Nơi 'tảng đá' cũng hóa 'dịu dàng'

Chúng tôi đến Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An (ấp 2, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) trong một ngày mưa. Đón chúng tôi là những cái gật đầu 'chào quý khách' từ hàng trăm học viên, là những tiếng cười có khi tỉnh táo, có khi... ngờ nghệch. Chúng tôi được tận mắt thấy quy trình làm việc của các bác sĩ (BS), những người có ý chí sắt đá, vững vàng nhưng lúc nào cũng dịu dàng, ôn nhu với bệnh nhân (BN).

Bác sĩ Trần Ngọc Cứ - Phó Trưởng phòng Y tế Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An đang điều trị bệnh cho bệnh nhân

Bác sĩ Trần Ngọc Cứ - Phó Trưởng phòng Y tế Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An đang điều trị bệnh cho bệnh nhân

“Anh Tuấn từ khi mổ tim đến giờ thấy sức khỏe thế nào? anh Thành tối qua ngủ có ngon không?” - những câu ấy là lời thăm hỏi thường ngày của Phó Trưởng phòng Y tế Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An - Trần Ngọc Cứ.

Theo BS Cứ, học viên ở Cơ sở là các đối tượng xã hội nên phải mềm mỏng, chỉ "nhu" chứ không thể "cương". BS phải an ủi, nhẹ nhàng để học viên ổn định tâm lý thì mới phối hợp điều trị. Hậu quả của việc sử dụng ma túy khiến đa số BN bị bệnh truyền nhiễm.

Hiện tại, Cơ sở điều trị 23 trường hợp nhiễm HIV, 9 trường hợp bị lao, 28 trường hợp viêm gan B. Người điều trị phải để cho BN ở trong trạng thái quân bình, không quá hưng phấn cũng không quá tiêu cực bởi khi ấy BN sẽ có phản ứng thái quá, gây nguy hiểm cho BS.

Quy trình cai nghiện tại đây có 5 bước gồm tiếp nhận, phân loại; điều trị phục hồi, cắt cơn chữa rối loạn tâm thần và các bệnh lý khác; giáo dục tư vấn hành vi nhân cách; lao động trị liệu; chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, bước “cắt cơn, chữa rối loạn tâm thần” được xem là “chua cay” nhất. Bởi đây là thời gian học viên mới vào Cơ sở, còn “thèm” ma túy. BS phải nghiên cứu thật kỹ từng người, xem tiền sử sử dụng ma túy để có phác đồ điều trị thích hợp. Trong quá trình điều trị, không có cảnh trói BN như các bộ phim đã cường điệu hóa.

Đối với người sử dụng heroin, chỉ cần 1 tuần có thể cắt cơn. Đối với người sử dụng ma túy đá, sau khi cắt cơn lần đầu có thể tái lại sau 5-6 tháng, các chuyên gia gọi đây là chứng rối loạn tâm thần muộn. Một trong những nguyên nhân làm học viên tái lại là tâm lý tiêu cực khi người nhà đến và thông báo những tin tức không hay. Vì vậy, Ban Giám đốc thường nhắc nhở thân nhân học viên điều nên và không nên nói, tránh tình trạng kích động tâm lý ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Trong việc điều trị cho BN cai nghiện ma túy, chữa lành tâm lý đóng vai trò chính, thuốc chỉ là phụ trợ. Do tính chất đặc thù, thậm chí nguy hiểm nên việc tuyển BS cho Cơ sở khá khó khăn.

Hiện tại, Cơ sở cai nghiện cho 893 học viên nhưng tổ y tế chỉ có 10 người, gồm: 1 BS, 8 y sĩ và 1 dược trung. Lúc mới bước chân vào nghề, BS Trần Ngọc Cứ bị gia đình và bạn bè phản đối dữ dội. Nhưng với tình thương của người thầy thuốc, ông kiên trì gắn bó để giúp nhiều học viên thoát khỏi “cái chết trắng”. Ngoài hoạt động thăm khám ban ngày, mỗi tối, ông đi dạo quanh các phòng học viên, xem ai ngủ không được hoặc có biểu hiện lạ để tìm cách điều trị phù hợp. Những ngày nóng bức làm nhiều BN cáu gắt, đập phá đồ đạc, ông cùng các thành viên tổ y tế dùng khăn nhúng nước lau cho học viên để hạ nhiệt,...

BS Trần Ngọc Cứ chia sẻ: “Làm công việc này đòi hỏi tâm lý phải vững vàng, biết rộng lượng với BN, hiểu những biểu hiện tiêu cực là do ma túy tác động chứ không phải họ cố ý làm vậy”. Có những học viên tìm đến ông xin lỗi vì lúc “lên cơn” có những hành động không hay. Có những học viên tâm sự vì thiếu tình thương của mẹ cha nên sa ngã làm ông rơi nước mắt. Sau khi tìm hiểu đúng như lời họ nói, ông càng thương hơn. Đối với BS Trần Ngọc Cứ, niềm vui của ông là thấy học viên hết bệnh, về với gia đình, vợ con.

Học viên Võ Thanh Tuấn được hỗ trợ 70 triệu đồng mổ tim, đến nay, anh tỉnh táo và sức khỏe đang phục hồi

Học viên Võ Thanh Tuấn được hỗ trợ 70 triệu đồng mổ tim, đến nay, anh tỉnh táo và sức khỏe đang phục hồi

Anh Võ Thanh Tuấn (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) được hỗ trợ gần 70 triệu đồng chi phí mổ tim, mỗi ngày được BS Trần Ngọc Cứ trực tiếp thăm khám, chăm sóc.

Anh Tuấn bộc bạch: “Nhờ sự quan tâm, cứu chữa kịp thời của Ban Giám đốc và các BS mà tôi được sống tiếp và sức khỏe dần ổn định, tôi rất biết ơn! Tôi sẽ cố gắng cai nghiện thật tốt để sớm về với gia đình, không phụ sự kỳ vọng của những người đã giúp đỡ tôi”.

Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An - Nguyễn Văn Cường thông tin: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn cố gắng bảo đảm đời sống tốt cho nhân viên cũng như học viên. Đối với đội ngũ y, BS, Cơ sở thường cử cán bộ đi tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, nhất là các lớp học tâm lý nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ, góp phần giúp học viên nhanh tái hòa nhập cộng đồng”.

Nhiều người nghe nói đến người nghiện ma túy thì có cảm giác sợ, e dè, nhưng đối với các BS, nhân viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An thì đây là điều quá đỗi bình thường. Mỗi ngày tiếp xúc, điều trị cho hàng trăm con người thuộc “dân xã hội”, nếu tâm chí không kiên định, yếu mềm thì rất dễ bỏ cuộc. Với kinh nghiệm hàng chục năm, các BS cho rằng, chỉ cần để BN cảm nhận được tình thương chân thật thì họ rất mau khỏi bệnh.

Chúng tôi ra về khi mưa còn rơi lất phất, không quên nhắn nhủ các học viên cố gắng cai nghiện để sớm về nhà, nơi người thân và bạn bè đang chờ đợi./.

Châu Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/noi-tang-da-cung-hoa-diu-dang--a176814.html