Những người sống mãi với kỷ vật chiến tranh

PTĐT - Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ vật về một thời hào hùng còn sống mãi với thời gian. Đây cũng là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là những người cựu chiến binh miệt mài sưu tầm và lưu giữ rất nhiều kỷ vật chiến tranh.

Là người may mắn được trở về sau cuộc chiến, Cựu chiến binh Bùi Đình Thu ở khu 9, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba đã dành cả phần đời còn lại để sưu tầm và lưu giữ những kỷ vật đã gắn liến với ông và đồng đội trong những năm tháng chiến tranh ác liệt như một cách để tri ân đồng đội – những người đã mãi mãi gửi lại tuổi xuân nơi chiến trường. Tâm nguyện của ông: “...cần phải làm gì đó để những ký ức về cuộc chiến hào hùng, bi tráng và gian khổ đã qua không bị rơi vào quên lãng”.

Gần 40 năm sưu tầm với hơn 3000 kỷ vật chiến tranh qua các thời kỳ, được lưu giữ trong căn phòng nhỏ rộng gần 20m2 của gia đình “ Bảo tàng ông Thu” là nơi đồng đội ông và các cháu học sinh địa phương thường xuyên đến tham quan, giao lưu, học tập, giáo dục truyền thống.

Cũng giống như ông Thu, ông Bùi Văn Bình ở khu 3, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh cũng luôn đau đáu trong lòng rằng mình phải làm gì đó để lưu giữ được những ký ức, kỷ niệm về một thời chiến tranh gian khó. Và rồi tất cả những kỷ vậy thời chiến mà ông Bình trân trọng, lưu giữ đến ngày nay được trưng bày một cách ngăn nắp, khoa học. Mỗi kỷ vật đều được đánh số thứ tự và có lý lịch rõ ràng, chủ kỷ vật đều được ông chụp ảnh, ghi chú họ tên, địa chỉ và lưu giữ cẩn thận trong những cuốn sổ.

Đó là những chiếc bình tông, ăng-gô; vỏ các loại đạn pháo; những chiếc áo chấn thủ; bản đồ thời chiến; những lá thư viết vội của người chiến sĩ gửi về hậu phương... Đặc biệt, có rất nhiều chiến lợi phẩm được bộ đội ta sáng tạo làm thành những đồ dùng rất hữu ích, như: Chiếc ghế làm từ xác máy bay B-52 của Mỹ; ca uống nước; chiếc lược; quần áo, chăn gối khâu từ những tấm bạt dù; bình hoa làm bằng các loại vỏ đạn pháo… Để lưu lại, ngoài việc sắp xếp cẩn thận, ông chụp ảnh và xếp vào 3 cuốn album có ghi đầy đủ thông tin. Ông Bình chia sẻ: “Mỗi lần đem kỷ vật ra bảo quản là một lần cảm nhận như có đồng đội ở ngay bên”.

Mới đây, CCB Lê Kim Bảng, hội viên Hội CCB quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh gửi tặng ông 3 kỷ vật, trong đó có máy thu phát PRC-25. Đây là loại thiết bị thông tin vô tuyến điện cỡ nhỏ, chiến lợi phẩm mà bộ đội ta thu được của lính Mỹ trong chiến tranh.

Hay như: Chiếc hộp đựng kim tiêm ông được con rể và con gái cụ Vũ Kim Khanh, nguyên y tá trưởng của một đơn vị thuộc Đại đoàn 312 tặng do Đức quốc xã sản xuất vào những năm 40 của thế kỷ trước. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, phe đồng minh thu được, chia cho quân Pháp. Lính Pháp mang sang Việt Nam. Chiếc hộp này quân ta thu được của lính Pháp trong Chiến dịch Biên giới năm 1950”. Bên cạnh đó là rất nhiều vật dụng quân y mà ta thu giữ được của địch đem về phục vụ cho quân đội ta...

Máy ảnh, đồng hồ, ca uống nước, Chóe đựng cơm, mâm được làm bằng gỗ mít thời cải cách ruộng đất đều là những vật dụng rất đỗi thân quen. Và một chiếc máy bơm của bộ đội xăng dầu chuyên cung cấp xăng dầu cho xe tải, xe tăng vận chuyển vào chiến trường miền Nam.

Nội dung: Linh Nguyễn
Đồ họa: Ngọc Tùng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/media/goc-anh/xa-hoi/202004/nhung-nguoi-song-mai-voi-ky-vat-chien-tranh-170509