Những ý kiến tâm huyết hướng về Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Kỳ 6)

* Ông BÙI VĂN GIÁO, Phó Chủ tịch UBND phường An Đôn, thị xã Quảng Trị:

Ngành nông nghiệp cần được hỗ trợ hơn nữa để phát triển

Là một phường thuộc thị xã Quảng Trị nhưng An Đôn có trên 70% dân số sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, địa phương đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa nhiều cây, con mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi, nhờ vậy, thu nhập của người dân đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thực tế sản xuất nông nghiệp ở phường An Đôn nhìn chung quy mô còn nhỏ lẻ, các mô hình còn thiếu sự liên kết nên hiệu quả đem lại chưa cao và thiếu tính bền vững. Ví dụ như mô hình phát triển cây cà gai leo. Năm 2017, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng trên vùng đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, cây cà gai leo được đưa vào trồng thành công tại phường An Đôn, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, do phát triển với quy mô nhỏ lẻ, theo phương thức canh tác truyền thống nên khi gặp thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.

Với sự tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, tôi mong muốn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ quan tâm tiếp tục hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, đưa khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất nông nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Cần sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp để các mô hình có sự phát triển bền vững và thu nhập ổn định cho người dân. Cùng với hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp, phường An Đôn cũng mong muốn nhận được sự quan tâm của cấp trên hỗ trợ xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước tại các tuyến đường giao thông trên địa bàn.

* Bà PHAN THỊ LIÊN, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh:

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Vĩnh Giang là một xã sản xuất nông nghiệp với 2 loại cây chủ lực là lúa và hồ tiêu, thêm một phần diện tích nuôi trồng thủy sản. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Nhân dân xã Vĩnh Giang đã quyết tâm vươn lên và hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sớm trước 2 năm. Năm 2015 thu nhập bình quân đầu người trong xã là 20 triệu đồng thì đến nay đã đạt 45 triệu đồng, số hộ nghèo từ 14,8% nay đã giảm dưới 2%. Vừa qua sản phẩm đậu xanh Vĩnh Giang và nước mắm Khiêm Trọng đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hiện xã đang tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm gạo bát đỏ Vĩnh Giang.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, xã Vĩnh Giang vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Vì vậy, trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi mong muốn Đảng bộ tỉnh có những quyết sách đúng đắn để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng xuất khẩu lao động, hỗ trợ các địa phương nâng cao thu nhập của Nhân dân, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế- xã hội. Đầu tư nuôi trồng thủy, hải sản theo hướng công nghệ cao ven sông Bến Hải kết hợp dịch vụ sinh thái phục vụ du lịch.

* Ông NGUYỄN VĂN HOÀNG, Trưởng Phòng Tài chính- Kế hoạch thị xã Quảng Trị:

Mong muốn Đại hội có những quyết sách để xây dựng thị xã Quảng Trị sớm đạt các tiêu chí đô thị loại 3, hướng đến đô thị Hòa Bình

Những thành tựu nổi bật của 30 năm lập lại tỉnh và kết quả thực hiện của nhiệm kỳ 2015- 2020, cảm nhận của tôi cũng là điều mà mọi người đều thấy là tỉnh nhà có nhiều chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực. Đó là hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng được đầu tư đồng bộ; nhiều công trình, dự án động lực đã và đang được triển khai thực hiện; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước cải thiện… Điều đó sẽ là một trong những tiền đề quan trọng góp phần sớm đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

Tôi mong muốn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 tiếp tục đề ra những quyết sách mới, sáng tạo để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, bứt phá hơn nữa thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững về kinh tế- xã hội, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các đô thị hiện có theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh. Sau Đại hội, bám sát Nghị quyết Đại hội đề ra, tôi kỳ vọng đến sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp trong việc ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để xây dựng thị xã Quảng Trị sớm đạt các tiêu chí đô thị loại 3, hướng đến đô thị Hòa Bình. Đó là một đô thị đi lên từ sự hủy diệt của chiến tranh đang hồi sinh và phát triển; là đô thị giàu đẹp, văn minh, thân thiện, nghĩa tình, sáng- xanhsạch- đẹp; điểm đến tri ân và tâm linh, điểm hẹn của nhân loại yêu chuộng hòa bình; trung tâm tổ chức các sự kiện về hòa bình.

