'Nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần'

Túi nilon và các sản phẩm từ nhựa là những thứ rất nguy hại tới sức khỏe con người và môi trường. Bởi những thứ này có thể tồn tại hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm mới bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay việc sử dụng túi nilon và các sản phẩm từ nhựa đã trở nên thông dụng và thành thói quen của người dân.

New Page 1

Du khách nước ngoài tham gia dọn rác trên bãi biển Hàm Tiến, TP. Phan Thiết (ảnh tư liệu). Ảnh: Ngọc Lân

Du khách nước ngoài tham gia dọn rác trên bãi biển Hàm Tiến, TP. Phan Thiết (ảnh tư liệu). Ảnh: Ngọc Lân

Thói quen sử dụng túi nilon,sản phẩm nhựa

Từ nhiều năm qua, sử dụng túi nilon và các sản phẩm từ nhựa đã trở thành thói quen của hầu hết các gia đình ở Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng. Nếu dạo 1 vòng quanh các chợ chúng ta sẽ thấy rõ điều này. 1 bó rau canh, ít rau gia vị, ít trái cây, gói bánh, gói kẹo… tất cả đều được đựng trong túi nilon, mỗi thứ một túi riêng. Đối với những loại sản phẩm sống như cá, thịt, tôm, cua, hải sản… thì mỗi thứ thậm chí phải đựng từ 2 đến 3 túi… để khỏi bị rơi rớt. Túi nilon chồng túi nilon, túi lớn bao ngoài túi nhỏ. Tính ra, có người sử dụng cả chục túi nilon trong 1 buổi chợ và 1 tháng thì tới hàng trăm cái. Sở dĩ chúng thông dụng là do giá thành rẻ, đặc tính bền và gọn nhẹ. Theo các tiểu thương, khoảng vài chục năm trước đây thì việc sử dụng túi nilon rất ít, các mặt hàng như rau xanh thường được họ gói bằng lá và bán cho khách hàng. Riêng người tiêu dùng, thường mang giỏ xách và đựng các loại thực phẩm vào đấy. Thế nhưng ngày nay, thói quen ấy không được duy trì. Trong số hàng trăm người đi chợ, chỉ có vài người mang theo giỏ xách, số còn lại thì mua hàng và cho vào các túi nilon rồi mang về…

Nguy hại tới môi trường

Thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần không có gì đáng nói nếu như sau khi sử dụng xong người dân có ý thức bỏ chúng đúng nơi quy định để xử lý. Thế nhưng, sau khi dùng xong, họ lại vứt bừa bãi ra xung quanh khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, túi nilon và các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần có đặc tính rất bền, phải mất hàng trăm năm, thậm chí có những thứ phải mất tới cả ngàn năm mới phân hủy. Tuy nhiên, trong môi trường tự nhiên, các sản phẩm từ nhựa không hề tiêu biến hết mà sẽ tách ra thành các phân tử, hạt nhựa nhỏ li ti và có thể ngấm vào lòng đất, thấm vào mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt hàng ngày. Nếu sử dụng nguồn nước này các chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể, gây ra những bệnh vô cùng nguy hiểm cho con người. Rác thải nhựa cũng đang đe dọa đến hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản của cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng. Trên thực tế, rất nhiều sinh vật biển bị chết do ăn phải nhựa, túi nilon hay vướng vào các ngư lưới cụ của ngư dân thả trôi dạt trên biển. Ô nhiễm của rác thải nhựa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến 1 địa phương có thế mạnh về du lịch như Bình Thuận.

Phải tuyên truyền mạnh để thay đổi nhận thức

Hướng đến môi trường trong lành, việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường đang được các các cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thực hiện. Ở các khu du lịch, resort, các loại ly nhựa, túi nhựa… sử dụng hạn chế so với trước thay vào đó là các sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút bằng giấy, bằng cỏ. Ngay cả túi đựng rác bằng nilon khó phân hủy như trước kia giờ đã được thay thế bằng những chiếc sọt được làm bằng tre hay túi nilon tự hủy. Nhiều địa phương cũng tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, nhất là rác thải nhựa. Tuy nhiên, trên thực tế việc sử dụng túi nilon và các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần vẫn khá còn phổ biến do thói quen của người dân chưa thay đổi nhiều…

Bờ biển ở Phú Hài, TP. Phan Thiết bị ô nhiễm bởi rác thải.

Bờ biển ở Phú Hài, TP. Phan Thiết bị ô nhiễm bởi rác thải.

Để giải quyết bài toán này, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã ký Chỉ thị số 10 ngày 5/5/2021 về việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu, tích cực trong việc giảm thiểu chất thải nhựa bằng các hành động thiết thực, cụ thể như: ưu tiên sử dụng sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường; vận động người thân, gia đình cùng thực hiện “nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần”. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường cần chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ nguy hại của rác thải nhựa, thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần, xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về rác thải gắn với việc tổ chức “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Chiến dịch làm sạch biển”, “Ngày Môi trường thế giới”, “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”… Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý rác thải, rác thải nhựa; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát thải, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải, chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.

Xuân Huy

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/noi-khong-voi-san-pham-nhua-dung-1-lan-137393.html