Ninh Bình- Bạc Liêu- Cà Mau: Sắt son nghĩa tình

Cách đây 62 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 23/1/1960, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Ninh Bình đã tổ chức kết nghĩa Ninh Bình - Bạc Liêu (bao gồm tỉnh Cà Mau ngày nay) và phát động phong trào thi đua lao động, học tập công tác, chiến đấu với tinh thần 'Vì miền Nam ruột thịt, vì quê hương kết nghĩa Bạc Liêu'. Suốt hơn 6 thập kỷ qua, trong khói lửa chiến tranh, trong bộn bề công việc dựng xây quê hương, đất nước, mối quan hệ kết nghĩa lâu đời đặc biệt vẫn luôn được lớp lớp thế hệ cán bộ lãnh đạo, nhân dân 3 tỉnh Ninh Bình- Bạc Liêu- Cà Mau tiếp nối vun đắp, trở thành niềm tự hào, là tài sản tinh thần vô giá, là động lực để các địa phương tiếp tục cùng nhau hợp tác, phát triển, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu chụp ảnh lưu niệm tại Trường THCS Bạc Liêu- Ninh Bình. Ảnh tư liệu

Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu chụp ảnh lưu niệm tại Trường THCS Bạc Liêu- Ninh Bình. Ảnh tư liệu

Kỳ 1: "Là hoa một gốc, là con một nhà"

Việc Ninh Bình - Bạc Liêu (bao gồm cả Cà Mau hiện nay) chính thức kết nghĩa vào giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở giai đoạn cam go, ác liệt, đã mang một ý nghĩa chính trị sâu sắc, là minh chứng cụ thể cho chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Sự kiện chính trị quan trọng này cũng được ví như "sợi chỉ đỏ" nối liền tình đồng chí, anh em đồng cam, cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi giữa Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình với Đảng bộ, quân và dân Bạc Liêu.

Ngay sau lễ kết nghĩa, với tinh thần "Vì Miền Nam ruột thịt", "Vì quê hương kết nghĩa - Bạc Liêu", tỉnh Ninh Bình đã liên tục phát động các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, cổ vũ, động viên toàn dân hăng hái tham gia phát triển nông nghiệp, công nghiệp, lưu thông phân phối, đóng góp hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm chi viện cho cách mạng miền Nam. Đã có hàng vạn thanh niên Ninh Bình xung phong nhận hàng nghìn ha ruộng để xây dựng gần 2.000 cánh đồng Bạc Liêu 5 tấn, 6 tấn.

Năm 1968, để trả thù giặc Mỹ đốt phá rừng U Minh, phụ lão Ninh Bình đã thi đua trồng 4 triệu cây. Trong đợt thi đua lập thành tích trả thù cho chị Riêng (nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung Lê Thị Riêng - quê Giá Rai, Bạc Liêu), hàng vạn chị em phụ nữ Ninh Bình đã tích cực tham gia phong trào "3 đảm đang" để chồng con yên tâm lên đường đánh giặc. Nhiều chiến dịch được Tỉnh ủy Ninh Bình phát động nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu của người anh em kết nghĩa như: chiến dịch "Hòn Khoai - Quang Trung", "Phát huy truyền thống Ninh Bình - Bạc Liêu, Cà Mau anh hùng, giành vụ đông xuân đại thắng"… Những năm tháng ấy, khẩu hiệu vì Bạc Liêu - Cà Mau đã trở nên thiêng liêng, sâu nặng nghĩa tình đối với đất và người Ninh Bình.

Cũng với tinh thần "Vì miền Nam ruột thịt", "Vì Bạc Liêu - Cà Mau kết nghĩa", Ninh Bình đã huy động hàng chục vạn người con ưu tú của quê hương vào chiến trường miền Nam, chiến trường Bạc Liêu, Cà Mau tham gia chiến đấu, góp phần bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bằng tình cảm, trách nhiệm và mệnh lệnh từ trái tim, biết bao người con Cố đô Hoa Lư đã hăng hái "Nam tiến" hòa cùng với chiến sĩ, đồng bào Bạc Liêu, Cà Mau anh dũng chiến đấu, xông pha trên khắp các mặt trận. Trong số đó có nhiều người còn rất trẻ đã từ biệt gia đình, bè bạn, người thân, băng đèo, lội suối, vượt Trường Sơn, vượt bom đạn để cùng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Bạc Liêu, Cà Mau.

