Nỗ lực hoàn thành mục tiêu chung

Kết thúc năm 2018, số dân nông thôn trên toàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là trên 750.000 người, tăng 40.000 người so với năm 2017. Tỷ lệ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh là 72% (tương ứng với 150.000 gia đình). Tỷ lệ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh là 72%.

Sử dụng nước sạch đã trở thành nhu cầu và mong muốn của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Người dân xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai sử dụng nước sạch.

Sử dụng nước sạch đã trở thành nhu cầu và mong muốn của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Người dân xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai sử dụng nước sạch.

Mục tiêu tỉnh đặt ra đến năm 2020 sẽ có 95% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 75% số hộ dân nông thôn có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Điều đó tương ứng với mục tiêu cụ thể là phải đạt 14.515 số đấu nối cấp nước (với người hưởng lợi từ cấp nước khoảng 56.608 người); 35 xã đạt vệ sinh toàn xã; số nhà tiêu gia đình trên toàn tỉnh được xây mới hoặc cải tạo 5.150 nhà tiêu; số công trình nước sạch, vệ sinh trường học được xây mới và cải tạo là 77 công trình; số công trình nước sạch, vệ sinh trạm y tế là 48 công trình.

Theo ông La Hồng Chung, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (NSH&VSMTNT) thì đây là một nhiệm vụ khá nặng nề bởi: NSH&VSMTNT là lĩnh vực mang tính đặc thù, triển khai ở địa bàn rộng trong toàn tỉnh, đối tượng thực hiện là người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức về sử dụng nước sạch và VSMTNT
còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó là tình trạng sụt giảm, thậm chí nhiều nơi còn cạn kiệt nguồn nước mặt và nước ngầm làm ảnh hưởng đến công suất của các công trình cấp nước. Đồng thời, công tác quản lý vận hành, khai thác công trình sau đầu tư của một số địa phương hưởng lợi trực tiếp chưa tốt nên một số công trình hoạt động kém bền vững.

Để khắc phục những hạn chế này, Trung tâm đã tăng cường công tác tập huấn, truyền thông, tuyên truyền, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hành các hành vi vệ sinh, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành cơ chế chính sách xã hội hóa công tác quản lý sau đầu tư với các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh. Về dịch vụ nước sạch, đơn vị đã trực tiếp quản lý 22 công trình, phục vụ trên 20.000 gia đình và các cơ quan, đơn vị, chất lượng nước đảm bảo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Năm 2019 sắp kết thúc, Trung tâm đang đẩy mạnh việc thực hiện “Dự án mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”. Hiện, Trung tâm đang triển khai cải tạo 9 công trình cấp nước tập trung và bắt tay vào thực hiện các công trình cấp nước tại: Xã Đắc Sơn, Tiên Phong, Đông Cao, Vạn Phái (T.X Phổ Yên); xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai); xã Cù Vân, Hà Thượng, An Khánh (Đại Từ); xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên).

Hy vọng với sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn và ý thức của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, tỉnh ta sẽ hoàn thành mục tiêu 95% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 75% hộ dân nông thôn có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh vào năm 2020.

Kim Ngân - Quốc Phong

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/no-luc-hoan-thanh-muc-tieu-chung-267870-85.html