Những tu sĩ trên tuyến đầu chống dịch

Khi dịch Covid-19 hoành hành ở TP Hồ Chí Minh, nhiều tu sĩ Công giáo đã tình nguyện tham gia ở tuyến đầu chống dịch.

Các tu sĩ Dòng Ðức Bà Truyền giáo nấu cơm, phục vụ bệnh nhân.

Các tu sĩ Dòng Ðức Bà Truyền giáo nấu cơm, phục vụ bệnh nhân.

Ngày 28/7, Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Tổng giáo phận Sài Gòn kêu gọi các linh mục, tu sĩ, cộng đồng Công giáo chung tay hỗ trợ, quyên góp giúp đỡ người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố chung quanh vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19. Theo Tổng giáo phận Sài Gòn, đã có hàng trăm tu sĩ, linh mục, gần 700 người có đạo tại TP Hồ Chí Minh (đã được khám sàng lọc, tiêm vaccine) tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19. Nhiều tu sĩ ở các dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa, Dòng Ðức Bà Truyền giáo, Dòng Tá Viên Phục vụ, Dòng Thánh Phaolô, Dòng Mến Thánh giá, linh mục, giáo dân ở nhiều giáo xứ… đã đến với người bệnh, giúp đỡ họ vượt qua bệnh tật. Trong đó không ít tu sĩ đồng thời là bác sĩ, cử nhân y khoa, điều dưỡng. Xơ Tuyết Mai (Dòng Ðức Bà Truyền giáo) cùng tám xơ có kinh nghiệm tình nguyện chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 10 (với khoảng 3.500 giường bệnh) chia sẻ: "Ngoài chúng tôi, còn có các nhóm tu sĩ ở các dòng khác. Các chị em làm việc theo ca, mỗi ngày từ hai đến ba ca. Khi vào ca, chị em mặc đồ bảo hộ, bước vào khu bệnh nhân thì tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì, việc đi lại phải theo đúng quy định, để bảo vệ chính mình và bệnh nhân". Còn xơ Nguyễn Thị Huệ (Dòng Thánh Phaolô), bày tỏ: "Chúng tôi ở tuyến đầu chống dịch, mong đem tâm sức của mình cùng các cơ quan chức năng chăm sóc tốt hơn cho người nhiễm Covid-19, không nề hà hiểm nguy. Chúng tôi cũng mong nhận những lời cầu nguyện của người ở nhà để được bình an, phục vụ".

Xơ Thùy Ngân (Dòng Chúa Chiên lành) cùng 16 tình nguyện viên đã hơn ba tuần tình nguyện, giúp đỡ các bệnh nhân ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 trò chuyện, lúc đầu cũng có người lo lắng, nhưng sau khi chăm sóc, tiếp xúc với các ca bệnh thì không ai còn lo lắng hay sợ bị nhiễm bệnh nữa, thay vào đó là chia sẻ cho nhau về cách chăm sóc bệnh nhân như thế nào cho tốt, làm gì để thể hiện lòng cảm thương đối với từng bệnh nhân để từng ngày phục vụ được ý nghĩa hơn và giúp các bệnh nhân mau chóng hồi phục…

Nhiều tu sĩ nêu cao khẩu hiệu "bệnh nhân ở đâu, chúng tôi ở đó", vui vẻ, nhiệt tình, chăm sóc bệnh nhân. Với họ, đó là cách để chia sẻ, cảm ơn lực lượng y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch đã và đang làm việc trên cả sức mình suốt những ngày qua.

Hoàng Nguyên

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dan-toc-ton-giao/nhung-tu-si-tren-tuyen-dau-chong-dich-659816/