Nỗi đau người ở lại

Tác hại và hệ lụy ma túy gây ra cho cộng đồng đã không còn là câu chuyện mới. Ma túy cũng là thủ phạm gây nên biết bao bi kịch cho các gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự.

Thân nhân bị cáo Giàng Chứ Xeng đã khóc khi nghe Tòa tuyên án tại phiên xét xử lưu động.

Thân nhân bị cáo Giàng Chứ Xeng đã khóc khi nghe Tòa tuyên án tại phiên xét xử lưu động.

Nỗi đau của những người ở lại

Nếu như các đối tượng phạm tội ma túy đang phải trả giá đắt cho hành động của mình phía sau song sắt nhà tù thì nỗi đau của những người ở lại cũng thật đáng nói.

Lò Văn Thinh, sinh năm 1990, trú tại thôn Hà Khem, xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ bị Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh xử phạt 16 năm 6 tháng tù về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”. Đây là một trong những vụ án ma túy được TAND tỉnh đưa ra xét xử lưu động vừa qua.

Trong khi phiên tòa xét xử lưu động sơ thẩm Lò Văn Thinh, vợ của Thinh là Hoàng Thị Bến có mặt. Ngày Lò Văn Thinh phạm tội bị bắt, Hoàng Thị Bến mang thai tháng thứ 8, giờ thì con gái của Thinh và Bến đã được 4 tháng tuổi. Theo quy định, trẻ em dưới 16 tuổi không được phép vào bên trong phiên tòa xét xử.

Giữa cái nắng gắt tháng 6, bên ngoài phiên tòa, ông, bà nội, ông ngoại và chú ruột thay nhau dỗ dành con gái của Thinh mà không thể làm em bé nín khóc. Bé gái còn quá nhỏ để cảm nhận nỗi đau và những gì bố mẹ em đang phải trải qua.

Sau gần 20 phút không ngừng nghe thấy tiếng khóc của em bé, Hội đồng xét xử đã phải quyết định cho Hoàng Thị Bến ra ngoài dỗ con. Ngồi thất thần dưới bậc hành lang của TAND huyện Văn Chấn, vừa cho con bú vừa gạt nước mắt, Bến lí nhí: "Con em thật tội nghiệp, chẳng khác nào mồ côi cha. Đến khi chồng em ra tù, con em có lẽ đã học xong cấp 2. Em cũng không thể hiểu nổi vì sao chồng em lại lao vào con đường mua bán ma túy. Em chỉ mong sao chồng em thật sự nhận thức được sai lầm, cải tạo tốt để sớm được về với gia đình”.

Tranh thủ trong giờ chờ Hội đồng xét xử nghị án, được sự cho phép của lực lượng công an và tòa án, người phụ nữ dân tộc Mông với khuôn mặt đầy khắc khổ, năm nay ngoài 80 tuổi chạy lại ôm chầm con trai khóc nức nở. Đó là bị cáo Giàng Chứ Xeng (sinh năm 1968), trú tại thôn Chống Tầu, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu. Giàng Chứ Xeng bị TAND tỉnh xử phạt 17 năm tù về tội "Mua bán trái phép chất ma túy”.

Phía sau là các con của bị cáo Giàng Chứ Xeng cũng đang bấu víu lấy nhau òa khóc. Có lẽ, họ sợ rằng mẹ già sẽ chẳng đợi được đến lúc Xeng thụ án trở về và sợ rằng Xeng tuổi đã cao, sống những ngày tháng chịu án trong tù sẽ càng khó khăn hơn. Hình ảnh đứa trẻ mới chỉ 4 tháng tuổi, chờ nếu bố đi tù về đã khôn lớn trưởng thành... Hình ảnh người mẹ già và những đứa con ngồi ôm nhau khóc từ khi bắt đầu cho đến lúc phiên tòa kết thúc...

Bản án tính bằng hàng chục năm, gần hai chục năm dành cho các bị cáo phạm tội về ma túy khiến ai tham dự phiên xét xử cũng thấy nặng lòng. Vậy mới thấy, nỗi đau mà ma túy gây ra cho những người ở lại rất lớn.

Nước mắt không giúp xóa đi tội lỗi

Những năm qua, tệ nạn ma túy ở Yên Bái vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự gia tăng của nhiều loại ma túy mới, ma túy tổng hợp. Ma túy cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS...

Chỉ vì siêu lợi nhuận trước mắt mà nhiều đối tượng bất chấp, lún sâu vào con đường phạm tội, hủy hoại biết bao con người, phá vỡ hạnh phúc nhiều gia đình. Phía sau song sắt nhà tù là cái giá đắt phải trả cho những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.

Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những ai muốn kiếm lời bất chính từ ma túy để rồi những giọt nước mắt muộn màng không giúp xóa đi những tội lỗi mà họ đã gây ra. Hơn thế, đằng sau đó còn là nỗi dằn vặt khi nghĩ về người thân, về gia đình.

Mai Linh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/286856/noi-dau-nguoi-o-lai.aspx