Nỗi lo ở châu Âu dù đã trữ khí đốt đầy kho

Châu Âu đã sẵn sàng cho một mùa đông không có khí đốt tự nhiên của Nga. Tuy nhiên, một vài yếu tố không thể lường trước cũng có thể làm đảo lộn kế hoạch của lục địa này.

Kế hoạch sẵn sàng cho một mùa đông không có khí đốt tự nhiên của Nga ở châu Âu, sẽ không có chỗ cho những sai số, Wall Street Journal nhận định.

Các cơ sở dự trữ khí đốt để sưởi ấm và phát điện gần như đã đầy, trong khi lượng tiêu thụ giảm. Châu Âu đang ở vị thế tốt hơn so với lo ngại trong những tháng gần đây, sau khi Moscow cắt giảm việc cung cấp khí đốt để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, nhiều yếu tố có thể không đi đúng hướng. Một đợt lạnh kéo dài hay một đường ống bị hỏng có thể làm đảo lộn công tác chuẩn bị của khu vực này. Điều đó có thể khiến châu lục phải phân chia khẩu phần khí đốt khẩn cấp, chịu cảnh mất điện và suy thoái kinh tế sâu hơn.

Các quan chức và nhà phân tích cho rằng sự sẵn sàng cắt giảm sử dụng khí đốt của người tiêu dùng sẽ là chìa khóa để vượt qua mùa đông. Bên cạnh đó, một mùa đông ấm hơn cũng được cho sẽ giúp ích cho khu vực.

“Mùa đông bị chi phối bởi nỗi sợ hãi”

“Đây sẽ là một mùa đông bị chi phối bởi nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn”, Roberto Cingolani, Bộ trưởng Năng lượng Italy, cho biết.

“Chúng ta chỉ cần hy vọng không có điều gì sẽ đi chệch hướng”, ông nói thêm.

Châu Âu đang ở tuyến đầu của cuộc xung đột năng lượng diễn ra song song với “chiến dịch quân sự” của Nga. Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, Nga đã thắt chặt nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu. Bên cạnh đó, châu Âu cũng cấm nhập khẩu dầu Nga.

Mặc dù nguồn cung khí đốt từ Nga giảm, các nước châu Âu vẫn tiếp tục lấp đầy các kho dự trữ của họ, Tass đưa tin ngày 17/10.

Mức dự trữ trong các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm (UGS) của châu Âu đã đạt khoảng 92%, theo dữ liệu từ Cơ sở Hạ tầng Khí đốt châu Âu.

Bằng cách mua càng nhiều khí đốt từ Na Uy và LNG từ Mỹ càng tốt, châu Âu đã lấp đầy các cơ sở dự trữ tới hơn 90% công suất. Theo S&P Global Commodity Insights, khí đốt của Nga đến qua đường ống chỉ chiếm 6% nguồn cung cấp khí đốt của lục địa này, giảm so với gần 30% vào lúc trước xung đột.

 Một cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên ở Rehden (Đức). Ảnh: Bloomberg.

Một cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên ở Rehden (Đức). Ảnh: Bloomberg.

Các cảng LNG nổi đang được neo đậu ngoài khơi bờ biển châu Âu, cho phép các quốc gia dự trữ nhiều hơn. Bên cạnh đó, châu Âu cũng đang cắt giảm việc sử dụng năng lượng - một bước đi cần thiết để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt vào mùa đông, giới chức cho biết.

Một số công ty đã chuyển sang sử dụng than và dầu, hoặc đổi ca làm việc để tránh sử dụng năng lượng khi nhu cầu ở mức cao nhất. Một số nhà máy đã đóng cửa. Trong khi đó, các nhà sản xuất điện đang đốt nhiều than hơn.

“Châu Âu có lẽ cũng được chuẩn bị kỹ càng. Cơ sở hạ tầng đã được tối đa hóa khá nhiều”, Michael Bradshaw, giáo sư về năng lượng toàn cầu tại Trường Kinh doanh Warwick, cho biết.

Tuy nhiên, rất nhiều sai lầm có thể đi sai hướng. Nếu thời tiết băng giá làm tăng nhu cầu, các kho dự trữ có thể cạn kiệt và giá có thể tăng lên. Nhiệt độ thấp cũng có thể châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh giữa Bắc Mỹ và châu Âu về nguồn cung cấp LNG.

Trong khi đó, điều kiện thời tiết vẫn sẽ làm chậm các tuabin gió, và mùa đông có thể sẽ làm giảm việc sản xuất điện năng lượng mặt trời.

Ẩn số

Một rủi ro khác là dòng khí có thể bị thiếu hụt do trục trặc kỹ thuật hoặc sự cố. Chẳng hạn, đường ống dẫn khí Nord Stream từ Nga sang châu Âu mới gặp sự cố rò rỉ hồi cuối tháng 9. Nga cáo buộc phương Tây gây ra vụ việc, trong khi phương Tây bác bỏ điều này.

Các rủi ro khác bao gồm khả năng mất điện kéo dài tại các nhà máy hạt nhân của Pháp. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng khí đốt trong sản xuất điện. Theo Reuters, công việc bảo trì tại hàng loạt nhà máy hạt nhân của Pháp đã bị gián đoạn trong thời gian gần đây do đình công.

Giữ mức tiêu thụ khí đốt ở mức thấp là một phần quan trọng trong kế hoạch của châu Âu cho mùa đông. EU đang có mục tiêu giảm 15% nhu cầu khí đốt. Vào tháng 9, mức tiêu thụ khí đốt thấp hơn 11% so với mức trung bình 5 năm, theo công ty dữ liệu hàng hóa ICIS.

Một ẩn số là người tiêu dùng sẽ phản ứng như thế nào với sự kết hợp của giá tăng cao, yêu cầu sử dụng khí đốt ít hơn và các gói cứu trợ của chính phủ được thiết kế để giảm hóa đơn.

Bên cạnh đó, có một dấu hiệu đáng ngại: Khi thời tiết lạnh giá xảy ra ở Đức vào tháng 9, nhu cầu đã tăng vọt.

 Mùa đông đã cận kề ở châu Âu. Ảnh: Reuters.

Mùa đông đã cận kề ở châu Âu. Ảnh: Reuters.

“Chúng tôi đã không vượt qua được bài kiểm tra đầu tiên”, Gergely Molnar, một nhà phân tích tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cho biết. Ông nói thêm rằng những thay đổi về hành vi có thể mất thời gian.

Một số quốc gia đã đưa ra các biện pháp tiết kiệm năng lượng bắt buộc. Chẳng hạn, Pháp và Đức đã hạn chế sử dụng đèn chiếu sáng trong các cửa hàng và tòa nhà công cộng vào ban đêm.

Các quan chức ở một số quốc gia nói rằng nguồn cung không phải là vấn đề chính. Italy đã nhanh chóng chuyển sang thay thế phần lớn khí đốt của Nga trong năm nay. Với các kho chứa đầy trên 93%, Italy vẫn có đủ khí đốt để xuất khẩu sang các nước châu Âu khác.

Tuy nhiên, sự chia rẽ chính trị của EU đã cản trở một phần phản ứng của khối này đối với cuộc khủng hoảng. Italy là một trong số các quốc gia thúc đẩy giới hạn giá khí đốt, trong khi Đức và một số thành viên khác cho rằng điều đó có thể khiến khí đốt Nga được chuyển hướng sang nơi khác.

Nga cho biết sẽ ngừng dòng khí đốt nếu giới hạn giá được áp dụng.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết sẽ không có khí đốt của Nga ở châu Âu nếu khối này áp đặt trần giá đối với mặt hàng này, theo Tass.

Nếu nguồn cung gần cạn, các chính phủ đã sẵn sàng kế hoạch xoay xở với tình trạng mất điện và phân chia khẩu phần năng lượng để bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh đó, EU có thể buộc các nước thành viên cắt giảm tiêu dùng nếu tình hình xấu đi.

Nếu mức dự trữ giảm xuống trong mùa đông này, các nhà phân tích cho rằng việc bổ sung dự trữ khí đốt của châu Âu vào năm 2023 mà không có hoặc ít khí đốt của Nga sẽ khó khăn tột độ.

“Chúng tôi phải chuẩn bị cho mùa đông năm tới, điều này sẽ còn khó khăn hơn”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong tháng này.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-lo-o-chau-au-du-da-tru-khi-dot-day-kho-post1366545.html