Ninh Bình tổ chức Kỳ họp HĐND tỉnh đầu tiên sau sáp nhập
Ngày 1/7, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ nhất xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng theo luật định. Đây là kỳ họp đầu tiên của tỉnh Ninh Bình mới sau sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.
Số lượng đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình sau sắp xếp, nhiệm kỳ 2021-2026 có 128 đại biểu, trong đó: 44 đại biểu HĐND tỉnh Nam Định trước sắp xếp: 41đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam trước sắp xếp; 43 đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình trước sắp xếp.
Trong chương trình, Kỳ họp đã nghe thông báo Nghị quyết số 1726/NQ-UBTVQH15 ngày 24/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Chủ tịch, Phó chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND tỉnh Ninh Bình.

Ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định ông Lê Quốc Chỉnh, Phó bí thư Tỉnh ủy giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021- 2026 cùng các Phó chủ tịch HĐND tỉnh và các Trưởng ban HĐND. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
HĐND tỉnh cũng đã nghe thông báo Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh về việc Phê chuẩn số lượng thành viên Ban và danh sách Phó Trưởng ban, Ủy viên các Ban của HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026, chỉ định Ủy viên UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Trương Quốc Huy khẳng định: Việc hợp nhất Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình - vùng đất giàu truyền thống và tiềm năng là bước đi chiến lược trong cải cách tổ chức bộ máy, theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và chỉ đạo của Trung ương.

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Mô hình chính quyền 2 cấp (tỉnh - xã) đòi hỏi đổi mới tư duy và hành động quyết liệt từ cả hệ thống chính trị, nhất là HĐND tỉnh - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện ý chí, nguyện vọng Nhân dân. HĐND cần là trung tâm trí tuệ, bản lĩnh, khát vọng phát triển, đồng thời là cầu nối giữa ý chí của Đảng với nguyện vọng của dân, luôn đặt lợi ích Nhân dân lên hàng đầu.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu nâng cao kỷ luật, trách nhiệm trong hoạt động của đại biểu HĐND; gần dân, hiểu dân, phản ánh trung thực ý kiến cử tri, góp phần ban hành các chính sách sát thực tiễn.
HĐND phải đồng hành cùng UBND và cả hệ thống chính trị trong chiến lược đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2035 - một đô thị văn minh, hiện đại, mang bản sắc văn hóa, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trong nước và quốc tế.
HĐND tỉnh cần chủ động ban hành các cơ chế, chính sách đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực then chốt: du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng, bảo tồn giá trị văn hóa – lịch sử đặc sắc của Ninh Bình.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: để đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cần tập trung chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng. Trước mắt, cần đẩy nhanh công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch; ưu tiên đầu tư kết nối các trung tâm đô thị cũ (Nam Định, Hoa Lư, Phủ Lý); phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, kết nối khu công nghiệp với quốc lộ; thu hút đầu tư quốc tế; xây dựng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao; phát triển du lịch sinh thái, biển, văn hóa, giải trí.

Các đại biểu dự kỳ họp.
Đồng thời, cần rà soát, điều chỉnh thống nhất các chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư và an sinh xã hội sau hợp nhất ba tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
HĐND tỉnh đã nghe các Tờ trình về việc đề nghị thành lập các Ban của HĐND tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2021-2026; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2021-2026; Tờ trình về kế hoạch tổ chức kỳ họp thường lệ năm 2025 của HĐND tỉnh; Tờ trình thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh nhất trí cao và biểu quyết thông thông qua 4 Nghị quyết. Trong đó có 3 Nghị quyết về tổ chức và nhân sự, là cơ sở để kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm sự lãnh đạo, điều hành liên tục, hiệu lực, hiệu quả ngay từ những ngày đầu của chính quyền địa phương cấp tỉnh sau hợp nhất.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh khẳng định: Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XV có ý nghĩa đặc biệt, quyết định nhiều nội dung quan trọng về tổ chức bộ máy, tạo nền tảng cho chính quyền địa phương vận hành ổn định, hiệu quả.
Ông đề nghị các cấp, ngành bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, kịp thời thể chế hóa và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào bốn đột phá lớn theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị: khoa học - công nghệ và chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; cải cách pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân.
Trên cơ sở các nghị quyết được thông qua, các cấp chính quyền cần nhanh chóng ổn định tổ chức, kiện toàn bộ máy, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở.
UBND tỉnh được đề nghị sớm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch tỉnh giai đoạn mới theo hướng bền vững, hiện đại, xứng tầm với vị thế sau hợp nhất, lấy nâng cao đời sống Nhân dân làm mục tiêu xuyên suốt.
Ủy ban MTTQ tỉnh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND và các cơ quan liên quan, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, củng cố khối đại đoàn kết, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.