Nỗi ám ảnh của con gái nạn nhân trong vụ giết vợ rồi chặt xác phi tang xuống sông Đuống

'Nỗi đau này sẽ theo gia đình tôi suốt cuộc đời, hành vi tàn ác của bị cáo là mất hết tính người, không thể tha thứ', con gái nạn nhân khóc nghẹn, nói trong nước mắt.

Sau gần 2 ngày xét xử và nghị án, sáng 1-9, TAND thành phố Hà Nội đã đưa tuyên phạt bị cáo Đỗ Ngọc Anh (56 tuổi, huyện Đông Anh, Hà Nội) mức án tử hình về tội giết người. Ngoài ra, bị cáo Đỗ Ngọc Anh phải bồi thường trách nhiệm dân sự cho gia đình bị hại số tiền hơn 900 triệu đồng.

Nạn nhân trong vụ án là bà Đ.T.H. (50 tuổi, vợ bị cáo, đã có con riêng trú tại thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội).

HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây đau thương cho gia đình bị hại. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà bị cáo đã đoạt mạng vợ.

"Hành vi của bị cáo là đặc biệt man rợ. HĐXX nhận thấy cần cách ly vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội", chủ tọa nói.

Tại tòa, chị Lê Thu H. (con gái nạn nhân) liên tục bật khóc, lên án hành vi tội ác của đối tượng tàn nhẫn ra tay sát hại, phân xác phi tang chính mẹ đẻ của mình. Hành vi của bị cáo đã gây ra cho gia đình chị bao nhiêu đau xót, tốn kém bao nhiêu tiền của, công sức và thời gian, nhưng đến giờ gia đình chưa tìm được thi thể của mẹ về thờ cúng theo phong tục.

Thậm chí, đến khi xét xử mà bị cáo Ngọc Anh còn leo lẻo chối tội, không thừa nhận hành vi chặt xác, phi tang xác bà H. xuống sông Đuống khiến gia đình nạn nhân càng thêm căm phẫn. Nỗi đau nhân lên gấp bội, chị Hường không kìm nén được phải thốt lên: “Bị cáo vẫn coi thường pháp luật, thể hiện sự ngông cuồng, phần trả lời của bị cáo, không ai nghe được, tôi muốn bị cáo cũng bị đày đọa, chịu nỗi đau thân xác không liền như bị cáo đã làm với mẹ tôi…”.

Chị Hường liên tục nhấn mạnh, Tòa án cần phải xử lý nghiêm khắc đối với những kẻ phạm tội nguy hiểm như tên Ngọc Anh để làm gương cho kẻ khác; làm yên lòng người quá cố.

Bản thân là một người con, chị Hường sẽ khó mà nguôi ngoai trước sự ra đi đau đớn của mẹ, nhất là đến nay chưa thể tìm thấy thi thể, đưa mẹ về an nghỉ.

Bài học từ những vụ án đau lòng

Có những mâu thuẫn rất nhỏ, có thể đối thoại, cùng nhau giải quyết được; song vì thói ích kỷ, quá đề cao "cái tôi" nên từ mâu thuẫn nhỏ trở thành mâu thuẫn lớn, dẫn đến chán ghét nhau, soi mói những lỗi lầm của nhau, ngoại tình... Có nhiều cặp vợ chồng không tìm được cách hóa giải mâu thuẫn, nhưng lại không tìm cách "giải thoát" cho nhau, sống trong cảnh căng thẳng rất dễ nảy sinh những va chạm từ lời nói đến hành động.

Hậu quả của những vụ nêu trên, là người thì mất mạng, người vào vòng lao lý, bị sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Song điều đau xót hơn cả là họ đã để lại một vết hằn, cú sốc tâm lý lớn cho gia đình, họ hàng hai bên nội ngoại, đặc biệt là những đứa trẻ vô tội là con cháu của họ.

Vì vậy, để ngăn chặn những vụ trọng án trong gia đình nêu trên thì việc phát hiện, hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ gia đình của người thân, của các đoàn thể xã hội địa phương, của chính quyền... là hết sức quan trọng.

Đây cũng là vấn đề cần được xem xét, nhìn nhận lại để ngăn chặn những mâu thuẫn có thể là mầm mống của những vụ trọng án làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/noi-am-anh-cua-con-gai-nan-nhan-trong-vu-giet-vo-roi-chat-xac-phi-tang-xuong-song-duong-post94704.html