Nông dân gặp khó khi keo giống khan hiếm, giá tăng

Nông dân xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) thu hoạch keo gãy đổ. Ảnh: LÊ TRÂM

Nhiều ngày qua, người dân khẩn trương thu hoạch tận thu keo gãy đổ sau bão số 12, đồng thời trồng mới rừng khôi phục sản xuất. Thế nhưng, khó khăn hiện nay đối với nông dân là không chỉ khan hiếm keo giống, mà giá cây giống cũng tăng cao.

Keo gãy đổ, thu nhập giảm

Từ sau bão số 12 đến nay, nông dân các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và Tuy An tập trung khai thác tận thu rừng trồng keo bị gãy đổ, để kịp trồng lại mới vì mùa mưa sắp hết. Bà Nguyễn Thị Thái ở xã Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa) cho hay: Cơn bão số 12 làm cho 1ha rừng keo 3 năm tuổi đang xanh tốt của tôi bị gãy đổ gần 90% diện tích. Sau bão nửa tháng, trời nắng đường khô ráo, tôi thu hoạch để bán. Do keo non nên chỉ bán được gần 10 triệu đồng/ha. Keo này mà không bị gãy, chờ sang năm đủ tuổi bán, trừ chi phí thu cũng được 40 triệu đồng/ha.

Đang vận chuyển keo của gia đình lên xe tải để bán cho thương lái, bà Bùi Thị Hằng ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), chia sẻ: “Nhà có 4ha keo nhưng chỉ bán 1ha loại keo lớn. Còn lại keo từ 1-2 năm tuổi, cây còn nhỏ quá không bán được. Rẫy keo của tôi bị thiệt hại khoảng 50%”.

Theo bà Hằng, số keo lớn khi gặp gió bị gãy giữa thân, còn keo nhỏ gãy đọt. Cùng địa bàn xã Sơn Định, nhưng rẫy keo nào trúng luồng gió thì bị gãy tan tác. Nhà máy mua giá gỗ nguyên liệu giấy 1 triệu đồng/tấn, nhưng do keo mới trồng được 3 năm tuổi, còn non nên nhẹ ký; còn keo trồng dưới 2 năm tuổi thì đành bỏ khô.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Định, cho hay: Bão số 12 làm cho nhiều diện tích keo bị gãy đổ. UBND xã vận động bà con sớm thu hoạch rẫy keo, tận dụng keo gãy bán cho nhà máy, giữ lại những cây còn có khả năng sinh trưởng để tiếp tục chăm sóc.

Keo giống tăng giá

Nông dân xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) thu hoạch keo bị gãy bán gỗ nguyên liệu giấy rồi đầu tư trồng lại nhưng không có cây giống. Hiện là mùa mưa thích hợp cho việc trồng keo, khi keo bén rễ, tiếp tục trồng xen sắn, thế nhưng keo giống hiện rất khan hiếm. Ông Trần Hùng, nông dân ở xã Đa Lộc chia sẻ: “Do cuối mùa trồng rừng nên các vườn ươm bán gần hết cây giống. Sau khi tận thu 1ha keo lai bị gãy do bão, tôi đi mua keo giống về trồng nhưng các vườn ươm trống trơn”.

Tình trạng khan hiếm keo giống không chỉ ở huyện Đồng Xuân mà các nơi khác cũng tương tự. Chỉ tính riêng các xã Sơn Định, Sơn Long (huyện Sơn Hòa) có 8 vườn ươm cây giống lâm nghiệp theo phương pháp giâm hom, nay không còn cây giống nào để bán. Ông Phan Văn Long ở xã An Xuân (huyện Tuy An) cho hay: Mấy năm trước tôi thường đến xã Sơn Long mua keo giống về trồng, nay các vườn ươm không còn keo giống. Đầu vụ giá keo giống là 700 đồng/cây, nay tăng lên 1.000 đồng/cây, thế nhưng vẫn không có keo giống để mua về trồng.

Tại huyện Sông Hinh, nhiều nông dân đầu tư trồng rừng nhưng thiếu cây giống. Theo nhiều người dân ở đây, trung bình trồng 1ha cây keo ban đầu hết khoảng 20 triệu đồng. Nếu 1ha keo bị gãy đổ từ 30-70% diện tích, tận thu chỉ bằng một nửa so với tổng vốn đầu tư ban đầu. Đã vậy, muốn đầu tư trồng lại rừng, nông dân còn gặp khó vì giống khan hiếm. Việc thiếu vốn trồng lại rừng sau bão là điều hầu hết người dân đang gặp phải hiện nay.

Thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, với quy mô 8ha và sản lượng 8 triệu cây giống/năm, nhưng nay gần qua mùa mưa, cuối mùa trồng rừng kinh tế nên cây giống khan hiếm. Trong khi sau bão số 12, diện tích keo gãy đổ lên đến hơn 700ha, thiệt hại từ 50-70%.

Sau bão, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân khôi phục sản xuất, thu hoạch gỗ keo gãy, trồng thay thế cây trồng khác. Thời gian đến, tiếp tục gieo ươm giống cây lâm nghiệp, trồng rừng kinh tế, nâng độ che phủ rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập hộ gia đình.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/249543/nong-dan-gap-kho-khi-keo-giong-khan-hiem-gia-tang.html