Nỗ lực tìm lại vị thế

Bóng bàn quân đội từng nhiều năm khuynh đảo các giải đấu quốc nội, trong đó sân chơi đỉnh cao nhất là Giải bóng bàn vô địch quốc gia.

Nhưng quy luật thể thao không chừa một ai, một đội tuyển nào. Có lúc thịnh rồi cũng có lúc suy. Với bóng bàn quân đội, việc trắng tay ở Giải bóng bàn vô địch quốc gia-Báo Nhân Dân năm 2021 có thể xem đã chạm đáy của sự sa sút và sẽ cần rất nhiều sự hỗ trợ, nỗ lực để tìm lại vị thế hàng đầu của mình.

Một thời để nhớ

Những người gắn bó với bóng bàn quân đội vẫn thường tự hào về truyền thống hào hùng của mình, về một trung tâm bóng bàn từng có lúc được xem là hàng đầu cả nước. Ở đó, có huấn luyện viên (HLV) Tạ Đình Khoa từng khiến bao lớp vận động viên (VĐV) sau này nể trọng cả về tài năng cũng như đức độ. Làng bóng bàn nước nhà vẫn luôn nể phục khi nhớ về HLV Tạ Đình Khoa, người từng nhiều lần dẫn dắt các tay vợt quân đội vào chung kết Giải Bóng bàn toàn quốc-Báo Nhân Dân và giành 4 huy chương vàng (HCV). Đó có thể coi là đỉnh cao của bóng bàn quân đội ở hệ thống giải quốc nội. Tất nhiên, nhắc đến bóng bàn Quân đội phải kể đến những tay vợt tài năng, uy danh như Nguyễn Thế Ngọc, Cao Xuân Ninh, Lê Xuân Phong, Bùi Xuân Hà, Đinh Quang Linh, Dương Văn Nam..., Vũ Thị Noel, Nguyễn Thị Tuyết, Lương Thị Tám... Họ là chứng nhân và tạo nên những khoảnh khắc đầy vinh quang cho thể thao quân đội, thể thao nước nhà.

 Tay vợt Dương Thị Mai đang là thành viên của đội bóng bàn quân đội.Ảnh: Sport

Tay vợt Dương Thị Mai đang là thành viên của đội bóng bàn quân đội.Ảnh: Sport

Trong số này, Đinh Quang Linh là người gần đây nhất đi cùng giai đoạn đầy dấu ấn của bóng bàn quân đội trong làng bóng bàn đỉnh cao nước nhà, với hàng loạt chức vô địch đồng đội, cá nhân tại các giải đấu, trong đó có Giải Bóng bàn toàn quốc-Báo Nhân Dân. Cũng là Đinh Quang Linh đã góp phần mang về 2 HCV cho đội tuyển bóng bàn Việt Nam ở sân chơi SEA Games (năm 2011 và 2017).

Nhưng từ sau khi Đinh Quang Linh, Dương Văn Nam nghỉ thi đấu (cách đây gần 3 năm) trong khi một số tay vợt nam khác chia tay đội, còn nhóm tay vợt nữ lại không có nhân tố nổi bật, vẫn phải trông vào các tay vợt lớn tuổi thì bóng bàn quân đội bắt đầu sa sút ở các giải đấu quốc gia. Đó cũng là hệ quả của một quá trình dài Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội không chuẩn bị chu đáo cho lớp VĐV kế cận cũng như khâu quản lý còn có những vấn đề, dẫn đến việc không định hướng được cho VĐV, để rồi phải chia tay không ít tay vợt nam có đủ tố chất để phát triển. Lúc này, khi tính toán mục tiêu ở Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, các HLV bóng bàn của quân đội cũng chỉ nhắm đến tranh chấp huy chương ở các nội dung đôi, trong khi nội dung đồng đội và đơn hầu như bỏ ngỏ.

Cần lắm sự đầu tư chuyên sâu, dài hơi

Những người gắn bó với bóng bàn quân đội hiểu rõ để lấy lại vị thế một thời không hề đơn giản. Như việc Đinh Quang Linh lên ngôi vô địch đơn nam Giải Bóng bàn toàn quốc-Báo Nhân Dân năm 2008 cũng là lần đầu tiên sau 22 năm bóng bàn quân đội mới có chức vô địch đơn nam quốc gia (tay vợt quân đội vô địch gần nhất trước đó là Lê Xuân Phong). Hay như việc đội quân đội giành chức vô địch đồng đội nam Giải Bóng bàn toàn quốc-Báo Nhân Dân năm 2005 cũng là chức vô địch đồng đội nam đầu tiên sau 16 năm. Còn từ khi tay vợt kỳ cựu Vũ Thị Noel vô địch đơn nữ quốc gia năm 1994 thì đến nay, chưa tay vợt nữ quân đội nào lặp lại thành tích trên.

Tất cả để thấy đường trở lại vinh quang của bóng bàn quân đội không hề đơn giản. Tuy vậy, với một trung tâm bóng bàn giàu truyền thống và nhiều vinh quang như quân đội thì việc trở lại thời kỳ huy hoàng sẽ không quá khó khăn nếu hội đủ nhiều điều kiện.

Rõ nhất là việc đầu tư để lứa trẻ hiện nay có thể sớm đưa bóng bàn quân đội trở lại những cuộc đua tranh chấp huy chương trong tương lai. Hiện tại, lứa VĐV sinh năm 2007 đang được kỳ vọng vì có đủ tố chất để vươn xa. Nếu theo chu kỳ huấn luyện trong điều kiện hiện nay, phải mất 5-7 năm nữa mới có thể đáp ứng kỳ vọng. Nhưng nếu lứa VĐV này được đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài (như Trung Quốc chẳng hạn), thì chu kỳ vươn đến đỉnh cao sẽ ngắn lại. Thực tế, nhiều tay vợt của Hà Nội như Nguyễn Nam Hải, Lê Huy, Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Thị Nga... đều thành công, vươn lên đỉnh cao nhờ đi tập huấn dài hạn ở Trung Quốc. Trước đây, tay vợt quân đội Lê Tiến Đạt sớm vươn lên đẳng cấp hàng đầu quốc gia cũng nhờ tập huấn dài hạn ở Trung Quốc, chủ yếu bằng kinh phí của gia đình.

Rất cần những chủ trương đúng đắn, mang tầm dài hạn để bóng bàn quân đội mau chóng lấy lại vị thế. Nếu chỉ trông vào ngân sách như hiện nay để đầu tư cho đội thì cũng khó. Nhưng nếu có sự đồng hành, hỗ trợ của doanh nghiệp để tiếp sức cho các VĐV quân đội, giúp họ được thi đấu quốc tế nhiều hơn, thậm chí có được chuyên gia nước ngoài giỏi, thì đường đến thành công chắc chắn sẽ rộng mở hơn. Thực tế, đây là câu chuyện vừa khó vừa dễ, bởi thương hiệu bóng bàn quân đội nói riêng, thể thao quân đội nói chung vẫn có sức hút lớn, không thiếu doanh nghiệp muốn đồng hành. Vấn đề nằm ở chủ trương và cách thực hiện của những người có trách nhiệm.

MINH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/no-luc-tim-lai-vi-the-681632