Nơi chắp cánh ước mơ cho học sinh đồng bào dân tộc Đan Lai

5 giờ 30 phút sáng, sau tiếng còi báo thức vang lên, 82 em học sinh là người dân tộc Đan Lai ở khu ký túc xá của Trường Trung học cơ sở (THCS) Môn Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng có mặt xếp hàng ngay ngắn tập thể dục buổi sáng theo hiệu lệnh của Thiếu tá Phan Văn Thắm, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh hướng dẫn các em học sinh ở khu ký túc xá làm đèn Trung thu để chuẩn bị tổ chức Chương trình “Biên cương - Đêm hội trăng rằm” do Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hà Mi

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh hướng dẫn các em học sinh ở khu ký túc xá làm đèn Trung thu để chuẩn bị tổ chức Chương trình “Biên cương - Đêm hội trăng rằm” do Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hà Mi

Đứng từ xa nghe các khẩu lệnh của cán bộ Biên phòng phát ra, cứ ngỡ đây là đơn vị Quân đội. “Các con! 4 hàng ngang tập hợp”- khẩu lệnh từ Thiếu tá Phan Văn Thắm hô vang dứt khoát. Những bước chân thoăn thoắt xếp hàng ngay ngắn, chỉnh tề với những động tác tập thể dục dứt khoát, thành thục.

Cứ như vậy, từ lúc báo thức đến khi đi ngủ, những cán bộ Biên phòng ở khu ký túc xá vẫn miệt mài chăm sóc, chỉ bảo các em học sinh nơi đây như những đứa con thân yêu của mình.

Tổ công tác “cắm trường” đặc biệt

Trường THCS Môn Sơn đóng tại xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Phần lớn học sinh của trường là người Thái, sinh sống ở các bản lân cận và giao thông đến trường cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, trường có 82 em người Đan Lai - một trong 11 dân tộc thiểu số rất ít người của cả nước, chỉ phân bố tại Nghệ An. Gia đình các em ở bản Khe Búng và bản Cò Phạt - nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Khi học tiểu học, các em có điểm trường lẻ trong bản, nhưng lên THCS thì phải ra trung tâm xã với quãng đường 15-20km đèo dốc hiểm trở hoặc ngồi thuyền vượt sông Giăng.

Để giúp đỡ học sinh Đan Lai, từ năm 2018, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã quan tâm xây dựng khu nội trú riêng để các em ổn định chỗ ở đi học. Bên cạnh đó, các em được hỗ trợ chế độ tiền ăn theo quy định của Nhà nước. Khu ký túc xá được xây dựng có đầy đủ tiện nghi, được sắp xếp có khu nhà ăn tập trung. Khu nhà ở được thiết kế xây dựng 2 tầng, phòng ngủ có vệ sinh khép kín, mỗi phòng được bố trí 4 giường tầng cho 8 em học sinh.

Các em ở khu ký túc xá này, 100% thuộc hộ nghèo nên phụ huynh hầu như không có điều kiện chăm lo cho con cái đi học xa nhà. Mọi vấn đề từ học tập, sinh hoạt đều do nhà trường phụ trách. “Cái khó nhất là do các em sống biệt lập trong núi sâu nên tính cách còn có phần “hoang dã”, kỹ năng giao tiếp hạn chế, ngại tiếp xúc với người lạ, phản kháng trước sự quan tâm của mọi người. Đặc biệt, các em học sinh người Đan Lai còn có thói quen làm việc gì cũng theo nhóm nên nếu một em bỏ học thường sẽ rủ theo hàng chục bạn khác trong bản cùng nghỉ” - thầy giáo Lê Duy Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn cho biết.

Trước thực tế này, năm 2019, Trường THCS Môn Sơn phối hợp cùng Đồn Biên phòng Môn Sơn thành lập tổ công tác “cắm trường” đặc biệt. Tổ công tác gồm có 3 cán bộ thuộc Đồn Biên phòng Môn Sơn thường xuyên đến trường cùng Ban giám hiệu và thầy cô giáo quản lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh...

Tổ công tác đặc biệt này được bố trí ở chính giữa trên tầng 2. Tại đây, các cán bộ Biên phòng thường xuyên quản lý, kèm cặp, chăm sóc, giúp đỡ, chỉ bảo các em từ việc học hành đến sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Các anh thực sự như những người bố, người chỉ huy ở khu ký túc xá này.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh - một trong 3 thành viên tổ công tác và cũng là cán bộ nữ Biên phòng duy nhất ở trường nhớ lại ấn tượng đầu tiên khi đến khu nội trú là hình ảnh hàng chục cháu gái đang mặc nguyên quần áo khi tắm. Các em mới từ trong bản ra, chưa biết cách sống tập thể và kể cả vệ sinh cá nhân cơ bản.

