở sự hòa nhập của những người tị nạn, dù có hay không có bức tường Trump để đánh sập bằng đồ ăn ngon như tác giả Ariel Dorfman tuyên bố, thì sự chia rẽ giữa những cộng đồng người nhập cư với những người bản xứ luôn tồn tại, lúc ẩn giấu, lúc hiển lộ. Họ là các mục tiêu đầu tiên của những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhắm tới, dưới chiêu bài ngoại, họ kích động sự mù quáng của người bản xứ, tác động, đòi trục xuất hoặc hạn chế những quyền lợi của người nhập cư.

Hình ảnh chàng thành niên 26 tuổi Farai Kujirichita bị đánh đến chết bởi đám đông bài ngoại ở Johannesburg năm 2011 thôi thúc tác giả Novuyo Rosa Tshuma đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để một người, với thân phận kẻ lưu vong, tránh thoát một kiếp nạn như thế? Bằng cách điên cuồng đeo đuổi, ở quốc gia tiếp nhận, một vị thế bấp bênh, riêng biệt: chủ nghĩa biệt lệ”.

Bà lao vào học hành để được công nhận, để tạo dựng địa vị. Giáo dục dường như là lối thoát duy nhất của những người tị nạn. Suốt mấy năm qua, thi thoảng ta được nghe tin một đứa trẻ gốc Việt nào đó tiến thẳng từ khu ổ chuột nước Mỹ đến Harvard, đến Yale với suy nghĩ thoáng qua câu chuyện về nàng Lọ Lem lắm khi cũng tái hiện ngoài đời. Nhưng khác truyện cổ tích, sẽ không có bà tiên nào hiện ra mà chỉ hiện diện sự khắc khổ của các bậc phụ huynh hy sinh tất cả cho con mình.

Suốt những trang sách Kẻ ly hương là những hình bóng lặng thầm đó, những người không tự sự, không khuôn mặt. Chấp nhận ly hương, những người làm cha mẹ đã biết sẽ phải đánh đổi đời mình để chí ít, thế hệ sau có thể được trưởng thành trong môi trường tốt hơn. Nhưng ít đấng sinh thành nào ngờ tới họ có thể vượt ra ngoài biên giới địa lý nhưng không thể bước qua biên giới lòng người.

Nhà văn Viet Thanh Nguyen, tác giả đoạt giải Pulitzer 2016 chủ biên Kẻ ly hương. Ảnh: PNB

Nhà văn Viet Thanh Nguyen, tác giả đoạt giải Pulitzer 2016 chủ biên Kẻ ly hương. Ảnh: PNB

Trong tiểu luận 13 cách để trở thành một người nhập cư, Porochista Khakpour như một nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chớp lại những khoảnh khắc để dựng lên một album ngắn về thân phận người nhập cư: “Ở tuổi vị thành niên, bạn suy ngẫm về tự sát. Vào những năm hai mươi của mình, bạn suy ngẫm về tự sát. Vào những năm ba mươi, bạn suy ngẫm về tự sát. Giờ đây bạn còn chừng một trăm ngày nữa là bước qua tuổi bốn mươi và bạn tự hỏi mình sẽ còn nghĩ tới chuyện tự sát bao nhiêu lần nữa. Bạn tự hỏi liệu bạn có hạnh phúc hơn trong cái cuộc sống khác mà lẽ ra bạn đã sống: cuộc sống nơi bạn lưu lại ở Iran và có lẽ đã lấy chồng và sinh con và có lẽ không bao giờ trở thành một nhà văn. Có lẽ bạn thậm chí đã chết vì tự sát rồi chăng”.

Nhưng kể cả khi một người tị nạn tự sát, người bản xứ cũng không hiểu, họ sẽ nói rằng một cơ hội đã bỏ lỡ, một cuộc đời đã phung phí.

Như tên gọi tiếng Anh The Displaced: Refugee Writers on Refugee Lives, chung thân phận, chung nghề nghiệp, mỗi người mang theo một câu chuyện của mình vào tập sách này, trở thành tiếng nói đại diện cho những thân phận bé mọn bị làn sóng di dân cuốn phăng đi. Vì những tiếng nói đó, mà Viet Thanh Nguyen đã thốt lên ở lời giới thiệu chung cho tập sách này: “Đó là giấc mộng của nhà văn, rằng chỉ cần chúng tôi có thể nghe thấy những con người mà không ai khác muốn nghe này, ắt là chúng tôi cũng có thể khiến cho bạn nghe thấy họ”.

Huỳnh Trọng Khang

Một khám phá cảm động và sâu sắc về cuộc khủng hoảng tỵ nạn

Kẻ ly hương do Bùi Thanh Châu dịch từ nguyên gốc The Displaced: Refugee Writers on Refugee Lives, Phương Nam Book và NXB Hội Nhà Văn liên kết xuất bản, phát hành rộng rãi đầu tháng 11.2019. Sách được chủ biên bởi nhà văn Viet Thanh Nguyen (tác giả đoạt giải Pulitzer 2016), gồm một bài dẫn nhập của Viet Thanh Nguyen và 17 bài tiểu luận của 17 tác giả xuất thân là người tị nạn từ khắp thế giới như Mexico, Bosnia, Iran, Afghanistan, Ukraine, Hungary, Chile, Ethiopia, Việt Nam - trong đó có hai tác giả gốc Việt: Thi Bui và Vu Tran. Các bài tiểu luận viết về trải nghiệm của chính họ như những người tị nạn, về những cuộc đời bị thay đổi hay hủy hoại bởi các xung đột địa chính trị; từ đó, phần nào phác thảo nên chân dung của những kẻ ly hương.

“Sự công bình chân chính là tạo ra một thế giới của những cơ hội xã hội, kinh tế, văn hóa, và chính trị vốn sẽ cho phép tất cả những con người câm nín này kể lại câu chuyện của họ và được nghe thấy, thay vì lệ thuộc vào một nhà văn hay một kiểu người đại diện nào đó. Không có sự công bình như thế, sẽ không bao giờ có hồi kết cho những làn sóng người lưu vong, cho việc tạo ra những con người càng câm lặng hơn nữa, hoặc, chính xác hơn, cho sự câm lặng khôn cùng của hàng triệu tiếng nói”, Viet Thanh Nguyen viết trong sách. Trước Kẻ ly hương, Viet Thanh Nguyen cũng từng ra mắt tập truyện ngắn Người tị nạn, xuất bản ở Việt Nam cuối năm 2017.

Trang Bustle nhận xét Kẻ ly hương là “một sự khám phá cảm động và sâu sắc về cuộc khủng hoảng tị nạn”. Trang The Economist đánh giá: “Cuốn sách đã thành công trong việc minh chứng ở khía cạnh nào đó, cộng đồng ly hương này giống với các quốc gia khác, cũng có những thần thoại lập quốc riêng, nhưng tất cả người dân đều mang trong mình những tấn bi kịch, những chiến thắng hay nỗi đau - và mỗi người đều có một câu chuyện riêng để kể lại”.

Dương Đông

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nhung-nguoi-khong-to-quoc-21619.html