Nợ từ đầu tư các dự án BOT: Lỗi hệ thống hay do 'đếm cua trong lỗ'?

Trong danh sách các khoản vay gây nhiều rủi ro, tạo thành nợ lớn cho ngành ngân hàng, cho vay các dự án BOT đang được xếp đầu bảng. Chuyện đã được cảnh báo từ lâu và đã lên bàn nghị sự quốc hội, nhưng giải quyết như thế nào vẫn là điều cần bàn luận.

Gánh nặng nợ vì BOT, BT

Theo số liệu thống kê từ ngành ngân hàng, tính đến ngày 31-3-2019, đã có 24 tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho 105 dự án BOT, BT giao thông, trong đó có 93 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Trong số 93 dự án hoàn thành, có 30 dự án có doanh thu thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khá lớn.

Đáng chú ý, là từ đầu năm 2019 đến nay, tỷ lệ nợ xấu trong dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông bắt đầu tăng nhanh, chủ yếu do doanh thu thu phí không đạt như dự kiến vì lưu lượng phương tiện thực tế thấp hơn so với dự kiến hợp đồng; do phân lưu lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành; do trạm thu phí chưa được đưa vào khai thác hoặc thời gian đưa vào thu phí chậm so với hợp đồng; do phải giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và miễn giảm phí cho khu vực lân cận trạm thu phí hoặc chưa được tăng giá vé so với lộ trình cam kết…

Trạm thu phí BOT Nam Bình Định trên quốc lộ 1 đoạn qua thị xã An Nhơn. Ảnh: M.Hoàng.

Trạm thu phí BOT Nam Bình Định trên quốc lộ 1 đoạn qua thị xã An Nhơn. Ảnh: M.Hoàng.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nguồn vốn của ngân hàng hiện nay trên 60% là kỳ hạn dưới 12 tháng, trong khi cho vay các dự án BOT, BT đa phần đều là những dự án đầu tư dài hạn, có khi lên đến 25 - 30 năm mới được chuyển giao. Như vậy nếu “lấy ngắn nuôi dài” chắc chắn rủi ro sẽ vô cùng lớn. Hơn nữa, tài sản đảm bảo cho các dự án BOT, BT chủ yếu hình thành từ vốn vay nên khó định giá. Nếu khi đưa vào khai thác, doanh thu không đạt như kế hoạch thì sẽ rất khó cho ngân hàng trong thu hồi vốn, xử lý tài sản đảm bảo.

Đồng quan điểm về việc cho vay BOT rủi ro cao, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, lượng hóa rủi ro sẽ lớn hơn doanh nghiệp thông thường với trọng số rủi ro lên tới 160%, trong khi doanh nghiệp thông thường chỉ là 100%.

Trong khi đó, quy trách nhiệm cụ thể hơn, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng nợ xấu của BOT bắt nguồn từ những tính toán sai lầm của bên tham gia ngay từ đầu, bởi vì họ nghĩ họ thực hiện như kế hoạch về thu, nên từ ban đầu đã dễ dãi chi phí, đẩy số tiền đầu tư lên cao, thậm chí là cả “chi phí bôi trơn” cao. Nhưng vì người dân phản ứng là ngoài tính toán ban đầu. Khi không thu được, mà chi thì đã thực hiện (ít nhất họ báo cáo thế), nên gây ra nợ xấu.

“Kinh doanh thì rủi ro, khó khăn chỗ này chỗ kia là bình thường, nhưng ở đây, theo tôi là lỗi hệ thống ngay từ đầu. nếu tính toán công minh, công bằng, vì quyền lợi của người dân ngay từ đầu, thì sẽ tính nguồn thu khiêm tốn hơn, sẽ chi phí chặt chẽ ngay từ đầu, không gây ra tình trạng rủi ro”, TS Thành góp ý.

Đa dạng hóa nguồn vốn cho BOT

Nguyên nhân đã rõ, vậy giải pháp xử lý như thế nào? Cũng theo TS Nguyễn Đức Thành, việc xem xét nợ xấu, thì vẫn phải xử lý theo kỹ thuật, nhưng nên rà soát lại toàn bộ kế hoạch ban đầu, các khoản chi có hợp lệ hay không sẽ ra vấn đề để quy trách nhiệm.

Đại diện ngành ngân hàng thông tin cơ quan này không khuyến khích đầu tư vào các dự án BOT, tuy nhiên, riêng với các dự án trọng điểm quốc gia như tuyến cao tốc Bắc - Nam, ngành ngân hàng sẽ có trách nhiệm cung ứng vốn trên cơ sở đảm bảo an toàn, nhưng Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết theo quy định, các ngân hàng chỉ được sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, thời gian tới, tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 30%.

Doanh thu không đạt dự kiến khiến các khoản cho vay dự án BOT thành nợ xấu.

Doanh thu không đạt dự kiến khiến các khoản cho vay dự án BOT thành nợ xấu.

Trong khi hầu hết các dự án BOT giao thông lại vay vốn dài hạn từ 10-15 năm, nên khi cho vay, các ngân hàng phải tính tới các vấn đề về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, “trần” tín dụng, hệ số an toàn vốn (CAR)… Nếu các ngân hàng cho vay không kịp bổ sung vốn tự có thì khả năng cho các dự án BOT vay vốn là không cao, trong khi ngân hàng còn phải cung ứng tín dụng cho các lĩnh vực khác.

Góp ý giải pháp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc cung ứng vốn cho các dự án dài hạn như BOT phải dựa vào thị trường vốn, đa dạng hóa nguồn vốn, trong đó, vốn tự có của chủ đầu tư chiếm khoảng 15-20%, vốn của ngân hàng chiếm 40-50%, huy động vốn từ trái phiếu 20-25% (trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ), phần còn lại là vốn vay các tổ chức quốc tế.

Còn TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, để triển khai các dự án BOT hiệu quả, nên sàng lọc những nhà đầu tư mỏng vốn. Với những nhà đầu tư chỉ dựa vào vốn vay của ngân hàng, không nên cho tham gia vì sẽ rất rủi ro.

Hà An

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/no-tu-dau-tu-cac-du-an-bot-loi-he-thong-hay-do-dem-cua-trong-lo-570161/