Niềm vui ở Cốc Cáng

Ngồi bên bếp lửa bập bùng vào một ngày mưa, chúng tôi được các cụ cao niên trong thôn Cốc Cáng, xã Dìn Chin (Mường Khương) kể bao điều. Từ chuyện những ngày đầu tiên người Nùng về đây lập làng đến chuyện người Nùng khai hoang, mở đất, phát triển kinh tế qua bao đời để có cuộc sống no ấm như ngày hôm nay bên những rừng lát hoa.

Theo tiếng Nùng, Cốc Cáng có nghĩa là gốc cam. Trước đây, bản có cây cam rất to, mỗi năm cho nhiều trái ngọt cả làng ăn không hết. Không biết được trồng từ khi nào, nhưng với người Cốc Cáng, cây cam to ở đầu làng như là ngọn hải đăng để những người đi xa cứ theo hướng đó trở về là đến với bình yên.

Người Nùng Cốc Cáng giữ rừng

Những cánh rừng xanh tốt ở Cốc Cáng.

Dìn Chin từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất khô khát, nên những núi đồi đất đá rất cằn khô, ít cây gỗ lớn, chủ yếu là cây cỏ bụi. Nhưng thật ngạc nhiên, khi trên vùng đất khô khát này vẫn có một Cốc Cáng xanh mát với hàng chục ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng cấm là các loài gỗ quý đến cả chục, cả trăm năm tuổi. Đứng từ bản của người Nùng nhìn lên là những cánh rừng xanh thẫm sừng sững như bức tường thành ôm trọn bản làng. Cốc Cáng là thôn có nhiều rừng nhất xã.

Anh Vàng Chẩn Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Cốc Cáng bộc bạch: Cũng giống như các tộc người thiểu số khác, người Nùng bao đời nay gắn bó với núi rừng. Thời mở đất, người Nùng cũng chọn những nơi bằng phẳng, tiện canh tác để khai hoang phục vụ cho sản xuất, tuy nhiên vẫn cân bằng giữa khai thác và gây dựng, giữ gìn… Chẳng thế mà ngay giữa trung tâm thôn là cánh rừng cấm rộng hơn 1 ha với vô vàn cây gỗ lớn. Cánh rừng được người dân Cốc Cáng từ đời này qua đời khác bảo vệ, nâng niu như báu vật, coi đó là linh hồn của cả thôn.

Để gìn giữ những cánh rừng xanh, theo hương ước, người dân trong thôn không được chặt phá cây trong những khu rừng chung, phải tích cực trồng cây gây rừng, nếu ai vi phạm những điều cấm ấy sẽ bị phạt theo lệ thôn. Và để giám sát thực hiện, tại buổi cúng rừng đầu năm, 137 hộ của thôn bầu ra tổ bảo vệ rừng gồm 3 thành viên là bí thư chi bộ, trưởng thôn và công an viên. Tổ bảo vệ rừng thôn Cốc Cáng năm nay là các anh Vàng Chẩn Hùng, Hoàng Chẩn Cương và Hoàng Văn Khinh. Cùng với 3 thành viên của tổ, mỗi gia đình trong thôn lại cắt cử luân phiên nhau trong những buổi tuần rừng. Công việc đầu tiên của các thành viên tham gia là vận động mọi người trong chính gia đình mình không chặt phá cây rừng hoặc đốt rừng làm nương, đồng thời tích cực phủ trống diện tích rừng của chính gia đình mình. Một nhiệm vụ nặng nề hơn cả đó là kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành động phá rừng của kẻ xấu.

Theo chân tổ bảo vệ rừng, chúng tôi vào khu rừng cấm Cốc Cáng. Thật tuyệt vời, khi vừa nãy đi giữa con đường trục thôn gió thổi bay phần phật, nhưng chỉ toàn khí nóng, khô rát, vừa bước chân vào cửa rừng đã “nghe” một luồng khí mát tỏa ra, cây lá vi vu. Khẽ bước chân trên tầng lá mục, tôi thấy trong người khoan khoái, dễ chịu lạ thường. Càng đi sâu vào trong rừng càng nhiều cây to, có cây đã cả trăm năm tuổi, vỏ sù sì, gốc to vài người ôm. Đã nhìn thấy nhiều đồ vật làm từ các loại gỗ quý, nhưng được các anh trong tổ chỉ tường tận từng loại cây đó trong tự nhiên, tôi không khỏi trầm trồ, nào là lát hoa, nghiến, đinh, sến… Cây nào cũng cao, to, vượt lên tận trời xanh. Nằm ngay giữa trung tâm thôn nhưng ngay cả những thân cây 2 vòng người ôm bị đổ cũng vẫn còn nguyên dưới tán rừng. Thế mới thấy ý thức giữ rừng của người dân nơi đây.

Lan tỏa tinh thần giữ rừng, những năm qua, người dân Cốc Cáng còn tích cực gây rừng. Theo diện tích mở rộng qua các năm, tới nay, cả thôn có hàng chục ha rừng sản xuất, rừng xã hội hóa, rừng phòng hộ. Chỉ tính riêng năm 2020, các hộ trong thôn trồng được hơn 4 ha.

