Niềm tin từ những chấm chữ Braille

Đến nay, phần lớn cán bộ, hội viên Hội Người mù tỉnh đã đọc thông, viết thạo chữ Braille. Từ ngày làm bạn với những chấm chữ, niềm tin, hy vọng như được thắp sáng trong trái tim nhiều người khiếm thị.

 Những chấm chữ Braille đã thắp lên niềm hy vọng cho nhiều người khiếm thị - Ảnh: T.L

Những chấm chữ Braille đã thắp lên niềm hy vọng cho nhiều người khiếm thị - Ảnh: T.L

Từ các miền quê, 28 cán bộ, hội viên Hội Người mù tỉnh vừa có mặt tại thành phố Đông Hà để tham gia hội thi đọc, viết nhanh chữ Braille. Các thí sinh góp mặt đều là những đại diện xuất sắc, vượt qua vòng tuyển chọn tại huyện, thị, thành hội. Ai cũng bước vào hội thi với quyết tâm rất cao. Đối với họ, ngoài niềm vui cá nhân, kết quả như ý trong hội thi đọc, viết nhanh chữ Braille còn là món quà tri ân gửi đến các cấp hội người mù. Từ ngày tham gia hoạt động, phong trào hội và được tạo điều kiện học chữ Braille, cuộc đời mỗi người đã thực sự sang trang.

Là người “cầm cân nảy mực” tại hội thi đọc, viết nhanh chữ Braille, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga mất khá nhiều thời gian để chọn lựa ra những người xuất sắc. Cô Thúy Nga là giáo viên dạy chữ Braille đầu tiên của hội. Đến giờ, cô Nga không thể nhớ hết số học viên đã được mình truyền tình yêu chữ Braille. Hầu hết họ đều có hoàn cảnh giống cô. Năm 12 tuổi, một vụ tai nạn bom mìn đã cướp đi đôi mắt sáng của cô Nga. Đằng đẵng sống trong bóng tối của nỗi đau và sự mặc cảm, tự ti, cô Thúy Nga không thể ngờ có ngày ánh sáng hy vọng lại trở về với cuộc đời mình. Đó chính là lúc cô đến với Hội Người mù tỉnh và được cử ra Hà Nội học chữ Braille. Sau thời gian được đào tạo, cô trở về quê hương, mang những chấm chữ yêu thương đến với người đồng cảnh. “Sứ mệnh” ấy vẫn được cô lặng lẽ, miệt mài thực hiện khi đã trở thành cán bộ hội.

Bao giờ cũng vậy, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga và các cán bộ khác luôn nỗ lực truyền cảm hứng, tạo điều kiện tốt nhất cho người khiếm thị đến với chữ Braille. Ngay những năm đầu thành lập, hội đã dồn nguồn lực để mở lớp dạy chữ Braille cho cán bộ, hội viên. Ngoài các lớp tập trung ở trụ sở hội, giáo viên của Hội Người mù tỉnh còn về từng địa phương để giúp người khiếm thị làm quen với chiếc bảng, con cắm và những chấm chữ nhỏ li ti. Nỗ lực không được đền đáp ngay. Vì nhiều lý do, một bộ phận không nhỏ người khiếm thị ngại tham gia lớp học chữ Braille. Để tháo gỡ nút thắt, cán bộ hội từ tỉnh về cơ sở và giáo viên chữ Braille phải ngược xuôi tuyên truyền, vận động. “Khi sĩ số lớp ổn định, chúng tôi lại gặp thử thách mới. Trong lớp dạy chữ Braille, học viên khác nhau về độ tuổi, trình độ, học vấn, cá tính… Đáng lo nhất là nhiều người còn chưa biết chữ. Vì thế, chúng tôi phải gánh vác hai nhiệm vụ, vừa dạy chữ Braille, vừa xóa mù chữ. Nhiều lúc sau khi kết thúc buổi học, tôi gần như mất tiếng”, cô Nga kể lại.

Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, điều khiến cán bộ Hội Người mù tỉnh rất vui mừng là các lớp học chữ Braille mang lại hiệu quả cao. Tiếng lành đồn xa, hội viên, người khiếm thị đăng ký học ngày càng đông. Có thời điểm, Hội Người mù tỉnh phải huy động những học viên có kết quả học tập tốt của khóa trước làm trợ giảng. Cứ thế, qua từng lớp học, chữ Braille không còn xa lạ với cán bộ, hội viên, người khiếm thị trên địa bàn. Sau này, khi nhiệm vụ dạy chữ Braille được Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh san sẻ, Hội Người mù tỉnh vẫn duy trì mỗi năm tổ chức 2 - 3 lớp dạy chữ Braille để giúp cán bộ, hội viên, người khiếm thị ôn luyện, trau dồi, nâng cao năng lực.

Không dừng lại ở việc truyền dạy, Hội Người mù tỉnh còn trăn trở, tìm ra nhiều cách làm hay để giúp cán bộ, hội viên thêm thông thuộc chữ Braille. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao là thường xuyên hưởng ứng, tổ chức các cuộc thi viết, đọc chữ Braille. Hằng năm, Hội Người mù tỉnh đều phát động cho người khiếm thị tham gia cuộc thi viết chữ Braille ONKYO do Hiệp hội Người mù thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức.

Cùng với đó, hội thi đọc, viết nhanh chữ Braille do Hội Người mù tỉnh tổ chức định kỳ thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên. Từ hội thi này, các đại diện xuất sắc nhất của người khiếm thị trên địa bàn tỉnh đã được lựa chọn để tranh tài trong cuộc thi do Trung ương Hội Người mù tổ chức. Chị Trương Thị Ngọc, cán bộ Hội Người mù thành phố Đông Hà cho biết: “Tôi rất vui khi là một trong hai người vừa đoạt giải nhất tại hội thi đọc, viết nhanh chữ Braille do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Khi đang là sinh viên năm 2, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, tôi đã phải từ bỏ giấc mơ giảng đường vì không còn thấy ánh sáng. Chính chữ Braille đã mang lại ánh sáng cho cuộc đời tôi”.

Nỗ lực đưa chữ Braille đến với người khiếm thị của Hội Người mù tỉnh đã mang về những kết quả đáng mừng. Đến nay, phần lớn cán bộ, hội viên người khiếm thị trên địa bàn đã đọc thông, viết thạo chữ Braille. Những chấm chữ đặc biệt này giúp cán bộ hội thuận lợi hơn trong công việc. Nhờ chữ Braille mà ngày càng nhiều hội viên trẻ của hội tự tin chinh phục những đỉnh cao tri thức. Nhiều em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và tìm được công việc phù hợp với mình. Đặc biệt, một số hội viên đã tiếp bước trở thành người gieo chữ Braille. “Bên cạnh truyền chữ, tôi từng chia sẻ cho học sinh câu chuyện về hành trình vươn lên nhờ con chữ Braille của mình và nhiều người đồng cảnh khác. Với tôi, đây là cách để học sinh thêm trân quý chữ Braille và nhân lên niềm tin, hy vọng”, cô Hoàng Hà, giáo viên Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh cho biết.

Từng “dựa vào chữ Braille mà đứng dậy” và chứng kiến sự thành công của nhiều người tiếp bước, cô Thúy Nga luôn thầm cảm ơn những chấm chữ của niềm tin, hy vọng. Đó cũng chính là động lực thôi thúc cô cùng các cán bộ hội khác tiếp tục nỗ lực đưa ra những mô hình tốt, cách làm hay nhằm phát huy vai trò của chữ Braille đối với người khiếm thị. Cô tin rằng, trên con đường tri thức, sẽ có ngày càng nhiều người khiếm thị bước từ bóng tối ra ánh sáng với hành trang là những chấm chữ Braille.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=164048&title=niem-tin-tu-nhung-cham-chu-braille