Nỗ lực bao phủ bảo hiểm y tế

Khi áp dụng Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh Bình Phước có 100.817 người không được tiếp tục hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Hầu hết những đối tượng này có cuộc sống khó khăn, nhất là người dân tộc thiểu số (DTTS). Để người dân thụ hưởng quyền lợi BHYT, Bình Phước đã có Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày 9-11-2022, trong đó điều chỉnh việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ DTTS ngoài nguồn ngân sách Trung ương.

Dẫu vậy, để hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia BHYT để chăm lo sức khỏe bản thân và trách nhiệm với cộng đồng.

Vì sức khỏe nhân dân

Ngay khi Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực, tỉnh Bình Phước có khoảng 10% dân số không được tiếp tục hỗ trợ thẻ BHYT. Điều này đã tác động rất lớn đến thụ hưởng quyền lợi BHYT của người dân, cũng như mục tiêu BHYT toàn dân của tỉnh. Để chăm lo sức khỏe nhân dân, khắc phục những ảnh hưởng của Quyết định số 861/QĐ-TTg tác động tới tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh, ngày 9-11-2022, tại kỳ họp thứ 7 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa X đã thông qua Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND, có hiệu lực từ ngày 19-11-2022. Nghị quyết số 16 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung rất quan trọng. Tại một số khu vực theo quy định, trong đó có các địa bàn thôn, xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, gồm cả những xã có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), những người DTTS thuộc hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình thì ngoài 30% kinh phí từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 70% còn lại cho tháng 11, tháng 12-2022, 65% (năm 2023), 55% (năm 2024), 45% (năm 2025) mức đóng BHYT.

Ngày 29-4-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 546/QĐ-TTg về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2022-2025. Theo quyết định này, chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT của tỉnh Bình Phước các năm 2022, 2023, 2024 và 2025 lần lượt là: 91,50%, 92,25%, 93,50% và 95%. Để từng bước đạt được mục tiêu này, mỗi địa phương, đơn vị cần có giải pháp cụ thể để vừa tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách vừa vận động sự tài trợ của doanh nghiệp có tiềm lực để hỗ trợ đóng BHYT cho người dân hoàn cảnh khó khăn.

Chị Điểu Thị Linh ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp cho biết: “Gia đình tôi mới ra ở riêng, công việc của hai vợ chồng không ổn định, lại đang nuôi 2 con nhỏ nên kinh tế rất khó khăn. Mọi chi tiêu trong gia đình chủ yếu dựa vào số tiền ít ỏi của chồng làm công nhân, còn tôi ở nhà trông con và nội trợ. Vì vậy, được Nhà nước hỗ trợ 95% tổng số tiền mua BHYT cho 2 vợ chồng thì gia đình rất mừng. Tính ra 9 tháng năm 2023, vợ chồng tôi chỉ đóng 60.000 đồng là đã có BHYT phòng thân khi ốm đau, bệnh tật. Gia đình tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã giúp đỡ”.

Tăng cường tuyên truyền, vận động

Từ chỗ trước đây được Nhà nước (nguồn ngân sách Trung ương) hỗ trợ 100% mức đóng BHYT nên không ít người nghĩ rằng được hưởng BHYT là điều mặc nhiên, dẫn đến tâm lý không sẵn sàng đóng góp để mua BHYT. Đặc biệt, đa số người DTTS ở các thôn, xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, cuộc sống còn nhiều khó khăn, không có việc làm ổn định nên không phải lúc nào cũng sẵn tiền để mua bảo hiểm, nhất là những hộ đông thành viên thuộc diện phải mua BHYT.

Thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng sau khi địa phương lập danh sách phê duyệt số hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình thì cả thôn có hơn 500 người thuộc diện này. Ban quản lý thôn phải mất rất nhiều thời gian để vận động người dân tham gia BHYT.