Ông Nguyễn Văn Huệ - nguyên Phó Trưởng ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Minh Hải kiêm Giám đốc Công ty phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Minh Hải là một trong những người như thế. Ông Huệ kể: Cuối năm 1965, ông và anh Hai Cương (Phạm Như Cương) là công nhân kỹ thuật của Đội chiếu bóng lưu động tỉnh Ninh Bình được cử vào Cà Mau công tác. Khi đó con trai đầu của ông Huệ mới hơn 1 tháng tuổi và mẹ già ở quê thường xuyên đau yếu.

Nhưng với tinh thần "Vì Bạc Liêu - Cà Mau kết nghĩa", không chút đắn đo, ông Huệ đã tình nguyện lên đường vào Nam để phục vụ đồng bào, chiến sĩ Cà Mau. Sau một thời gian học chính trị tại Hà Nội và sau hơn 6 tháng hành quân đi bộ vượt Trường Sơn, vượt qua mưa bom, bão đạn, giữa năm 1966 ông Cương và ông Huệ đã đến với Cà Mau thân thương. "Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Cà Mau đã tổ chức một cuộc gặp mặt long trọng tại xã Phú Mỹ (huyện Cái Nước) để đón chúng tôi. Buổi gặp mặt có khoảng trên 300 người.

Đồng bào Cà Mau đã đón hai anh em chúng tôi như những người thân đi xa lâu ngày trở lại. Đó là một thứ tình cảm khó diễn tả thành lời. Đến bây giờ tôi vẫn không quên được cảm xúc buổi gặp mặt hôm ấy. Tình cảm của bà con nơi cuối trời Tổ quốc giúp những người xa quê trở nên vững tin hơn, nhưng đồng thời cũng là động lực thôi thúc chúng tôi phải không ngừng phấn đấu, cống hiến nhiều hơn cho quê hương kết nghĩa"- ông Huệ xúc động chia sẻ.

Những năm chiến tranh ác liệt, cũng như quân và dân Cà Mau, Đội chiếu bóng lưu động thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đầy khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đó là sự đánh phá điên cuồng của giặc Mỹ, đó là sự bao vây cấm vận hàng tháng trời khiến cho Đội chiếu bóng sống giữa "vựa lúa Cà Mau" mà vẫn đói ăn...

Với chất giọng Bắc pha chút miền Tây, ông Huệ khảng khái: "4/6 người trong Đội chiếu bóng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Nhưng tụi tui đâu có chịu khuất phục. Tụi tui luôn xác định: đã là người cộng sản thì không được lùi bước trước khó khăn, chỉ có một tinh thần duy nhất là tiến công và tiến công"! Vì vậy, vượt lên trên tất cả, Đội chiếu bóng có thời điểm dù chỉ có 2 người nhưng vẫn miệt mài lặn lội đến từng xóm, ấp, các đơn vị bộ đội của Bạc Liêu - Cà Mau để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào.

Những thước phim về Bác Hồ, về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân ta trên các mặt trận, về những câu chuyện nghĩa tình giữa hai miền Bắc - Nam… được Đội chiếu bóng trình chiếu đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ, tiếp thêm nghị lực để đồng bào, chiến sỹ Cà Mau lao động, học tập, chiến đấu và chiến thắng quân thù.

Cũng theo ông Huệ, thời kỳ ấy, để tinh thần kết nghĩa Ninh Bình - Bạc Liêu lan tỏa và thấm sâu vào đời sống nhân dân, Tỉnh ủy Ninh Bình quyết định tổ chức các buổi chiếu phim bán vé nhằm gây quỹ mua máy chiếu bóng tặng Đảng bộ, quân và dân Cà Mau. Chủ trương này được nhân dân tỉnh Ninh Bình hết sức đồng thuận. Đã có những cụ già miệt mài bó chổi rơm, chổi đót đem ra chợ bán để gom từng hào, từng xu dành tiền mua vé ủng hộ; có những em nhỏ nhịn ăn sáng góp sức cùng cha mẹ dành tiền mua vé ủng hộ… Chiếc máy chiếu bóng mà thời đó Ninh Bình tặng cho Bạc Liêu - Cà Mau mang một ý nghĩa hết sức lớn lao, nó không chỉ là tài sản vật chất mà còn là tài sản tinh thần vô giá mà nhân dân Ninh Bình đã gửi gắm, trao tặng cho nhân dân Bạc Liêu, Cà Mau - người anh em kết nghĩa ở nơi cuối trời Tổ quốc.

