Nói gì để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng khi phỏng vấn?
Đi phỏng vấn xin việc luôn là một trải nghiệm vừa hồi hộp vừa đầy kỳ vọng. Bạn chuẩn bị kỹ lưỡng, ăn mặc chỉnh tề và bước vào phòng với câu hỏi trong đầu: 'Liệu mình nên nói gì để tạo ấn tượng?'.
Thật ra, nhà tuyển dụng không tìm kiếm một câu trả lời hoàn hảo, họ muốn thấy con người thật của bạn, cách bạn suy nghĩ, và quan trọng nhất là liệu bạn có phù hợp với vị trí và văn hóa công ty không.

Vậy cụ thể thì bạn nên nói gì để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng khi tìm việc làm 24h?
“Em thực sự rất hào hứng với công việc này bởi vì…”
Khi bạn nói câu này, điều đó cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn không chỉ nộp hồ sơ một cách ngẫu nhiên, mà bạn đã tìm hiểu, suy nghĩ và thực sự quan tâm đến vị trí ứng tuyển. Hào hứng ở đây không chỉ là cảm xúc nhất thời, mà còn thể hiện sự chủ động và động lực làm việc. Không ai muốn tuyển một người chỉ “làm cho có”, họ muốn một người sẵn sàng bắt tay vào việc, học hỏi và gắn bó lâu dài. Và sự hào hứng thật lòng chính là dấu hiệu đầu tiên cho điều đó.
“Đây là cách em đã giải quyết vấn đề tương tự trước đây…”
Mọi công ty đều tuyển dụng để giải quyết vấn đề từ việc họ cần quy trình hiệu quả hơn, dịch vụ khách hàng tốt hơn, lãnh đạo mạnh mẽ hơn hoặc sáng tạo mới. Khi bạn nói đã từng giải quyết vấn đề tương tự trước đây, bạn đang làm điều mà nhà tuyển dụng rất thích, đó là chứng minh bằng hành động thực tế chứ không chỉ bằng lời nói.
Ai cũng có thể nói “Em có kỹ năng giải quyết vấn đề” hay “Em làm việc hiệu quả” nhưng khi bạn kể một ví dụ cụ thể, nhà tuyển dụng sẽ dễ hình dung hơn về cách bạn suy nghĩ, hành động và xử lý áp lực. Nó cho thấy bạn không chỉ có kinh nghiệm, mà còn biết rút ra bài học và áp dụng vào tình huống mới. Đó là điều giúp bạn khác biệt với những ứng viên chỉ nói mà không có dẫn chứng.
“Em luôn tìm cách để học hỏi và phát triển”
Trong môi trường làm việc, không phải ai cũng biết hết mọi thứ ngay từ đầu nên việc sẵn sàng học hỏi là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Nhà tuyển dụng muốn biết nếu bạn gặp khó khăn, bạn sẽ chủ động tìm hiểu, hỏi han, cải thiện chứ không bỏ cuộc hay đổ lỗi. Nói rằng bạn sẵn sàng học hỏi và nhanh chóng thích nghi, bạn đang cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn không chỉ làm việc theo kiểu “đủ nhiệm vụ là xong”, mà bạn có tinh thần cầu tiến. Một người ham học hỏi cũng thường dễ thích nghi và phát triển lâu dài trong công ty. Đó chính là mẫu nhân viên mà bất kỳ sếp nào cũng mong muốn có trong đội ngũ.
“Em làm việc một mình tốt nhưng cũng có khả năng làm việc nhóm”
Trong công việc, có lúc bạn sẽ phải tự lên kế hoạch, giải quyết công việc một mình mà không ai kè kè bên cạnh; nhưng cũng có lúc, bạn phải phối hợp nhịp nhàng với đồng nghiệp để hoàn thành một dự án chung. Vì vậy, sự cân bằng giữa kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm là chìa khóa.
Khi nói điều này, bạn đang cho nhà tuyển dụng thấy sự linh hoạt, tự chủ nhưng không tách biệt, hợp tác nhưng không phụ thuộc. Đó là điểm cộng rất lớn giúp bạn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
“Em muốn đóng góp vào sự phát triển của công ty”
Nói cho cùng, các công ty đều muốn tuyển dụng những người sẽ tạo ra tác động tích cực. Khi bạn bày tỏ mong muốn đóng góp vào thành công lâu dài của họ, chứ không chỉ nghĩ đến bản thân, muốn bao nhiêu lương, nghỉ mấy ngày, làm việc từ mấy giờ đến mấy giờ, bạn cho thấy mình nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh. Đồng thời cũng gửi đi thông điệp rõ ràng: “Em ở đây để cùng phát triển, không phải chỉ để đi làm mỗi ngày rồi chờ đến cuối tháng lãnh lương”. Và đó là điều khiến bạn trở nên nổi bật và thu hút trong mắt nhà tuyển dụng.

Nhà tuyển dụng luôn muốn cảm nhận được ba điều từ bạn: bạn thật sự quan tâm đến công việc, bạn có đủ năng lực để đảm nhiệm vị trí và bạn nghiêm túc, sẵn sàng gắn bó lâu dài. Nếu bạn thể hiện rõ được những điều đó trong buổi phỏng vấn thì chắc chắn bạn sẽ để tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng.