Những người trở về từ mưa bom, bão đạn

'Bom không nổ, không phải bom không thể phát nổ!'- Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Thị Sáu ở phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên cho chúng tôi biết, đằng sau những trái bom không nổ kia là cuộc chiến đấu dũng cảm, chấp nhận hy sinh để giành lấy sự bình yên cho cuộc sống hôm nay.

Trái bom không nổ của Mỹ ném xuống trận địa xã Phấn Mễ (Phú Lương) năm 1972 đã được tháo kíp, thuốc nổ và được lưu giữ tại UBND phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) làm kẻng báo động phòng không.

Trái bom không nổ của Mỹ ném xuống trận địa xã Phấn Mễ (Phú Lương) năm 1972 đã được tháo kíp, thuốc nổ và được lưu giữ tại UBND phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) làm kẻng báo động phòng không.

Tháng Tư, nắng đầu Hạ nóng ran ran. Chạm tay vào vỏ trái bom cũ mát lạnh, tôi chợt nhớ về những cựu TNXP một thời “Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất” ngay trên mảnh đất Thái Nguyên những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Nối liền những cung đường

Dù không trực tiếp cầm súng ra chiến trường, nhưng lực lượng TNXP luôn có mặt tại những trọng điểm ác liệt, làm công tác đảm bảo phục vụ chiến đấu. Câu chuyện về Đại đội TNXP 913 gan dạ, kiên cường chiến đấu trên trận địa lấp hố bom trong những ngày cuối cùng của chiến dịch 12 ngày đêm giặc Mỹ ném bom miền Bắc năm 1972, ngay trên mảnh đất xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) khiến chúng tôi vô cùng cảm kích.

Bà Trần Thị Học, nguyên y tá Đại đội TNXP 913, trú tại phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng cùng đồng đội sát cánh chiến đấu, bảo vệ những con đường lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, phục vụ tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Lật lại những trang nhật ký thời xuân trẻ, bà bồi hồi nhớ lại: “Đại đội C913 được nhận nhiệm vụ chốt giữ, bảo đảm giao thông trên đoạn đường trọng điểm xóm Ngòi Trẹo - Mỏ sắt Trại Cau, Nam Hòa.” Trầm ngâm giây lát, bà nói tiếp: “Những ngày ấy, TNXP bám mặt trận làm đường hầu như sống trong mưa bom. Nhiều khi vừa dứt loạt bom này thì lập tức loạt bom mới bất chợt ập xuống. Trời long, đất lở, quay cuồng trong tiếng nổ của bom, mọi vật cháy thành tro, đất đá đỏ như nung và bỏng rát. Sau mỗi loạt bom, mọi người lại ra san lấp hố bom, kịp cho xe vận tải chở hàng tiến vào Nam. Vào lúc 9 giờ 15 phút ngày 29/12/1972, tôi và các đồng đội đang làm nhiệm vụ sửa đường và củng cố hầm hào thì bất ngờ một tốp máy bay F11 đánh bom dữ dội vào giữa trận địa và khu trú ẩn. Tất cả chỉ xảy ra trong giây lát rồi bỗng xung quanh im lặng đến rợn người. Tai tôi đã bị điếc đặc; đất đá đã vùi lấp toàn bộ khu hầm hào. Sau ít phút, bắt đầu có tiếng đồng đội hô “cứu, cứu, nhanh lên!”. Tôi biết đã có chuyện chẳng lành. 5 đội viên TNXP (Trần Thị Công; Mai Thị Đằm; Nguyễn Thị Đặng; Hoàng Thị Phân; Lý Thị Đặng) đã anh dũng hy sinh. Xung quanh còn hơn chục đồng đội khác bị thương. Mệt, đói và rét, tất cả đều chìm trong im lặng kìm nén đau thương. 5 người chị, người em như ruột thịt đã hy sinh khi mới chỉ mười tám, đôi mươi. Hơn 200m đường xóm Ao Sen xã Nam Hòa đã bị bom Mỹ phá hỏng cần được san lấp kịp thời. Cả đơn vị TNXP 913 nén đau thương gồng mình nhanh chóng khắc phục hậu quả, san lấp đường. Hàng chục trái bom chưa nổ được tìm thấy và được cắm cờ báo hiệu để đồng đội đến tháo gỡ, hoặc kích nổ trước khi xe qua.”

Sãn sàng hy sinh vì Tổ quốc

Sau mỗi trận rải thảm bom, cùng với lực lượng làm đường là lực lượng công binh và TNXP rà phá bom chưa nổ. Công việc lặng lẽ nhưng là cả cuộc chiến đối mặt với sinh - tử. Bà Nguyễn Thị Sáu, cựu TNXP trú tại phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên, trầm tư vào chuyện: “Chuyện đã lâu rồi, đất đã thay màu, cây xanh đã liền sẹo, người còn sống thì cũng thay da, đổi thịt và lên lão cả rồi, nhắc lại các cháu cũng khó hình dung…” Bà kể: Năm 1967-1972, Mỹ điên cuồng ném bom các mục tiêu trên đất Gang thép, Phú Lương, T.P Thái Nguyên…nhiều đến mức như bom chồng lên bom và không kịp phát nổ, hoặc không nổ. Có những loại chỉ cần va chạm mạnh vào là nổ. Sau khóa huấn luyện cách tháo kíp bom, bà Sáu nhập Đội phá bom. Bà Sáu nhớ lại trận địa xã Thượng Đình (Phú Bình) năm 1967, ban ngày theo dõi các loạt bom ném xuống và tối đến, chỉ có Đội tháo bom ra hiện trường lần theo vết bom chưa nổ để đánh dấu và đào tìm tháo kíp nổ. Cảm giác lần đầu tiên, sau khi đồng đội đã phá lỏng zen kíp nổ, hai tay bà run run, mồ hôi ướt lạnh khắp người khi vặn những đốt zen cuối cùng để tháo kíp ra. Chỉ sơ xảy, rung tay là kíp chạm nổ, tất cả sẽ thành tro bụi. Cánh tay bà cứng chặt như hai gọng kìm từ từ đưa kíp ra trong sự hân hoan mừng chiến thắng của đồng đội. Cứ như vậy, hàng chục quả bom bị hóa giải, dưới đôi bàn tay nữ TNXP dũng cảm. Và từ đó, Đội TNXP phá bom đã tham gia khắp các mặt trận trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Khi được hỏi có khi nào bà cảm giác lo sợ? Bà cười hồn nhiên: “Đã sợ thì đừng ra trận, nếu sợ thì khi tháo kíp nổ sơ xảy là cầm chắc cái chết.” Có khi nào bà nghĩ nếu xảy ra điều không may khi làm nhiệm vụ? Bà Sáu trầm ngâm giây lát rồi nói: “Chiến trường chẳng nói trước được điều gì, sau mỗi đêm tháo kíp bom về, anh chị em ở tuyến sau lại ùa ra đón và ôm chầm lấy nhau, tay siết chặt tay trong tình thương mến vô hạn.” Trong xúc động bà nói: “Dưới mưa bom, bão đạn, còn được một bữa cơm chung bên nhau là nên nghĩa tình ruột thịt. Không hẹn mà đến bên nhau cùng chung ý chí chiến đấu thì ngại gì hy sinh, gian khổ, vì vậy ai cũng sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”.

Trần Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/nhung-nguoi-tro-ve-tu-mua-bom-bao-dan-270819-85.html