Nơi ấy có chân trời sóng vỗ

Chúng tôi ra đảo Bạch Long Vĩ, hòn đảo xa bờ nhất của Việt Nam trên vịnh Bắc Bộ, cách đất liền khoảng 140km, nằm tại khu vực trung tâm của vịnh Bắc Bộ, có một lịch sử kiên trung, oai hùng…

Chúng tôi ra đảo Bạch Long Vĩ, hòn đảo xa bờ nhất của Việt Nam trên vịnh Bắc Bộ, cách đất liền khoảng 140km, nằm tại khu vực trung tâm của vịnh Bắc Bộ, có một lịch sử kiên trung, oai hùng… Đoàn ra chiếm trọn một chuyến tầu, hầu hết là nhà báo của các cơ quan báo chí, họ đem theo một ý tưởng mới “Mang chất Trường Sa về Bạch Long Vĩ”.

Đoàn công tác tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân đảo Bạch Long Vĩ.

Đoàn công tác tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân đảo Bạch Long Vĩ.

Con tầu nhổ neo, kéo một hồi còi dài rồi rẽ sóng ra biển. Cả giờ nó chạy qua những bến đỗ, cầu tầu, cầu trục, rồi lô nhô những ngọn núi phía Cát Hải, Cát Bà.

Bất giác tôi nhớ lại huyền sử xa xưa… Một con rồng khổng lồ, đầu rồng gác đỉnh Phan Xi Păng tạo nên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, thân rồng uốn lượn tạo những dải núi hình thành nên những Tam Đảo, Ba Vì. Cứ thế, các xương lưng rồng là dải núi thấp dần ra biển và ở nơi luôn có sóng bạc đầu ấy là đuôi con rồng trắng.

Huyền sử có trong dân gian Đại Việt mấy nghìn năm, đã dậy cho con cháu về sự linh thiêng, về sự thống nhất, bất khả chia cắt trong cơ thể đất nước con rồng cháu tiên.

Chúng tôi lên đảo trong sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo, thanh niên xung phong và nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ. Theo lịch công tác, có khoảng 15 hoạt động trong 2 ngày của Đoàn tại đảo…

Chúng tôi tới viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Bạch Long Vĩ, nơi ghi danh 19 liệt sĩ hy sinh trong những trận chiến giữ đảo cũng như trong xây dựng đảo ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.

Đoàn chúng tôi làm lễ chào cờ Tổ quốc trang nghiêm, tổ chức trồng 2 cây bàng vuông do nhà báo Lò Anh Hiếu, Báo Công an nhân dân khi nhận được thông tin về Chương trình, đã kết nối với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa gửi tặng ra trồng tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Đoàn thăm, tặng quà bộ đội Biên phòng; tặng quà Tổng đội TNXP, lực lượng nòng cốt của đảo; tặng 100 lá cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân, tặng 600 quyển vở và 1 tủ sách do Công ty Canon Lê Bảo Minh tài trợ; 33 thùng sữa đậu nành Vinamilk; 1.000 sách truyện thiếu nhi do giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội) ủng hộ cho huyện đảo cùng nhiều thuốc, nhu yếu phẩm; tặng 15kg chè Thái Nguyên cho các đơn vị.

Tham gia Đoàn, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã mở các lớp tập huấn về sơ cấp cứu cho các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Long Vĩ, giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở trên đảo…

Bạch Long Vĩ chỉ rộng chừng 3km vuông, chiều dài là chính, với dẫy núi lưng đuôi rồng nằm giữa. Trên cái lưng tuyệt đẹp ấy có ngọn hải đăng dẫn đường tầu bè, có trạm ra - đa, cột điện gió, sân pin mặt trời và cả ngôi chùa cổ kính phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng cho người dân.

Xung quanh đảo là bến tầu, âu tầu, cảng và nhà máy sơ chế hải sản. Điện tạm đủ dùng, nước ngọt ổn, các công trình phục vụ dân sinh tàm tạm. Còn lại là vị trí cực kỳ quan trọng, là tiềm năng và lợi thế…

Đồng chí Đào Minh Đông, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo, chia sẻ: 30 năm thành lập huyện đảo, khó khăn thiếu thốn thì nhiều nhưng khả năng chống chịu, vượt khó khăn là phẩm chất cao đẹp nhất mà cán bộ và nhân dân trên đảo rèn luyện được. Để nơi đảo xa này mãi mãi là tiền tiêu, “người lính canh giữ Tổ quốc” thì cần có đầu tư lớn và hiện đại hơn nữa. Ngoài cơ sở vật chất, các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giao thông thủy, hàng không… Rất cần một chính sách đặc thù cho các đảo tiền tiêu như Bạch Long Vĩ.

Tôi dành phần còn lại của bài viết để kể về cuộc nói chuyện với anh Trần Văn Hiên, Liên đội trưởng TNXP tại đảo. Anh cho biết: Anh, gia đình anh là lớp TNXP đầu tiên ra đảo. Bây giờ các con vào học và công tác trong đất liền, anh ở lại đảo và chưa có cách gì để thế hệ sau học tập và công tác tại đảo xa là quê hương của các cháu.

Tìm hiểu từ anh Hiền, qua tài liệu anh viết, tôi biết câu chuyện là thế này: Cách đây 30 năm, ngày 26/3/1993, 62 TNXP đã tình nguyện vượt sóng gió đến với Bạch Long Vĩ vào đúng dịp thành lập huyện đảo.

Lúc này đảo rất hoang sơ, chỉ có cát đá và xương rồng, không có dân cư sinh sống, cơ sở hạ tầng chỉ là các công trình phục vụ cho công tác quốc phòng, điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, đất đai canh tác ít, nguồn nước sinh hoạt hạn hẹp, sóng to gió lớn, phương tiện đi lại vô cùng khó khăn. Nhưng với lòng quyết tâm vượt khó và tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, những bàn tay khối óc của những TNXP Bạch Long Vĩ thời kỳ đầu ấy đã biến những bãi cát sỏi đá cằn cỗi thành những dãy nhà, những hộ gia đình, khu chăn nuôi, vườn rau xanh tươi để ổn định cuộc sống.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, đảo thanh niên Bạch Long Vĩ thực sự có nhiều đổi thay. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng đội TNXP Hải Phòng và tinh thần xung phong, tình nguyện, cán bộ, đội viên Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ đã tham gia triển khai 12 dự án với tổng mức đầu tư trên 260 tỷ đồng tại Bạch Long Vĩ, trong đó chủ yếu là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ và phát triển môi trường, môi sinh.

Các công trình xây dựng hiện đang được quản lý, khai thác sử dụng đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, đội viên TNXP nói riêng và người dân Bạch Long Vĩ nói chung…

Tôi thức dậy vào lúc mặt trời chưa lên. Biển trong xanh và sóng nhè nhẹ vỗ bờ. Nằm giữa trùng dương, đúng nơi này không chỉ có chân trời và sóng vỗ mà ở đó còn thổn thức những trái tim và nhiệt huyết. Ai đó có câu nói rất đúng: Tổ quốc phải nhìn từ biển.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phong-su-ghi-chep/202306/noi-ay-co-chan-troi-song-vo-7692bc1/