Nông dân Sơn La tiêu thụ nông sản ổn định nhờ liên kết sản xuất

Mô hình hợp tác xã đang phát triển mạnh mẽ tại các địa phương của tỉnh Sơn La, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân. Việc liên kết sản xuất không chỉ giúp hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất mà còn giúp người nông dân tham gia vào mô hình kinh tế mới hiệu quả và bền vững.

Gia đình chị Lê Thị Thắm, ở phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La hiện đang canh tác gần 2 hecta các loại rau. Nếu trước đây chị Thắm phải sớm hôm vất vả mang rau ra chợ bán, giá cả bấp bênh, thì từ khi tham gia hợp tác xã Nông nghiệp xanh 26-3 tại thành phố Sơn La, toàn bộ rau màu chị làm ra đều được hợp tác xã tiêu thụ hết với giá cả ổn định. Tận dụng đất vườn trũng, giàu phù sa để trồng các loại rau sạch, mỗi năm gia đình cũng thu về gần 200 triệu đồng.

“Từ khi tham gia hợp tác xã, sản lượng rau của mình nhiều lên và mình có một mối ổn định, không phải đi chợ, giá cả hai bên thỏa thuận ngay từ ban đầu nó ổn định thì mình cứ cung cấp, rau thì mình làm đúng theo quy trình của hợp tác xã”, chị Lê Thị Thắm phấn khởi.

Vùng trồng rau của hợp tác xã Nông nghiệp xanh 26-3

Vùng trồng rau của hợp tác xã Nông nghiệp xanh 26-3

Sau 8 năm chinh phục thị trường nông sản sạch, hợp tác xã Nông nghiệp xanh 26-3 là địa chỉ tin cậy trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn ở Sơn La. Không chỉ hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch cho 12 thành viên và hộ dân liên kết, đây chính là nơi chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp.

“Trước đây mình làm chuối, thu nhập bình quân là 5 triệu đồng/tháng, bây giờ với lượng rau như thế này thì trên gần 2ha rau, tôi có thu nhập tầm 7 triệu đồng/tháng. Từ tháng 6 năm ngoái tôi liên kết với hợp tác xã thấy hiệu quả kinh tế phát triển hơn. Hợp tác xã hỗ trợ mình giống cây, phân bón và kỹ thuật chăm sóc”, anh Trần Mạnh Hùng, ở bản Nong Nái, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn cho biết.

Nông dân Sơn La tiêu thụ nông sản ổn định nhờ liên kết sản xuất

Nông dân Sơn La tiêu thụ nông sản ổn định nhờ liên kết sản xuất

Với vùng nguyên liệu hơn 13 hecta, mỗi tháng, hợp tác xã 26-3 cung ứng ra thị trường 30-40 tấn rau củ quả các loại. Để tiêu thụ hết sản lượng nông sản làm ra, hợp tác xã đã và đang duy trì 4 gian hàng xanh tại chợ 7/11, chợ 308 và chợ Rặng Tếch, thành phố Sơn La. Duy trì hợp đồng dài hạn với các bếp ăn tập thể như bệnh viện, trường học; đồng thời mở rộng kênh phân phối nông sản sạch tới hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối khu vực phía Bắc. Các mặt hàng rau củ quả an toàn của hợp tác xã đều có giá bán cao hơn thị trường khoảng 20-30%, nhờ đó giá trị sản xuất nông nghiệp cũng cao hơn.

“Tiêu thụ sản phẩm đối với hợp tác xã, chúng tôi có rất nhiều kênh, thứ nhất là các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo và các nền tảng thương mại điện tử. Chúng tôi tiếp cận và bán hàng qua các kênh đó cũng mang lại hiệu quả nhất định, khách đặt hàng và chúng tôi ship, mọi thứ rất thuận tiện và dễ dàng hơn. Kênh thứ 2 là chúng tôi bán trực tiếp tại các cửa hàng”, chị Hoàng Thị Thắm, Phó giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp xanh 26-3 Sơn La chia sẻ.

Hợp tác xã đang duy trì 4 gian hàng xanh tại chợ 7/11, chợ 308 và chợ Rặng Tếch

Hợp tác xã đang duy trì 4 gian hàng xanh tại chợ 7/11, chợ 308 và chợ Rặng Tếch

Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, việc liên kết sản xuất không chỉ giúp hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, từ sản phẩm tươi đến sản phẩm đã sơ chế, mà còn giúp người dân tiêu thụ nông sản với giá cả ổn định. Một hình thái kinh tế mới được hình thành, đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.

Sản phẩm rau củ quả tại các gian hàng xanh được người tiêu dùng lựa chọn

Sản phẩm rau củ quả tại các gian hàng xanh được người tiêu dùng lựa chọn

“Hiện tại mình có thanh long, bắp cải, cà pháo đang liên kết với hợp tác xã. Khi mình liên kết được thì đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của mình dễ hơn, mang tính ổn định hơn, bền vững hơn”, anh Nguyễn Đình Đại, bản Thống Nhất, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nói.

Tại những vùng nông thôn của tỉnh Sơn La, việc liên kết sản xuất được xem là cách làm phù hợp, hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nong-dan-son-la-tieu-thu-nong-san-on-dinh-nho-lien-ket-san-xuat-post1099978.vov