Nối những đời trôi

Nhờ cái nghĩa nhớ ơn mà ông Hổ trở thành một tiền hiền của làng. Vua chưa phong thần nhưng dân đã phong tiên phong thánh. Ông không mở làng bằng cày cuốc ruộng nương mà ông mở làng bằng gieo trồng hạt giống nhân tình...

Ông cụ” nói “Cù lao trôi dần xuống biển, con người cũng lần hồi trôi theo như vậy. Ngay cả ngôi mộ ông Hổ cũng trôi hoài. Hồi trước mộ ông ở đầu cồn. Sau đất lở người ta hốt nắm đất nơi mộ cũ về xây mộ mới ở đây. Nếu ở đây lở nữa, tụi tôi lại hốt nắm đất lùi sâu phía dưới để xây mộ mới. Dẫu thế nào mộ ông Hổ cũng có chỗ xây trên cù lao này. Cù lao trôi tới đâu mộ ông Hổ trôi tới đó”.

Mãi mãi nơi này gắn liền với ông. Cù lao còn là tên ông còn. Cái tên ông đã gắn với cù lao từ ngày ông gửi cốt trên bến sông đầu con nước.

Mỗi cái tên thường là một quy ước. Có những cái tên đến một cách rất hiển nhiên với hình thức bên ngoài như là tự thân sinh ra, gặp mặt đã gọi nên tên. Chẳng hạn anh Hùng Mập, chú Tư Râu. Những xẻo Đước, xẻo Bần hay những cái Sắn, cái Sao cũng gần như vậy.

Ở cù lao nhỏ này, cái tên gắn với thân phận một chúa sơn lâm. Cái tên của một cuộc đời trôi gắn với một vùng đất cũng đang trôi trôi mỗi ngày một chút.

Cù lao đang trôi giữa lòng con sông lai láng thì ai cũng thấy rồi. Người ta nói nếu không có cù lao chắc con sông Hậu khúc này lớn như cái biển. Người khác nói do nó quá lớn nên phù sa dư thừa phải đẻ những cù lao. Đất nổi ngầm rồi nổi lộ thiên nằm yên đó chờ đợi. Cây cỏ tấp vào trước ra bông kết trái. Côn trùng rắn rết ếch nhái nghe mùi thức ăn cũng tấp vào sau.

Rồi những con người vì lý này vì lý nọ bỏ xứ cũ tìm phương kế sinh nhai xứ mới cũng lần lượt neo thuyền. Những cặp vợ chồng trôi theo dòng đời bằng cách bơi ngược con nước về đây tấp lại ven cù lao khoét lõm cất nhà. Người chài lưới kẻ trồng trọt chăn nuôi. Họ lam lũ trên mảnh đất trôi nhẹ giữa dòng.

Bửu Long Cổ Tự trên cù lao ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) được dân trong vùng quen gọi “Chùa ông Hổ”, trong khuôn viên có mộ ông Hổ được phục dựng. Ảnh: Kỳ Đồng

Bửu Long Cổ Tự trên cù lao ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) được dân trong vùng quen gọi “Chùa ông Hổ”, trong khuôn viên có mộ ông Hổ được phục dựng. Ảnh: Kỳ Đồng

Ông Hổ cũng như cù lao, trôi từ khi lọt lòng mẹ. Ông trôi từ xứ nào về đây? Vì sao ông lại trôi như vậy? Phải chăng sinh ra trong mùa nước, mẹ hổ tha con thả lên giề trấp để con có nơi ở khô ráo giữa bốn bề nước nổi linh binh hay ông Hổ con tự ý leo lên giề trấp rồi bị nước đẩy trôi dạt về đây? Những tảng trấp lớn trôi trên sông thường là những mảng cỏ rau muống bò chồng chéo lên nhau trên những cánh đồng hoang vu cánh biên giới.

Nước lên, đám cỏ kéo đám rau nổi lên theo nước. Lụt càng lớn, nước càng đổ mạnh, những tảng trấp bị bứng rễ, bị nước đẩy trôi ào ạt về phía hạ nguồn. Cứ thế, trấp nối trấp trôi bèo trên mặt sông. Trên những giề trấp cào cào châu chấu rắn chuột ếch nhái quần cư đông đúc. Trên giề trấp một ngày có cả chú “mèo con”.

Vợ chồng người dân chài ngụ ở cù lao thương “chú mèo” con lạc mẹ ngơ ngác đã bồng về nuôi.

Giề trấp chứa hổ con đã trôi từ đâu về cù lao này. Không ai quan tâm điều đó. Chỉ biết một điều sau đó hổ con có được một gia đình. Cậu Ba Hổ cũng có chị Hai, cũng có ba má như bao nhiêu đứa trẻ khác. Ngày qua tháng lại chị Hai lấy chồng, ba mẹ già khuất núi. Cậu Ba lại trôi dạt thêm lần nữa.

Cậu Ba chắc về lại với rừng. Chắc chốn nào đó cậu Ba lại làm chúa sơn lâm. Nhưng với con mắt người dân cù lao (lúc đó chưa có tên), cậu Ba không phải là một con hổ hay ông hổ đang cai quản luật rừng mạnh được yếu thua mà là một thâm tình. Không còn riêng cái tình của đứa con nuôi với đôi vợ chồng người chài lưới. Cái tình của những con người biết nghĩa biết nhân tạc dạ ghi lòng một “con người” sống chết bằng nhân nghĩa. Người đời nay hoài nghi “liệu có thật ông Hổ nhớ giỗ mẹ giỗ cha rồi quay về mỗi năm không? Vì ngay cả con người mà đôi khi giỗ cha mẹ ruột còn quên ngày quên tháng”.