Những năm 1966, ông Nguyễn Văn Huệ và ông Phan Như Cương mang máy chiếu bóng và mang tấm lòng kết nghĩa của người dân Ninh Bình vào Cà Mau để phục vụ đồng bào, chiến sỹ quê hương kết nghĩa. Ảnh Tư Liệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài, gian khổ đó, nhiều cán bộ, chiến sỹ là con em quê hương Ninh Bình đã có không ít người đã anh dũng hy sinh, nhiều người đã để lại một phần xương máu của mình trên mảnh đất Bạc Liêu - Cà Mau. Máu của quân và dân Ninh Bình đã hòa lẫn máu của quân và dân Cà Mau, Bạc Liêu. Những chiến công hiển hách, những hy sinh anh dũng của những người con ưu tú Ninh Bình trên quê hương Bạc Liêu, Cà Mau là hiện thân cao cả của tinh thần đoàn kết và tình cảm bền chặt của các địa phương kết nghĩa, xứng đáng với lời thề: "Bạc Liêu kết nghĩa Ninh Bình/ Keo sơn gắn bó mối tình Bắc Nam/ Quyết không lùi trước gian nan/Sông sâu quyết vượt, núi ngàn băng qua".

Đáp lại những nghĩa tình của hậu phương miền Bắc và người anh em kết nghĩa Ninh Bình, cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam nói chung, Bạc Liêu - Cà Mau nói riêng luôn hướng về miền Bắc, về quê hương Ninh Bình. "Miền Bắc gọi, miền Nam trả lời" là khẩu hiệu chiến đấu thể hiện tình cảm gắn bó máu thịt của 2 miền Nam - Bắc, giữa Bạc Liêu - Cà Mau - Ninh Bình lúc bấy giờ.

Cứ mỗi lần giặc Mỹ đánh phá miền Bắc thì miền Nam càng đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở nhiều trận đánh lớn để diệt bốt, phá đồn nhằm "chia lửa" với đồng bào miền Bắc, đồng bào Ninh Bình kết nghĩa. Ngay sau ngày nước nhà thống nhất, từ năm 1976, tỉnh Ninh Bình hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh và qua điều chỉnh địa giới hành chính, tỉnh Bạc Liêu thành tỉnh Minh Hải, quan hệ kết nghĩa giữa hai tỉnh Hà Nam Ninh và Minh Hải được kế thừa trên nền tảng quan hệ kết nghĩa giữa hai tỉnh Ninh Bình - Bạc Liêu trước đó.

Trong hoàn cảnh Bạc Liêu sau chiến tranh còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ về khoa học, kỹ thuật, giáo dục, y tế, nhiều cán bộ, đảng viên, giáo viên, kỹ sư đang công tác ở Ninh Bình, thậm chí nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh và nhiều cán bộ lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; cán bộ quân đội cùng những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, cao đẳng trên các lĩnh vực giáo dục, y tế và các ngành khoa học, kỹ thuật khác… đã được tổ chức điều động, phân công vào Minh Hải, Bạc Liêu công tác.

Bên cạnh đó, hàng ngàn người dân Ninh Bình đã tình nguyện rời quê hương vào Bạc Liêu xây dựng vùng kinh tế mới. Với nghĩa tình sâu đậm đã được thử thách qua năm tháng ác liệt của chiến tranh, với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân Bạc Liêu, những người con Ninh Bình đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, nhanh chóng hòa mình với thiên nhiên sông nước, khí hậu phương Nam, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên, góp sức xây dựng quê hương thứ hai của mình ngày càng phồn vinh, giàu đẹp. Họ đã và đang trở thành cầu nối, sợi dây gắn kết bền chặt tình cảm kết nghĩa keo sơn giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu - Cà Mau - Ninh Bình.

62 năm đã trôi qua kể từ ngày kết nghĩa, những tiếng "Bạc Liêu", "Cà Mau" đã trở nên gần gũi, trở thành miền nhớ của nhân dân Ninh Bình và hai tiếng "Ninh Bình" cũng gần gũi, thấm sâu vào đời sống nhân dân Bạc Liêu - Cà Mau. Sự gắn bó thủy chung, son sắt, nghĩa tình thiêng liêng của Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình - Cà Mau - Bạc Liêu đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tự hào của dân tộc Việt: "Là hoa một gốc, là con một nhà".

Đinh Ngọc
(Còn nữa)

Kỳ 2: Gắn bó thủy chung, hợp tác toàn diện

Kỳ 3: Cùng nhau xây đắp tương lai

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-bac-lieu-ca-mau-sat-son-nghia-tinh/d2022042619587475.htm