* Bà HỒ THỊ CAM, Bí thư Đảng ủy xã Tà Long, huyện Đakrông:

Quan tâm đào tạo nguồn cán bộ cho các xã vùng sâu, vùng xa

Nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Quảng Trị đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội. Công tác cán bộ được chú trọng và có nhiều đổi mới. Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay công tác cán bộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều con em ở địa phương sau khi ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên ngành trong khi tại các địa phương đang cần cán bộ trẻ có năng lực, năng động, sáng tạo và có kiến thức.

Vì thế, tôi mong muốn nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh sẽ có cơ chế đặc thù với công tác cán bộ địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học có công việc phù hợp, tuyển chọn, bố trí vị trí việc làm cho cán bộ trẻ, từ đó tạo nguồn cán bộ tại chỗ. Tại các xã miền núi hiện nay có khá nhiều cán bộ là người Kinh. Hầu hết nhà của các cán bộ này đều cách xa nơi làm. Vì vậy tôi cũng mong muốn Đảng bộ tỉnh có chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, cụ thể là trụ sở làm việc của UBND và nơi ở bán trú cho các cán bộ làm việc xa nhà.

* Ông LÊ ĐỨC THỊNH, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng:

Mong muốn Đại hội phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết với khát vọng phát triển, đổi mới, sáng tạo

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 sắp diễn ra. Trên cương vị là Phó Bí thư Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, tôi tin tưởng rằng, đây là kỳ Đại hội sẽ phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết với khát vọng phát triển, đổi mới và sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội; kỳ vọng Đại hội Đảng bộ tỉnh sẽ đưa ra những quyết sách đúng đắn, sát với thực tế nhằm đưa tỉnh Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

Đối với huyện Hải Lăng, chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng, Đại hội sẽ có những định hướng, giải pháp chỉ đạo mạnh mẽ, hữu hiệu giúp Hải Lăng sớm hoàn thành các mục tiêu quan trọng tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra. Trong đó, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng để sớm hình thành Khu Đô thị- Công nghiệp VSIP 8; hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả các dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Đông Nam như Cảng Mỹ Thủy, Nhiệt điện BOT Quảng Trị I, điện khí Grazprom; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu, bền vững để xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm, định hướng giúp huyện Hải Lăng khơi dậy tiềm năng, thế mạnh vốn có của huyện, hỗ trợ xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của huyện nhanh và bền vững.

* Ông NGUYỄN MINH TÙNG, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Châu, huyện Gio Linh:

Có chủ trương, chính sách tốt hơn để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai hiệu quả, toàn tỉnh có 57/101 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt tỉ lệ 56,4%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Quảng Trị cũng là tỉnh đầu tiên trong 3 tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) có huyện NTM là huyện Cam Lộ. Bên cạnh những kết quả tích cực này, tôi nhận thấy chất lượng ở một số xã đạt chuẩn NTM chưa cao, nhất là một số tiêu chí như môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng giao thông... Điều này dẫn đến thực trạng một số nơi người dân chưa thực sự hài lòng với điều kiện sản xuất, sinh hoạt và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Có xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM thì chưa coi trọng việc giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí...

Từ thực tế trên, tôi mong muốn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra những quyết sách cụ thể và hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Trong đó, cần kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các biểu hiện chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, tự thỏa mãn với thành tích đã đạt được. Các địa phương khi xây dựng NTM cần phải nghiên cứu kỹ điều kiện thực tiễn, phù hợp về địa lý, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là trình độ phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của địa phương. Xác định rõ định hướng phát triển kinh tế nông thôn toàn diện, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống một cách bền vững cho người dân nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

(Còn nữa)

TỔ PHÓNG VIÊN (lược ghi)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=152047