Nồi lẩu cuối tuần đầu năm chọn thịt cá nhúng cho may mắn

Theo phong tục của một số quốc gia châu Á, những ngày đầu năm mới họ thường thưởng thức các món ăn từ cá để cầu may mắn. Vậy nên, nồi lẩu cuối tuần hôm nay chọn giới thiệu lẩu cá ngừ thơm ngon, dễ ăn.

Theo đó, cá ngừ trên thị trường hiện nay có hai nguồn là trong nước và ngoại nhập. Nếu như cá ngừ trong nước khai thác chủ yếu ở các tỉnh miền Trung thì cá ngừ nhập khẩu đến từ Úc, Canada, Nhật Bản. Chất lượng thịt cá ngừ nhập khẩu vẫn được đánh giá cao hơn bởi vùng biển chúng sinh sống và cách họ sơ chế và khai thác cá.

Một điểm nhấn để nhận dạng cá ngừ là chúng có thịt màu đỏ hồng nhưng khi nấu chín thì thịt chuyển sang màu xám. Trong ẩm thực Nhật Bản, thịt cá ngừ tươi còn được thái lát dùng kiểu sashimi hay ẩm thực vùng miền thì nhúng phi lê cá hoặc khoanh cá tùy thích. Việc còn lại là chọn nước lẩu yêu thích và cùng mọi người dùng trong bữa trưa đầu năm.

Nước lẩu Thái: Đây là nước dùng được lựa chọn đầu tiên cho cá ngừ nói riêng và các món hải sản nói chung. Sở hữu vị chua cay từ lá chanh, sả, riềng, ớt, tỏi… nước lẩu Thái phù hợp cho nhóm khách trẻ, trung niên thích hương vị bùng nổ. Ngoài thịt cá ngừ, mọi người có thể tùy thích thêm hải sản như tôm, mực, sò điệp nhúng cùng để giúp nồi lẩu thêm tròn vị.

Nước lẩu riêu cua: Nhắc đến loại nước lẩu này, thực khách từng thưởng thức qua không thể quên được vị thanh ngọt từ riêu nấu cùng nước hầm xương ống heo. Tại một số nhà hàng ẩm thực miền Bắc, nước lẩu riêu cua là lựa chọn đầu tiên mà quán gợi ý cho thực khách khi dùng lẩu. Thay vì ăn kèm sườn sụn heo hay bắp bò thân quen thì việc nhúng ít thịt cá ngừ phi lê lại là một trải nghiệm mới lạ.

Nước lẩu măng chua: Dù có vị chua nhưng nước lẩu măng chua không quá nồng như nước lẩu Thái mà nó có thêm chút vị ngọt từ măng. Để làm nước lẩu này, đầu bếp dùng xương ống heo hầm rồi lần lượt cho thêm tỏi, dứa, cà chua, nấm và măng chua vào. Cuối cùng, khuấy đều nước dùng để mọi thứ hòa quyện vào nhau.

Nước lẩu hầm tiêu: Nếu bạn không thể chịu được độ cay nước lẩu Tứ Xuyên thì nước lẩu hầm tiêu là gợi ý phù hợp. Theo đó, nước lẩu vẫn được hầm từ xương ống heo, sau đó, cho thêm tiêu xanh loại nguyên hạt vào hầm để lấy vị cay, the nhẹ. Tùy vào mức độ cay mà mọi người gia giảm lượng tiêu cho vào.

Dù là chọn loại nước lẩu nào thì rau nhúng kèm cơ bản vẫn gồm một số loại như rau muống, cải bẹ xanh, cải ngọt, mồng tơi… Nước chấm hiện nay đa dạng hơn trước khi ngoài nước mắm mặn, nước mắm chua ngọt còn có thêm nước chấm muối ớt xanh, nước chấm phô mai, nước chấm chanh dây. Giá một nồi lẩu tùy thuộc lượng khách, thịt châm vào mà dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/phần.

Gia Hân tổng hợp

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/noi-lau-cuoi-tuan-dau-nam-chon-thit-ca-nhung-cho-may-man/