Nông dân thi đua làm giàu

Hộ ông Nguyễn Ngọc Hoài, nông dân sản xuất giỏi ở phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa phát triển dây chuyền sản xuất bánh phở sạch mang lại thu nhập cao. Ảnh: NGỌC HÂN

Những năm qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp hội nông dân trong tỉnh triển khai sâu rộng. Phong trào đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh

Theo Hội Nông dân tỉnh, để phong trào Nông dân thi đua SXKDG lan tỏa, đi vào chiều sâu, các cấp hội đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền và triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp về giống, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, vật tư nông nghiệp, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện để hội viên nông dân được tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Trong 5 năm qua, thông qua các hoạt động phong trào với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, các hộ nông dân SXKDG các cấp đã giúp đỡ, hỗ trợ vốn, phổ biến kinh nghiệm làm ăn. Đến nay đã giúp cho hơn 8.778 lượt hộ nghèo, số hộ đã vươn lên thoát nghèo là 919 hộ, tạo việc làm cho hơn 26.206 lao động nông thôn, thành lập 49 chi hội và 263 tổ hội nghề nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề với 4.000 thành viên.

Bên cạnh đó, các cấp hội cũng phối hợp cung ứng hàng chục ngàn tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho hội viên nông dân đầu tư sản xuất; phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, qua đó trang bị kiến thức, kỹ năng giúp hội viên nông dân chủ động ứng dụng, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh. Giai đoạn 2017-2022, hơn 52.850/64.084 hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp; trong đó, 317 hộ đạt danh hiệu SXKDG cấp trung ương, 2.520 hộ cấp tỉnh, 13.416 hộ cấp huyện và 36.597 hộ cấp cơ sở.

Nhờ chính sách hỗ trợ vốn và khuyến khích phát triển sản xuất, cách đây 4 năm, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở thôn Phong Phú, xã An Hiệp (huyện Tuy An) quyết định phát triển mô hình nuôi chồn hương sinh sản. Từ 1-2 cặp nuôi ban đầu, sau 1 năm, chị Tâm đã mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi, xây chuồng trại kiên cố và bắt đầu nuôi có lãi. Hiện chồn hương của gia đình chị Tâm được nhiều người dân địa phương và các huyện lận cận đến mua giống.

“Từ thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi, được các cấp hội nông dân hỗ trợ và tạo điều kiện, hiện trang trại nuôi chồn hương của gia đình tôi duy trì nuôi thường xuyên hơn 150 con, trong đó có hơn 50 con chồn bố mẹ. Với giá 8 triệu đồng/cặp chồn hương giống, 1,5-2 triệu đồng/kg chồn thịt, sau khi trừ chi phí, ước tính mỗi năm, từ việc bán con giống và bán thịt, gia đình tôi thu nhập hơn 300 triệu đồng”, chị Tâm phấn khởi nói.

Đạt danh hiệu nông dân SXKDG với mức thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, ông Ma Min ở buôn Chung, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) cho hay: “Từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân và mô hình tổ hội nông dân, gia đình tôi đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi bò cái sinh sản; đồng thời chuyển đổi thêm phần diện tích còn lại của gia đình sang trồng cỏ và cây có giá trị cao. Nhờ vậy, gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn có điều kiện giúp đỡ nhiều hội viên nông dân trong buôn phát triển sản xuất”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở xã An Hiệp, huyện Tuy An phát triển mô hình nuôi chồn hương sinh sản mang lại thu nhập cao. Ảnh: THÁI NGỌC

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở xã An Hiệp, huyện Tuy An phát triển mô hình nuôi chồn hương sinh sản mang lại thu nhập cao. Ảnh: THÁI NGỌC

Khích lệ phong trào phát triển

Theo ông Huỳnh Văn Dũng, phong trào Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua. Đặc biệt, phong trào tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức hội với bà con nông dân. Trong giai đoạn 2017-2022, các cấp hội đã kết nạp 26.231 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 125.980; 50% cơ sở hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngoài ra, hàng năm, hội còn phối hợp với Sở NN-PTNT, các ban ngành liên quan tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, các mô hình trình diễn; hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ về chăn nuôi, trồng trọt, cách phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tổ chức hội thảo về canh tác lúa trên cánh đồng lớn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân vi sinh trong trồng trọt an toàn. Tính đến cuối năm 2022, thông qua Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội, hội đã tín chấp cho gần 45.600 lượt hộ vay với số tiền hơn 2.300 tỉ đồng; vận động, tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân được hơn 38 tỉ đồng, lập 144 dự án, cho 1.200 lượt hộ vay… để phát triển các mô hình sản xuất.

“Thời gian tới, hội nông dân các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn; khuyến khích các mô hình kinh tế phát triển được tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo điều kiện về vốn vay để nông dân mạnh dạn triển khai những mô hình mới; phát huy vai trò là cầu nối giữa hội viên với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân”, ông Dũng khẳng định.

Theo Hội Nông dân tỉnh, giai đoạn 2023-2028, các cấp hội tiếp tục nỗ lực đưa phong trào phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Phấn đấu hàng năm, mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập được 1-2 chi, tổ hội nghề nghiệp; mỗi hộ SXKDG từ cấp tỉnh trở lên giúp đỡ ít nhất 1 hộ nông nghèo vươn lên thoát nghèo; phối hợp dạy nghề và tạo việc làm từ 2.000-2.500 nông dân; mỗi cơ sở hội xây dựng ít nhất 1 mô hình kinh tế tập thể hiệu quả…

THÁI NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/293311/nong-dan-thi-dua-lam-giau.html