Nỗi đau và lời cảnh tỉnh

Thời gian qua, liên tục những vụ đuối nước thương tâm xảy ra trong cả nước, cướp đi hàng chục mạng người, nhiều nhất là ở lứa tuổi học sinh. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm cả nước có khoảng 2 nghìn trẻ em tử vong do đuối nước và trở thành quốc gia có tỷ lệ trẻ đuối nước cao trong khu vực Đông Nam Á và gấp 10 lần các nước phát triển.

Tại Bắc Giang, năm nào cũng có hàng chục vụ đuối nước xảy ra, trong đó có những vụ đuối nước tập thể. Ngày 16/4 vừa qua, nhân buổi chiều được nghỉ học, nhóm học sinh ở Trường Tiểu học Quý Sơn số 1, huyện Lục Ngạn rủ nhau ra ngọn hồ Làng Thum chơi. Trong quá trình chơi đùa, không may 3 cháu, gồm: Nguyễn Văn Ph., Lý Văn K. và Lý Văn K. (là hai anh em ruột) trượt chân ngã xuống hồ dẫn tới đuối nước. Được biết ở hồ này đã từng nhiều lần có các trường hợp bị đuối nước.

Mỗi khi vụ việc liên quan đến đuối nước xảy ra là một lần nữa để lại sự đau xót, day dứt, ân hận và hai tiếng “giá như” của người lớn. Và cứ mỗi khi mùa hè đến, tai nạn đuối nước ở trẻ em lại nhiều lên. Cho dù chúng ta vẫn khẳng định công tác phòng, tránh đuối nước có chuyển biến tích cực, song những cái chết thương tâm vẫn cứ xảy ra. Làm gì để không còn nỗi lo đuối nước ở trẻ em vẫn luôn là câu hỏi đang đặt ra với cả cộng đồng ?

Các chuyên gia phân tích, các vụ tai nạn đuối nước diễn ra do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ em tự do vui chơi tại những nơi có mối hiểm họa này chiếm 33% tổng số vụ tai nạn. Một nguyên nhân khác là tỷ lệ trẻ biết bơi và có kỹ năng an toàn trong môi trường nước còn rất thấp. Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình hoặc bị đuối nước ngay cả ở trong bể bơi có nhiều người.

Mùa hè đang đến gần, thời tiết bắt đầu chuyển sang nắng nóng, tình trạng đuối nước trẻ em sẽ lại tái diễn. Dù hồi chuông cảnh báo đã gióng lên từ lâu, nhưng dường như tai nạn đuối nước vẫn chực chờ, đòi hỏi các cơ quan chức năng, cơ sở giáo dục và ngay trong mỗi gia đình, cá nhân cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, tránh đuối nước, bảo vệ trẻ em.

Nhiều ý kiến cho rằng để tạo ra môi trường an toàn cho trẻ em cần sự quan tâm sát sao hơn nữa của chính quyền địa phương cũng như nhận thức từ mỗi gia đình, người dân cùng ngăn chặn các nguy cơ đuối nước. Ví như rào chắn xung quanh các khu vực nguy hiểm; thường xuyên rà soát, bổ sung biển cảnh báo ở nơi sông, suối, ao, hồ, vực sâu… Gia đình, nhà trường tăng cường giám sát và quản lý, định hướng kỹ năng sinh tồn cho trẻ, trong đó, có kỹ năng an toàn trong môi trường nước, trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng bơi lội, cách xử lý tình huống khi bơi.

Bên cạnh đó cần có sự phối hợp vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên trong tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, hấp dẫn để thu hút các em tham gia, nhất là trong dịp hè.

Bảo Khánh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/357472/noi-dau-va-loi-canh-tinh.html