Ninh Bình: Đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy phát triển công nghiệp làm trọng tâm

Tỉnh Ninh Bình tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng lấy phát triển công nghiệp làm trọng tâm.

Ngày 7/7 tại Ninh Bình, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54.

Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình, tỉnh đã xác định rõ việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 54 là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần thiết trong việc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh. Sau 17 năm triển khai thực hiện nghị quyết, Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, kinh tế xã hội của Ninh Bình qua các giai đoạn có nhiều khởi sắc, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cụ thể, kinh tế đạt được mức tăng trưởng khá qua các giai đoạn, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 15,6%/năm; giai đoạn 2011-2021 đạt 7,7%/năm; giai đoạn 2005-2020 tăng bình quân 11,04%/năm. “Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, giá trị GRDP (theo giá hiện hành) của tỉnh năm 2021 đạt trên 72 nghìn tỷ đồng, gấp 14,5 lần so với năm 2005 (năm 2005 đạt 4,97 nghìn tỷ đồng). GRDP bình quân đầu người tăng từ 5,57 triệu đồng năm 2005 lên 71,5 triệu đồng năm 2021, tăng gấp 12,8 lần so với năm 2005”- lãnh đạo tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh.

Đáng chú ý, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp và dịch vụ, cơ cấu sản xuất trong nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh gắn với thị trường.

Bên cạnh đó, cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất toàn ngành (khoảng gần 50%), từng bước khẳng định được vị thế và thay thế vai trò của các sản phẩm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gắn với khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Công nghiệp phụ trợ được chú trọng đầu tư, các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống (thép, phân lân, đạm, xi măng,..) cơ bản được duy trì. Các ngành dịch vụ như thương mại, vận tải, tài chính, tín dụng ngân hàng… tiếp tục có bước phát triển nhanh.

Lĩnh vực du lịch có sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ tạo nền tảng định hướng dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và được xác định là hướng đi, hướng phát triển bền vững của tỉnh.

Phấn đấu trở thành một cực tăng trưởng hành lang kinh tế ven biển

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, về cơ bản, Dự thảo Báo cáo tổng kết của Ninh Bình đã bám sát các nội dung Nghị quyết 54 và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của Ban Chỉ đạo.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, báo cáo đã làm rõ kết quả đạt được sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết; chỉ ra 3 nhóm tồn tại, hạn chế và các nguyên nhân; rút ra 3 bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh trong nước, quốc tế; những khó khăn, thách thức đối với địa phương, vùng; đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 3 nhóm kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Nêu ra nhưng nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Ninh Bình cần chủ động hội nhập, mở rộng giao lưu kinh tế để tăng cường liên kết vùng nhất là với các địa phương tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Khai thác các cơ hội từ các xu hướng phát triển kinh tế trong nước, thế giới; hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng khung kết nối đồng bộ để trở thành đầu mối giao lưu của khu vực phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng và với các vùng Trung du và miền núi Bắc bộ và vùng Bắc Trung bộ. “Tăng cường liên kết các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng để khai thác hiệu quả hơn các hành lang, vành đai kinh tế, các khu, cụm công nghiệp, các thắng cảnh du lịch tầm quốc gia, quốc tế, các trục đường giao thông liên vùng kết nối với thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng”- ông Trần Tuấn Anh chỉ ra.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần khắc phục các hạn chế, yếu kém và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và tích hợp lại thành “dư địa” để khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để huy động tổng hợp các nguồn lực, thu hút được các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia; quan tâm thu hút các nguồn lực trong và ngoài ngân sách phục vụ phát triển địa phương thời gian tới.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng yêu cầu tỉnh Ninh Bình tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ: Sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất.

Nội dung quy hoạch cần có sự thống nhất và phân chia một cách hợp lý mục tiêu phát triển, khai thác hiệu quả các lợi thế và bố trí đầy đủ nguồn lực để phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, có cơ cấu kinh tế tiên tiến, đầu mối giao lưu của khu vực phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng với các vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung bộ. “Đồng thời hướng tới mục tiêu Ninh Bình là một cực tăng trưởng của hành lang kinh tế ven biển Ninh Bình - Nam Định -Thái Bình”- ông Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Ngoài ra, tập trung thực hiện các Nghị quyết để phát huy hơn nữa tiềm năng để phát triển Ninh Bình trở thành tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng lấy phát triển công nghiệp làm trọng tâm, du lịch là mũi nhọn; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch, tài nguyên khoáng sản; khai thác cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường theo hình thức cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa.

Đối với một số kiến nghị của tỉnh Ninh Bình, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu, ngoài những vấn đề đã được lãnh đạo các bộ, ngành trả lời, trao đổi tại hội nghị, Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập Đề án tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo để chắt lọc đưa vào Báo cáo tổng kết Nghị quyết 54 hoặc chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đề nghị của tỉnh Ninh Bình.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ninh-binh-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-lay-phat-trien-cong-nghiep-lam-trong-tam-182320.html