“Hoàn cảnh các cháu thật đáng thương. Tôi tự nhủ phải có trách nhiệm giúp đỡ, chăm lo, đồng hành nhiều hơn với các cháu. Ban đầu cũng rất khó khăn vì các cháu sợ và phản kháng sự quan tâm của người khác. Dần dần các cô chú Biên phòng gần gũi, trò chuyện nhiều, lũ trẻ mới mở lòng, xóa bỏ mặc cảm và nghe lời chỉ dạy” - Trung tá Thanh kể.

Hết lòng vì học sinh thân yêu

Được phân công đảm nhiệm phụ trách tổ công tác đặc biệt tại khu ký túc xá của Trường THCS Môn Sơn từ năm 2019, Thiếu tá Phan Văn Thắm vừa trực tiếp phối hợp với nhà trường duy trì nền nếp, chế độ học tập, vừa giúp đỡ, hướng dẫn các học sinh người Đan Lai trong quá trình sinh hoạt và học tập. Đây thực sự là nhiệm vụ hết sức khó khăn với bản thân Thiếu tá Thắm. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm và trách nhiệm của người lính, anh chủ động tìm tòi, học hỏi cách làm, kinh nghiệm của các trường thiếu sinh quân, các khóa học trong học kỳ Quân đội..., từ đó, áp dụng các nội dung phù hợp với khu ký túc xá bán trú.

Thiếu tá Phan Văn Thắm bế em Ngân Văn Trọng đi cấp cứu vào tối 13/5 vừa qua. Ảnh: Hà Mi

Thiếu tá Phan Văn Thắm bế em Ngân Văn Trọng đi cấp cứu vào tối 13/5 vừa qua. Ảnh: Hà Mi

Để duy trì nền nếp học tập ở khu ký túc xá, Thiếu tá Thắm đã xây dựng thời gian biểu trong ngày. Theo đó, buổi sáng, anh gọi các em dậy tập thể dục bằng hiệu lệnh còi; sau đó, hướng dẫn các em gấp chăn màn, vệ sinh nhà cửa, cá nhân, chủ động ăn uống, chuẩn bị sách vở, đến trường học tập. Buổi trưa, anh duy trì cho các em ăn cơm, ngủ nghỉ và đến giờ buổi chiều lên lớp học tập.

Sau ca học chiều, các em vui chơi thể dục, thể thao, trồng và chăm sóc rau xanh để bổ sung thêm dinh dưỡng cho bữa ăn. Buổi tối, các em được hướng dẫn ôn bài và đi ngủ đúng giờ. Vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, một số em xin phép về thăm nhà, số còn lại ở ký túc xá vẫn được duy trì và hướng dẫn tham gia các hoạt động phù hợp...

Cùng với đó, để trang bị thêm kỹ năng cho các em, Thiếu tá Thắm đã phối hợp với nhà trường thành lập một tổ văn nghệ gồm 12 học sinh; đồng thời tham mưu, đề xuất chỉ huy đơn vị tổ chức cho đoàn viên, thanh niên của đơn vị phối hợp với Đoàn thanh niên xã và các chi đoàn bạn tổ chức mỗi tháng một lần giao lưu văn hóa, văn nghệ tại trường. Để động viên học sinh, hằng tháng, anh Thắm tổ chức bình xét để biểu dương, khen thưởng các em gương mẫu trong học tập, sinh hoạt.

Nhắc đến kỷ niệm không thể nào quên, Thiếu tá Phan Văn Thắm nhớ lại: “Tối 13/5 vừa qua, em Ngân Văn Trọng, học sinh lớp 7A2, Trường THCS Môn Sơn ở khu ký túc xá kêu đau bụng. Tôi đã có mặt để xoa dầu gió. Tuy nhiên, Trọng vẫn kêu đau dữ dội hơn. Ngay trong đêm, tôi đã tức tốc đưa Trọng đến bệnh viện để cấp cứu. Tại đây, Trọng được các bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa cấp và phải mổ ngay. Đến 12 giờ đêm, ca mổ diễn ra thành công. Các bác sĩ nói, nếu chậm chút nữa là sẽ nguy hiểm đến tính mạng của Trọng”.

Đến nay, các em học sinh Đan Lai đã mạnh dạn, tự tin hơn, không còn bỡ ngỡ, e ngại như những ngày đầu. Việc sinh hoạt, học tập đã đi vào nề nếp; không có học sinh bỏ học giữa chừng; đặc biệt là các em đã biết tự lập hơn trong các hoạt động. Các em luôn coi Thiếu tá Thắm như người cha thứ hai của mình. Em La Vi Đạt, học sinh lớp 8, Trường THCS Môn Sơn chia sẻ: “Em được bố Thắm dạy cho nhiều điều bổ ích và được sinh hoạt vui chơi với các bạn nên em cũng đỡ nhớ nhà, yên tâm học tập”.

Hà Mi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/noi-chap-canh-uoc-mo-cho-hoc-sinh-dong-bao-dan-toc-dan-lai-post466704.html