Nơi tình người xoa dịu nỗi đau chiến tranh
Không chỉ là nơi chữa trị vết thương thể xác, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa (trực thuộc Sở Nội vụ) còn là mái nhà chan chứa nghĩa tình - nơi nỗi đau chiến tranh được xoa dịu bằng sự tận tụy của những cán bộ và lòng tri ân của cả cộng đồng.

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thăm, tặng quà cho thương binh, bệnh binh và người có công tại Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa.
Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa (phường Sầm Sơn) được giao nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho các đối tượng chính sách là thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công, người nhiễm chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hiện trung tâm đang trực tiếp chăm sóc 223 đối tượng, gồm 91 thương binh, bệnh binh nặng; 22 thân nhân liệt sĩ là người già cô đơn, con liệt sĩ bị tàn tật; 110 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con đẻ của các nạn nhân.
“Mỗi người một số phận, khác nhau về tuổi tác, hoàn cảnh, bệnh lý, nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là mang trong mình những vết thương do chiến tranh để lại, cả về thể xác lẫn tinh thần và đều đang tìm thấy sự an ủi, xoa dịu trong vòng tay của cán bộ, y, bác sĩ tại trung tâm”, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Thư cho biết.
Gắn bó với trung tâm hơn 40 năm, ông Nguyễn Trọng Bái (xã Hoằng Hóa) là thương binh 1/4, bị liệt hoàn toàn sau chiến dịch Khe Sanh năm 1968. Ông xem nơi đây là mái nhà thứ hai - nơi ông được sống với chính mình, với sự trân trọng của xã hội. “Cán bộ ở đây lo cho tôi từ giấc ngủ đến bữa ăn, còn hơn cả người thân. Không có họ, tôi không biết mình sống ra sao”, ông Bái chia sẻ.
Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa hiện có hơn 100 cán bộ, viên chức và người lao động. Mỗi người một công việc, nhưng đều có chung trái tim biết yêu thương và tinh thần, trách nhiệm sâu sắc. Đối tượng tại trung tâm phần lớn là những thương, bệnh binh nặng, người nhiễm chất độc da cam đã cao tuổi, nhiều người nằm liệt giường hoặc phải ngồi xe lăn, không thể tự chăm sóc bản thân. Chính vì thế, từng việc nhỏ nhất như trở mình, vệ sinh cá nhân, thay băng vết thương, cho đến những bữa ăn, giấc ngủ... đều được cán bộ trung tâm chăm chút bằng cả tấm lòng.
Không chỉ dừng ở chuyên môn, các y, bác sĩ, điều dưỡng viên và hộ lý còn là những người lắng nghe tâm tư, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với từng người bệnh. Suốt 24 giờ mỗi ngày, họ luôn túc trực, sẵn sàng hỗ trợ mọi công việc, từ việc nhỏ nhặt trong sinh hoạt đến những lúc cấp cứu khẩn cấp. Trước sự thay đổi về sức khỏe theo tuổi tác của thương, bệnh binh, đội ngũ chuyên môn không ngừng tự học, bồi dưỡng thêm kiến thức về nội, ngoại khoa để đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị...
Tri ân người có công không chỉ là nhiệm vụ của một đơn vị mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Mỗi dịp tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam... đã có hàng chục đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, trường học và cá nhân đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các đối tượng đang sống tại trung tâm.
Những lời thăm hỏi ân cần kèm theo phần quà dù lớn hay nhỏ, nhưng đó chính là sự thể hiện của lòng biết ơn. “Chúng tôi quý nhất là những cái bắt tay, những ánh mắt xúc động, những câu chào hỏi từ các cháu học sinh. Như vậy là chúng tôi chưa bị lãng quên”, ông Bùi Văn Tuyển, thương binh nặng, hiện đang sống tại trung tâm, chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Thư cho biết: “Chúng tôi luôn xác định, chăm sóc người có công là một nhiệm vụ thiêng liêng. Bởi vậy, trung tâm không ngừng nỗ lực để thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước. Từng chế độ ưu đãi dành cho thương binh, bệnh binh, người có công đều được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, không để ai bị thiệt thòi".
Có lẽ, điều đặc biệt nhất ở nơi đây không chỉ nằm ở sự chu đáo về chuyên môn, mà chính là sự ấm áp trong từng cử chỉ, hành động. Trong những căn phòng giản dị, những thương binh, bệnh binh, những cụ già lặng lẽ sống qua năm tháng bằng ký ức và lòng tự hào. Họ không còn cô đơn vì luôn có những bàn tay chăm sóc ân cần, những ánh mắt trìu mến từ đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ nơi đây.
Mỗi ngày trôi qua tại trung tâm là một hành trình nhân văn. Ở đó, từng cán bộ trở thành người con hiếu thảo; từng bệnh nhân là một phần ký ức sống động của dân tộc. Những bữa cơm được dọn sẵn theo sở thích từng người, những đêm trực thức trắng để kịp thời xử lý cơn trở bệnh, những buổi sinh hoạt văn nghệ nho nhỏ nhưng đầy ắp tiếng cười...
Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa là nơi kết nối trái tim biết ơn, là nơi thắp lên niềm tin rằng: Người có công với đất nước sẽ luôn được trân trọng, chăm lo chu đáo. Bởi lẽ, họ đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do cho dân tộc. Và hôm nay, chúng ta - những thế hệ sau, có trách nhiệm không để họ một mình trong quãng đời còn lại.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/noi-tinh-nguoi-xoa-diu-noi-dau-chien-tranh-38344.htm