Những người lính giữa đời thường

Rời quân ngũ trở về quê hương, 2 cựu chiến binh Danh Thành và Chung Văn Liếp, cùng ngụ xã Châu Thành (tỉnh An Giang) không ngừng nỗ lực vươn lên làm kinh tế. Cả 2 đều là hình ảnh đẹp của người lính Cụ Hồ giữa đời thường.

Cơ sở sản xuất xuồng của ông Danh Thành

Cơ sở sản xuất xuồng của ông Danh Thành

Từ người lính đến ông chủ xuồng composite

Xuất ngũ năm 2001 sau thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự trong lực lượng hải quân tại Phú Quốc, ông Danh Thành (46 tuổi), trở về quê với ước mơ lập nghiệp. Một lần về phép, ngồi bên mé sông, thấy ghe xuồng qua lại tấp nập, ông Thành nghĩ: “Đây sẽ là nghề của mình”.

Khởi đầu từ hai bàn tay trắng, năm 2004, ông cùng vợ là bà Khưu Thị Ngọc Huệ mở cơ sở đóng xuồng composite mang tên “Tú Tài”. Hơn 3 năm học nghề ở An Biên và làm thuê tại xưởng người quen tận Cà Mau đã giúp ông Thành vững tay nghề. Thế nhưng khi vừa khởi sự, ông đối mặt không ít khó khăn, người dân vốn quen xuồng gỗ, chưa tin vào vật liệu mới.

“Ban đầu làm cầm chừng, sau vài người xài thấy bền, truyền tai nhau, mình mới có đà. Có tháng cao điểm làm không kịp, xuất hơn 200 chiếc” - ông Thành kể. Xuồng composite nhẹ, bền, không phải trét chai bảo trì như xuồng gỗ, tuổi thọ lên tới 20 năm nên được ưa chuộng. Nhờ đó, ông mở rộng nhà xưởng 450m², đầu tư khuôn mẫu hiện đại, sản phẩm bán sang cả Campuchia.

Sau nhiều năm nỗ lực, ông Thành cất nhà, sắm ô tô, nuôi 2 con gái học hành đàng hoàng, một em đang học ngành Dược, một em học trường dân tộc nội trú. “Chỉ mong sức còn thì làm, lo cho con học tới nơi tới chốn. Ở đây bà con nghèo ai mua xuồng cắm câu, giăng lưới tôi bán trả chậm, khi nào có tiền thì trả” - ông cười mộc mạc, đôi bàn tay vẫn còn lấm màu sợi thủy tinh.

Ông Chung Văn Liếp đang xay lúa cho người dân trong ấp

Ông Chung Văn Liếp đang xay lúa cho người dân trong ấp

Kiên cường giữa thời bình

Ở tuổi 74, ông Chung Văn Liếp vẫn cần mẫn trông coi nhà máy xay lúa nhỏ của gia đình. Ít ai biết, ông từng là thiếu úy, công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân II và là trợ lý Ban quân nhu Tỉnh đội Rạch Giá từ năm 1971.

Xuất ngũ năm 1979 vì hoàn cảnh gia đình, ông Liếp bắt đầu lại từ con số không. Ông bắt đầu bằng việc mua lúa, chở lúa cho Nhà nước. Nhờ chịu khó tích cóp, ông lần lượt đầu tư máy suốt, mở nhà máy xay lúa và bền bỉ gắn bó với nghề cho tới nay.

Dù tuổi cao, ông vẫn tự làm tất cả công đoạn, không thuê nhân công. Gạo xay xong được ông vận chuyển ra tận Phú Quốc tiêu thụ. Đất đai tích lũy được hơn 3ha, nhà cửa khang trang, vợ bán tạp hóa, con trai là giám đốc ngân hàng, người điều hành xe Phương Trang, người lao động tự do, tất cả là thành quả từ hai bàn tay trắng.

Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Liếp còn tích cực làm công tác xã hội. Từ năm 2009 đến nay, ông là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ dư nợ cho người dân trong ấp vay ban đầu 4 triệu đồng, đến nay đã trên 1 tỷ đồng, không phát sinh nợ xấu. Nhiều gia đình từ nguồn vốn này đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện cho con ăn học.

Ông Liếp cũng là Tổ phó Tổ An ninh trật tự ấp Bình Lợi, thành viên Hội Cựu chiến binh từ năm 1997 đến nay. “Đi lính về chỉ mong làm ăn chân chính, nuôi con nên người, góp sức cho xóm làng yên vui” - ông Liếp nói. Ánh mắt hiền lành, giọng rành rẽ, chất phác như chính cuộc đời ông - một người lính kiên cường giữa thời bình.

Bài và ảnh: ĐẶNG LINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhung-nguoi-linh-giua-doi-thuong-a425006.html