Đa số người trẻ tuổi là đồng bào DTTS nhận thức rõ về lợi ích của BHYT nên sẵn sàng tham gia vì sức khỏe bản thân và gia đình

Đa số người trẻ tuổi là đồng bào DTTS nhận thức rõ về lợi ích của BHYT nên sẵn sàng tham gia vì sức khỏe bản thân và gia đình

Một buổi trưa tháng 5, chúng tôi cùng Trưởng thôn Điểu Cần đi tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. 3 hộ đầu tiên mà anh dẫn chúng tôi đến đều không có người lớn ở nhà, chỉ có vài đứa trẻ tự chơi với nhau dưới những gốc cây. Đến hộ thứ 4 thì gặp chị chủ nhà vừa đi làm về. Sau một hồi trò chuyện với chị chủ nhà bằng tiếng S’tiêng thì anh Điểu Cần lấy ra mấy tờ khai BHYT rồi ghi thông tin các thành viên gia đình chị. Đây là gia đình chị Điểu Thị Thương, có 5 thành viên gồm vợ chồng và 3 người con, tất cả đều thuộc diện phải mua BHYT với số tiền 30.000 đồng/người. Sau khi ghi đầy đủ thông tin và chủ nhà đã ký nhận, đến phần thanh toán tiền thì chị Thương nói nhỏ: “Em chưa có tiền đâu”. Và Trưởng thôn Điểu Cần đành phải linh động… cho thiếu. Khi chúng tôi hỏi chị có biết BHYT dùng để làm gì không, thì chị trả lời: “Tôi đã nghe trưởng thôn giải thích nên biết BHYT rất quan trọng. Gia đình tôi có 5 người nên năm nay mua BHYT hết 150.000 đồng nhưng chưa có tiền đóng nên đành thiếu. Có BHYT thì nếu mình ốm đau, bệnh tật, khi đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh được giảm chi phí thuốc men”.

Áp lực cho các địa phương

Chính sách về BHYT đã góp phần giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh cho người DTTS, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước giảm nghèo. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân, chủ yếu là người DTTS ở Bình Phước, dù kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Khả năng tài chính để mua BHYT một lần cho tất cả thành viên trong gia đình là không dễ.

Trưởng thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp Điểu Cần tuyên truyền lợi ích của bảo hiểm y tế cho người dân trên địa bàn

Trưởng thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp Điểu Cần tuyên truyền lợi ích của bảo hiểm y tế cho người dân trên địa bàn

Anh Điểu Cần, Trưởng thôn Thiện Cư cho biết thêm: “Quá trình vận động người dân tham gia BHYT, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Có những hộ nhận thức được mua BHYT để phòng thân lúc ốm đau hoặc hộ có người nhà đang bệnh phải thường xuyên đi khám, chữa bệnh thì tham gia. Tuy nhiên, không ít hộ muốn mua nhưng không có tiền, cũng có hộ không muốn mua”.

Xã Thiện Hưng đã về đích nông thôn mới nhiều năm, nhưng việc bao phủ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là bài toán khó. Trong ảnh: Nhà văn hóa cộng đồng thôn Thiện Cư

Xã Thiện Hưng đã về đích nông thôn mới nhiều năm, nhưng việc bao phủ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là bài toán khó. Trong ảnh: Nhà văn hóa cộng đồng thôn Thiện Cư

Năm 2023, đồng bào DTTS ở tỉnh thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình sinh sống trên các địa bàn thôn, xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn có quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022-2025, mức đóng BHYT chỉ 5% tổng số tiền (còn lại được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương 30%, ngân sách tỉnh 65%). Song thực tế, việc đồng bào DTTS phải tự đóng góp một phần để mua BHYT đang khiến các địa phương, kể cả xã đã về đích NTM gặp khó trong việc duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT.

Năm 2022, xã Thiện Hưng có 1.772 người, đa số là đồng bào DTTS không còn được hỗ trợ 100% BHYT như trước. Để đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 92% thì năm vừa qua, chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều, vừa vận động đồng bào mua, vừa vận động các hội, đoàn thể địa phương mua cho đoàn viên, hội viên mình và các mạnh thường quân hỗ trợ. Năm nay, chỉ tiêu đưa ra là tỷ lệ bao phủ BHYT của xã đạt 95%, điều này thực sự rất áp lực, nhất là xã đang trong quá trình phấn đấu về đích NTM nâng cao.

Anh NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp

Quang Xuân

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/144630/no-luc-bao-phu-bao-hiem-y-te