Nỗ lực để giảm giờ làm ở Nhật là vô ích?

Ý tưởng làm việc 4 ngày/tuần để người lao động cân bằng cuộc sống và công việc nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, song không ít người nghi ngờ: 'Liệu tôi có thực sự được nghỉ ngơi?'.

Thông tin người lao đông Nhật Bản được giảm giờ làm nhận được nhiều chú ý từ dư luận trong và ngoài nước, theo DW. Nhiều dân mạng hưởng ứng ý tưởng về cuộc sống ít áp lực hơn, nhưng không ít người tỏ ý nghi ngờ.

Momo Nakakita (23 tuổi), chuyên viên tư vấn, nói với VICE cô không nghĩ đề xuất này sẽ trở thành hiện thực, trừ khi chính phủ có thể tác động tới các công ty lớn. "Người Nhật nói chung có xu hướng không nghỉ phép ngày nào", Nakakita nói.

 Nhật Bản có môi trường làm việc áp lực nhất nhì thế giới. Ảnh: Reuters.

Nhật Bản có môi trường làm việc áp lực nhất nhì thế giới. Ảnh: Reuters.

Thực tế, ý tưởng làm việc 4 ngày mỗi tuần mới dừng lại ở mức đề xuất, khuyến nghị từ chính phủ. Các công ty được tự do lựa chọn có áp dụng quy định này với người lao động của mình hay không.

Một số nhà kinh tế Nhật Bản lo ngại rằng các nhà quản lý sẽ khó tiếp nhận đề xuất giảm thời gian làm việc vì sợ ảnh hưởng năng suất công việc, người lao động lại không dám nghỉ vì sợ bị cắt giảm thù lao.

"Chúng ta cần xem xét các cá nhân sẽ nhận được mức an sinh xã hội ra sao trong tương lai", Takuya Hoshino, nhà nghiên cứu kinh tế học, nhận định. Ông nói với VICE rằng thời gian làm việc càng ít lúc trẻ, tiền tích trữ càng ít lúc về già.

Nhà nghiên cứu Hoshino nhấn mạnh kế hoạch chăm sóc sức khỏe người lao động phụ thuộc vào số giờ làm việc. Nếu giảm ngày công, họ có thể phải trả phí bảo hiểm đắt đỏ hơn.

Ngoài ra, các trường mẫu giáo cũng thường nhận các học sinh có cha mẹ làm việc muộn mỗi tuần, nên các nhân viên ít có động lực để làm việc 4 ngày như trên.

Nỗ lực thay đổi văn hóa làm việc

Theo VICE, các doanh nghiệp xứ hoa anh đào nổi tiếng với văn hóa làm việc cực đoan. Việc mất mạng do quá sức nghiêm trọng đến nỗi người dân nơi đây gọi tình trạng này bằng thuật ngữ "karoshi".

Dữ liệu do chính phủ Nhật Bản cung cấp năm 2019 chỉ ra cứ 10 vụ tự sát ở nước này xảy ra thì có một trường hợp liên quan tới áp lực công việc.

Nhằm giải quyết tình trạng này, các nhà lập pháp thông qua một dự luật năm 2018 để sửa đổi luật lao động, hy vọng cải thiện mức độ căng thẳng cho người dân.

Các biện pháp trên dự tính có hiệu lực vào năm 2022, gồm giới hạn số giờ làm, cho phép tối thiểu năm ngày nghỉ phép có lương và phạt hành chính với người sử dụng lao động vi phạm các quy tắc mới.

 Các biện pháp giảm thời gian làm việc cho người lao động Nhật dự kiến có hiệu lực vào năm 2022, nhưng không có nghĩa nhân viên sẽ được nghỉ ngơi hoàn toàn. Ảnh: BBC.

Các biện pháp giảm thời gian làm việc cho người lao động Nhật dự kiến có hiệu lực vào năm 2022, nhưng không có nghĩa nhân viên sẽ được nghỉ ngơi hoàn toàn. Ảnh: BBC.

Song, dù các công ty áp dụng hình thức làm việc 4 ngày/tuần, các nhân viên có thể sẽ không được nghỉ những ngày còn lại do chính phủ khuyến khích người lao động làm thêm nghề tay trái.

"Trước tình trạng già hóa dân số và thiếu nhân lực, chính phủ Nhật Bản khuyến khích người lao động làm thêm công việc thứ 2 để học hỏi kỹ năng mới, áp dụng vào công việc", chuyên gia Hoshino nói.

Ngoài ra, các nhà lập pháp cũng cho rằng khoảng thời gian nghỉ ngơi khỏi công việc sẽ cho người dân thêm cơ hội lập gia đình, giúp đảo người sự suy giảm dân số ở nước này.

Dù ước mơ nghỉ làm 3 ngày mỗi tuần vẫn còn là viễn cảnh xa vời với đa số người Nhật, một số công ty đang chủ động thay đổi văn hóa làm việc, không phụ thuộc vào khuyến nghị của chính phủ.

Tháng 4/2021, công ty nhân sự Recruit đã cho nhân viên nghỉ phép thêm 15 ngày. Chu Ka, người phát ngôn của Recruit, cho biết động thái này nhằm thúc đẩy năng suất và sự sáng tạo.

Ngọc Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/no-luc-de-giam-gio-lam-o-nhat-la-vo-ich-post1234145.html