Nỗ lực thực hiện các mục tiêu kinh tế năm 2018

Ngày 1-1-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Theo đó, Chính phủ đề ra chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm 242 đầu việc cụ thể được giao cho từng cấp bộ, ban, ngành cơ quan T.Ư và địa phương thực hiện, với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả" và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Ðẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước...

Các mục tiêu kinh tế luôn có tầm quan trọng đặc biệt trong kế hoạch phát triển hằng năm của một quốc gia. Bởi vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực công tác được giao, tất cả nhằm tạo cộng lực vì mục tiêu chung của cả nước năm 2018 là phấn đấu GDP tăng 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước ở mức 3,7% GDP; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8 đến 10%, nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 đến 34% GDP, trong đó, vốn đầu tư tư nhân chiếm 41% tổng đầu tư phát triển toàn xã hội; thành lập mới 135 nghìn doanh nghiệp; năng suất lao động xã hội tăng hơn 6%; tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP đạt khoảng 46%; có ít nhất 52 huyện và 37% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu hút khoảng 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 đến 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 4%; đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN - 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh...

Các chỉ tiêu kinh tế được ghi trong Nghị quyết phản ánh những mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp mà Quốc hội và Chính phủ đề ra cho năm 2018, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Những giải pháp đề ra là đồng bộ, đúng hướng, sát thực tế, có tính khả thi, phản ánh tinh thần của Chính phủ kiến tạo có tính hành động cao, đồng thời tạo áp lực và đòi hỏi những nỗ lực to lớn, những đổi mới thực chất, sáng tạo ngày càng cao của mọi cơ quan quản lý nhà nước các cấp, ngành và sự nỗ lực chung của cộng đồng doanh nghiệp và mọi tầng lớp xã hội.

Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018 được ban hành ngày đầu tiên của năm mới thể hiện nhận thức thông suốt, chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng và sớm bắt tay ngay vào công việc từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới; đó cũng thể hiện tinh thần nhất quán trong công tác chỉ đạo, điều hành của một Chính phủ kiến tạo suốt thời gian qua.

Thực tế những năm qua cho thấy, thành công trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, địa phương không dễ dàng đạt được hoặc trông chờ vào sự vay mượn, ban tặng, mà đòi hỏi phải tự đứng trên đôi chân của chính mình. Càng không thể bền vững chỉ bằng hành động duy ý chí, bất chấp các quy luật và quy trình kinh tế. Hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ càng cao khi có sự nhận thức đúng đắn và đồng thuận cao, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, ngành, địa phương và nỗ lực chung của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị; sự kết hợp nhuần nhuyễn, nhanh nhạy trong các phản ứng chính sách và phản ứng thị trường, giữ vững được niềm tin chính trị, lòng tin thị trường, lòng tin của nhà đầu tư, của người dân vào sự liêm chính và kỹ năng xử lý hài hòa lợi ích của những cơ quan và người đứng đầu Nhà nước.

Lòng tin có cơ sở, hành động kiên quyết, nhất quán, có kiểm tra, kiểm soát kịp thời và chặt chẽ... thì thành công càng to lớn và vững chắc.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35219302-no-luc-thuc-hien-cac-muc-tieu-kinh-te-nam-2018.html