Những nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (TN, TG) được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. So với Pháp lệnh TN, TG và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh TN, TG, Luật đã có những thay đổi, bổ sung nhiều nội dung, quy định mới, thể hiện ngày càng đầy đủ hơn quyền, nghĩa vụ của mọi người trong lĩnh vực TN, TG.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (TN, TG) được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. So với Pháp lệnh TN, TG và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh TN, TG, Luật đã có những thay đổi, bổ sung nhiều nội dung, quy định mới, thể hiện ngày càng đầy đủ hơn quyền, nghĩa vụ của mọi người trong lĩnh vực TN, TG.

Bổ sung 1 chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Chương 2 của Luật TN, TG đã làm rõ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người, phản ánh rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như thể hiện một cách cơ bản nhất chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền tự do TN, TG theo Hiến pháp và pháp luật.

Chương này gồm 4 điều quy định về quyền tự do TN, TG của mọi người; quyền của tổ chức tôn giáo trực thuộc; quyền tự do TN, TG của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do TN, TG.

Đồng thời, Luật bổ sung nhiều thuật ngữ mới để phản ánh đầy đủ hơn các thiết chế tôn giáo, nội dung hoạt động của TN, TG để vừa bảo đảm tốt hơn quyền sinh hoạt của người có TN, TG, vừa quản lý Nhà nước tốt hơn với các hoạt động này. Đó là các thuật ngữ: Tín ngưỡng, lễ hội TN, TG, chức việc, sinh hoạt tôn giáo, địa điểm hợp pháp, người đại diện và đặc biệt là cách hiểu về tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Luật đã loại bỏ một số thuật ngữ đã được sử dụng tại Pháp lệnh TN, TG: hội đoàn, dòng tu (mang tính chuyên biệt của một tôn giáo), tổ chức tôn giáo cơ sở. Bởi trong Luật, tổ chức tôn giáo trực thuộc được hiểu bao hàm cả tổ chức tôn giáo cơ sở, hội đoàn, dòng tu, các ban, ngành, viện từ T.Ư đến cơ sở của tổ chức tôn giáo. Các tổ chức này khi thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 28, Điều 29 của Luật.

Phân cấp rõ, cụ thể hơn công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở các cơ quan cấp Trung ương

Theo quy định của Pháp lệnh TN, TG, một số nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nay Luật TN, TG phân cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước về TN, TG ở T.Ư: Công nhận tổ chức tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh; thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh; thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo.

Việc thay đổi này sẽ góp phần giảm tải công việc cho Thủ tướng Chính phủ, tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc tham mưu quản lý nhà nước về TN, TG, giải quyết nhanh gọn, kịp thời, hiệu quả nhu cầu về TN, TG của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

(Còn nữa)

Minh Phượng (TH)

(Sở Tư pháp)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/288/166600/nhung-noi-dung-co-ban-cua-luat-tin-nguong,-ton-giao.htm