Làm giàu từ chăn nuôi đại gia súc

Anh Vàng Chẩn Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Cốc Cáng (phải ảnh) báo cáo với lãnh đạo xã Dìn Chin về tình hình phát triển kinh tế của thôn.

Đến Cốc Cáng, một điều khiến không chỉ tôi mà tất cả những người phương xa đều vô cùng ngạc nhiên, đó là trên lưng đồi là những ngôi nhà xây khang trang. Dọc cung đường khám phá, tôi đếm sơ sơ cũng được trên 30 nóc nhà xây, có nhà xây theo kiểu nhà ngang sân vườn, có nhà lại xây theo kiểu nhà ống 2 - 3 tầng. Nhà bí thư chi bộ thôn cũng được xây 3 tầng kiên cố. Nói về sự phát triển của bà con, anh Hùng cười tươi: Tất cả cũng là nhờ chăn nuôi đại gia súc!

Quả thực, Cốc Cáng có lợi thế rất lớn về đất đai với những thung lũng, đồng cỏ để chăn nuôi. Tuy nhiên, để có được vùng chăn nuôi như hôm nay, phải nói đến “đầu tàu” của thôn trong việc đi trước, làm trước.

Trong câu chuyện tìm hướng phát triển kinh tế cho bà con, qua một vài mô hình được đi tham quan, năm 2008, anh Vàng Chẩn Hùng quyết định thử nghiệm nuôi bò thương phẩm. Từ nguồn vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh mua 1 bò mẹ và 2 bò con hết 21 triệu đồng, số còn lại anh đầu tư làm chuồng trại. Nhà có gần 3 ha đất, anh quy hoạch nơi trồng lúa, ngô đảm bảo lương thực cho gia đình và vật nuôi, còn lại là trồng cỏ voi. Anh là người tiên phong nuôi bò thương phẩm, nên nhiều người trong thôn không mấy tin tưởng vào sự thành công. Tuy nhiên, đã quyết là phải làm bằng được, anh Hùng kiên trì học hỏi kỹ thuật, chăm sóc tỉ mỉ để phát triển đàn bò. Anh nghĩ: Mình phải phát triển đàn bò thật tốt, vừa để làm kinh tế cho gia đình, vừa tạo hướng đi mới cho bà con.

Không phụ công người, đàn bò sinh trưởng tốt, ít bệnh tật, 1 năm sau, bò mẹ bắt đầu sinh nở, rồi bê con được xuất chuồng. Thời hạn vay 30 triệu đồng từ ngân hàng là 5 năm, nhưng đến năm thứ 3 gia đình anh Hùng đã trả hết nợ. Cứ thế, lấy vụ này nối tiếp vụ kia, anh mở rộng chăn nuôi. Thời điểm cao điểm nhất là năm 2017, 2018, đàn bò nhà anh Hùng lên đến 15 con. Năm 2019, anh bán bớt đàn bò để xây ngôi nhà 3 tầng trị giá gần 500 triệu đồng (phần nhân công xây dựng anh Hùng được anh em, hàng xóm giúp đỡ, chỉ phải mua chi phí vật liệu).

Người ta nói “Con gà tức nhau tiếng gáy, đua nhau lớn lên” quả không sai. Thấy bí thư chi bộ thôn ăn nên làm ra từ việc nuôi bò, bà con trong thôn cũng học theo. Giờ thì trong thôn hầu hết nhà nào cũng nuôi bò, nhà ít vài ba con, nhà nhiều cả chục con. Có nhà thu nhập khá từ nuôi bò và cũng xây được nhà cửa khang trang từ mô hình kinh tế này, như các gia đình Lù Sen Vinh, Sân Chấn Lương, Sân Chấn Vương…

Anh Lù Sử Khanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dìn Chin cho biết: Cốc Cáng là một trong những thôn tiêu biểu của xã trong việc nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân. Cùng với những định hướng của xã, đội ngũ cán bộ thôn rất nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết với sự phát triển của thôn, bản. Chúng tôi luôn lấy Cốc Cáng là điển hình để tuyên truyền tại các khu dân cư, thôn, bản trên địa bàn xã để bà con tìm hiểu và học tập lẫn nhau, cùng tiến bộ.

Trong câu chuyện tìm hướng phát triển kinh tế mới cho bà con, anh Vàng Chẩn Hùng trăn trở, làm nông phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh và cả thị trường, nên cần đa dạng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo cho việc lấy ngắn nuôi dài, vụ này bù vụ kia. Do đó, tôi đang trồng thí điểm gần 1 ha mận tả van, khi thành công sẽ vận động bà con chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng mận…

Nhìn anh Hùng say sưa kể về những dự định của gia đình, của thôn, chợt thấy ấm lòng, bên rừng lát hoa Cốc Cáng, cuộc sống đang đổi thay từng ngày!

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/346745-niem-vui-o-coc-cang