Nơi gian khó càng gắn bó cán-binh

Đóng quân phân tán, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn rừng núi, biên giới, môi trường khó khăn, gian khổ, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2) càng thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, gắn bó cán-binh, trên dưới một lòng, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và bảo đảm an toàn mọi mặt.

 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 543 thực hành huấn luyện rà phá vật cản.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 543 thực hành huấn luyện rà phá vật cản.

Mới đây, tôi cùng lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn Công binh 543 đi kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ rà phá vật cản, thi công các công trình quốc phòng trên địa bàn Tây Bắc Tổ quốc. Trên suốt chặng đường, tôi được Trung tá Nguyễn Xuân Việt, Phó chính ủy lữ đoàn, chia sẻ nhiều điều về đặc thù nhiệm vụ của đơn vị, nhất là sự quan tâm, chăm lo của cán bộ đối với chiến sĩ khi đóng quân dã ngoại, thực hiện nhiệm vụ. Nghe chuyện, chúng tôi càng muốn được trải nghiệm cuộc sống, công việc của cán bộ, chiến sĩ công binh nơi núi rừng biên cương.

Đến một trong những địa bàn khó khăn, hiểm trở nhất của tỉnh Lai Châu, dưới ánh nắng chiều dần tắt, trước mắt chúng tôi ẩn hiện những mái lều bạt bên bờ suối. Đó là nơi đóng quân của Tiểu đoàn 26, Lữ đoàn Công binh 543. Người đầu tiên tôi gặp là Thiếu tá Sa Nhật Đặng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 26. Mới qua mấy năm bám trụ xây dựng công trình quốc phòng nơi biên giới mà trông anh thay đổi nhiều quá. Mái tóc xanh bồng bềnh trước đây giờ cứng như rễ tre, nước da sạm màu nắng gió…

Câu chuyện của chúng tôi đang rôm rả thì trận mưa rừng bất ngờ trút xuống xối xả, trời tối sập rất nhanh. Cầm vội chiếc đèn pin, Thiếu tá Sa Nhật Đặng cùng một số cán bộ xuống ngay khu nhà ở của chiến sĩ. Các anh vừa soi đèn, vừa chỉ huy bộ đội ngắt hết các thiết bị điện để bảo đảm an toàn, khẩn trương che đậy giường chiếu, củng cố nơi ăn ở, sinh hoạt. Xong việc, anh Đặng quay lại chỗ chúng tôi với bộ quần áo ướt sũng, cười vui, nói: “May quá anh ạ, mặc dù trận mưa rất to, nhưng toàn bộ giường nằm của bộ đội không vấn đề gì. Giữa vùng rừng sâu núi thẳm này, càng phải quan tâm chăm lo nơi ăn, ở của bộ đội”. Tôi thầm cảm phục xen lẫn xúc động, bởi ở nơi miền biên giới xa xôi, còn nhiều khó khăn này, chiến sĩ càng cần sự quan tâm, sâu sát thường xuyên của cán bộ.

Làm việc trong điều kiện khó khăn, gian khổ, nhưng tinh thần của cán bộ, chiến sĩ nơi đây luôn lạc quan, đoàn kết, gắn bó như trong một gia đình. Và trong ngôi nhà chung ấy, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị luôn gương mẫu trong từng lời nói, việc làm, như những người anh, người chị gần gũi của bộ đội, sẵn sàng nhận việc khó về mình. Thực tế ở Lữ đoàn Công binh 543, trước mọi nhiệm vụ, chỉ huy đơn vị đều sâu sát, hướng dẫn bộ đội rất cụ thể, tỉ mỉ. Đặc biệt, đối với những nhiệm vụ nguy hiểm, phức tạp, như: Cứu hộ, cứu nạn, sử dụng thuốc nổ… dễ xảy ra mất an toàn, thì các anh rất sát sao, nhiều khi còn trực tiếp thực hiện, như chiến sĩ, không “khoán trắng” cho bộ đội. “Trong điều kiện ăn ở dã ngoại, nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, cường độ làm việc cao, nếu không giữ được mối đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chỉ huy và tình cảm gắn bó cán-binh thì đơn vị khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Trung tá Nguyễn Xuân Việt, Phó chính ủy Lữ đoàn Công binh 543 chia sẻ.

Cũng từ đặc thù đóng quân phân tán, nhỏ lẻ, công việc nặng nhọc, cường độ cao, nên việc lựa chọn con người cho thực hiện nhiệm vụ luôn được Đảng ủy, chỉ huy đơn vị hết sức coi trọng. Theo Thượng tá Nguyễn Công Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy lữ đoàn, trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ rà phá vật cản, thi công công trình quốc phòng ở địa bàn khó khăn, phức tạp, lãnh đạo, chỉ huy lữ đoàn đều chú trọng lựa chọn những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm chỉ huy, điều hành công việc một cách độc lập để giao phụ trách các bộ phận công tác xa đơn vị; lựa chọn các chiến sĩ có đủ sức khỏe, chuyên môn vững, nhiệt tình trong công việc, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn yêu cầu chỉ huy các bộ phận luôn thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bộ đội, vừa tạo sự gần gũi, thân thiện, vừa chủ động nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bộ đội, không để xảy ra bất ngờ về tư tưởng.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/noi-gian-kho-cang-gan-bo-can-binh-586447