“Ông cụ” nói thật hay không, ông không biết. Nhưng ông nội ông kể lại cho ba ông nghe, ba ông kể lại cho ông nghe. Mà hầu như những ông già bà cả nào trên cù lao này cũng kể lại y câu chuyện đó. Mỗi năm hai lần, những người đầu xóm cù lao nhìn thấy trên bến có một con heo rừng đã bị giết và những dấu chân. Nhìn dấu chân ai cũng biết đó là dấu chân ông Hổ. Người ta biết ông Hổ đã về. Người ta biết là đã đến ngày giỗ ba hoặc má cậu Ba. Họ đem con heo ra làm thịt rồi nấu nướng cúng giỗ cha mẹ nuôi của cậu. Không ai thấy cậu Ba về. Chỉ thấy dấu chân và mỗi năm hai lần như vậy. Cả làng này đều thấy như vậy chớ không phải chỉ một người. “Ông cụ” nói “tôi không tin người già cả làng đều dựng chuyện”.

Văn hóa một vùng đất đôi khi là cách cha ông chắt lọc những gì tinh túy nhất để kể lại cho các con.

Rồi cả làng lập miếu thờ ông Hổ. Rồi người ta gọi cù lao ông Hổ từ đó. Ông Hổ không cày xới khẩn hoang. Ông Hổ không trồng cây gieo hạt hay làm nên một luống cải liếp rau nào cả. Ông chỉ tha những con heo về trong ngày giỗ của mẹ cha. Một câu chuyện cứu vật vật trả ơn tưởng quá thường tình. Nhưng một câu chuyện nói về cái tình của một loài hoang dã hung hăng vốn dĩ chẳng tha bất cứ con gì trong cơn đói khát.

Chúa sơn lâm vẫn săn bắt heo rừng chốn nào đó. Người làng cù lao chẳng nhớ điều đó. Họ vẫn cứ kể nhau nghe về một ông Hổ rất hiền, đã đi tu rồi, đã niệm Phật ăn chay chốn nào đó giữa vùng núi Thất Sơn huyền bí. Người ta chỉ nhớ cuối cùng của cuộc lang bạt, chúa sơn lâm không gửi cốt chốn rừng sâu. Ông gởi chút cốt nhục của mình trên bến vắng đầu cồn, nơi đầu tiên ông tấp vào và gặp cha gặp mẹ.

Một ngôi mộ đầu cồn. Một câu chuyện ấm áp được kể lại đời này qua đời khác. Ngôi mộ không đủ lớn như cây dầu cây sắn để làm điểm nhấn kết nối bản đồ cho giới thương hồ. Nhưng câu chuyện về người con hiếu thảo quá lớn lao đã ghi danh ông Hổ vào đất, vào sử sách dân gian. Nhờ cái nghĩa nhớ ơn mà ông Hổ trở thành một tiền hiền của làng. Vua chưa phong thần nhưng dân đã phong tiên phong thánh.

Ông không mở làng bằng cày cuốc ruộng nương mà ông mở làng bằng gieo trồng hạt giống nhân tình. Ông không làm nên cây lúa cây khoai nhưng ông phù hộ cho dân làng có những mùa an lạc giữa dòng sông mênh mông cũng như dòng đời luôn trôi ào ạt.

Ông Nguyễn Văn Tri bên mộ ông Hổ, kể lại câu chuyện hổ nghĩa tình cho khách đến thăm cù lao ông Hổ. Ảnh: Kỳ Đồng

Ông Nguyễn Văn Tri bên mộ ông Hổ, kể lại câu chuyện hổ nghĩa tình cho khách đến thăm cù lao ông Hổ. Ảnh: Kỳ Đồng

Mỗi năm ngày giỗ của ông Hổ hàng trăm mâm cơm chay được nấu, hàng ngàn trái dừa được nạo để làm món kiểm. Và mỗi năm “ông cụ” lại kể về ông Hổ không biết bao lần.

“Ông cụ” tôi nói ở đây không phải một người mà là chú Bảy Đức, chú Tám Tri, ông từ trong miếu, là tất cả những người già hiện đang sống trên đất cù lao. Tôi đến đây cứ mang cái tên cù lao ông Hổ đi hỏi từng người. Họ bắt đầu trầm tư như mặc niệm: “Ông bà tôi kể…”. Họ sẽ kể lại câu chuyện giống như nhau.

Tôi hiểu vì sao “ông cụ” lại tự hào về quê hương mình. Và trên nền tảng quê hương “ông cụ” tự hào về Bác Tôn. Bởi quê cụ là câu chuyện lớn. Cha “ông cụ” đã kể cho “ông cụ” nghe. Cụ lại là người kể lại câu chuyện đó cho con cháu sau này. Văn hóa một vùng đất đôi khi là cách cha ông chắt lọc những gì tinh túy nhất để kể lại cho các con. Cụ kể về ông Hổ là kể về nghĩa tình. Cụ kể về Bác Tôn cũng là kể về một tâm hồn được dưỡng nuôi bằng nhân nghĩa và trưởng thành đầy khí chất nghĩa nhân.

Những câu chuyện về ông Hổ và về Bác Tôn cứ song hành và đi mãi. Cù lao vẫn mang tên những con người làm nên kỳ tích vẫn được kể lại. Trẻ con sẽ thấm. Trong cái nôi văn hóa sâu lắng đó từng thế hệ sẽ được cất tiếng khóc và tiếp nối thế hệ sau trong hành trình nhân nghĩa.

Võ Diệu Thanh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/noi-nhung-doi-troi-40788.html